Mục tiêu của hội thảo là tôn vinh và tổng kết những bài học từ những đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp ngời sáng, trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam Nguyễn Thế Phiệt phát biểu tại gặp gỡ báo chí.
Các Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam Nguyễn Thế Phiệt, Đặng Thị Ngọc Vân chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về Hội thảo khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hoá dân tộc” sẽ diễn ra sáng thứ 6 ngày 21/12 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng 266 Thuỵ Khuê- Hà Nội.
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam (bản in) đã thông tin nêu rõ: Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được sự ủng hộ nhiệt huyết và trách nhiệm của Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Văn hóa Dân tộc” vào sáng ngày 21 tháng 12 năm 2018, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, số 266 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội.
Mục tiêu của hội thảo là tôn vinh và tổng kết những bài học từ những đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp ngời sáng, trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam (bản in) thông tin cụ thể nội dung Hội thảo.
Hội thảo tập trung vào các nội dung lớn sau:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng quân sự Việt Nam.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ.
Cho đến ngày 10 tháng 12, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận có chất lượng của các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà hoạt động văn hóa giáo các văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp cả nước như:Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Thiếu tướng Hoàng Kiền, đại tá Nguyễn Huyên… các GS, PGS Nguyễn Đình Chú, Hồ Sĩ Vịnh, Lê Ngọc Canh, Trình Quang Phú, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Minh Đức, Lê Thị Bích Hồng… các nhà văn nhà thơ Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Bá Lợi, Vũ Hạnh, Nguyễn Thế Kỷ. Mai Nam Thắng…các nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Đỗ Hồng Quân…các họa sĩ Lê Trí Dũng, Đỗ Đức…các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Nguyễn Đình Toán, Trần Định, các nghệ sĩ sân khấu:NSND Trịnh Thúy Mùi, NSƯT Lê Chức, NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Đào Quang…
Vì thời gian hạn hẹp, trong hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn khoảng 10 tham luận tiêu biểu trình bày còn lại dành thời gian cho các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, các nhà hoạt động văn hóa lão thành phát biểu. Ban tổ chức đã tuyển chọn 52 tham luận in trang trọng trong tập kỷ yếu hội thảo và sẽ được tập hợp biên soạn bổ sung xuất bản chính thức một cuốn sách cùng tên với hội thảo “Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” ngay sau hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, đông đảo trí thức văn nghệ sĩ các nhà hoạt động văn hóa đến từ thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam bộ…
Tại hội thảo, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có tổ chức trưng bày một số tài liệu hiện vật mới về cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tạp chí Văn hiến Việt Nam và các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Nguyễn Đình Toán, Trần Định tổ chức trưng bày một bộ tác phẩm nhiếp ảnh cỡ lớn (0,8×1,2m) về Đại tướng.
Quang Tới