Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao?

0:15 | 28/02/2023

Lê Đại Chúc đã hơn một lần nhắc lại câu nói này của họa sĩ Bùi Xuân Phái trong cuộc trò chuyện cùng tôi. Sau hơn 40 năm nhập làng hội họa, nhất là sau cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 8 mang tên “Con người và vũ trụ” tại Bảo tàng Mỹ thuật VN năm 2008, Lê Đại Chúc đã trở thành một trong những tên tuổi rất được chú ý của mỹ thuật hiện đại VN


Cho đến nay, tài sản của Lê Đại Chúc đã là hàng ngàn bức tranh sơn dầu và hàng ngày, trong căn nhà nhỏ ở phố Cầu Đất Hải Phòng, anh vẫn không ngừng cho ra những seri tranh mới làm nhiều người kinh ngạc trước niềm đam mê, sức lao động và năng lượng sáng tạo dường như vô tận trong anh. Sau cuộc triển lãm “Vũ trụ và con người” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lê Đại Chúc bỗng biệt tăm. Hỏi NSUT, đạo diễn Lê Chức, em anh, thì biết Lê Đại Chúc được mời sang vẽ ở Mỹ.
Đầu tháng 10/2010, thoáng thấy Lê Đại Chúc ở Việt phủ Thành Chương trong khai mạc triển lãm tranh Nguyễn Thị Hiền “Dòng chảy – Những con chữ”. Chưa kịp gặp thì anh lại mất hút. Giữa tháng 12 vừa qua, Lê Đại Chúc từ Hải Phòng lên ghé lại thăm tôi tại tạp chí Văn hiến VN và trò chuyện cùng tôi những chiêm nghiệm hội họa. Ở ngưỡng cửa của tuổi “bát thập”, Lê Đại Chúc vẫn coi mình chỉ mới bắt đầu trong hành trình tìm đến ý nghĩa thực sự của nghề vẽ.

– Anh thường nói: Hoạ sĩ vẽ gì thì vẽ, cuối cùng vẫn là tự hoạ, xin anh giải thích thêm chiêm nghiệm này?

– Có người hỏi tôi: hoạ sĩ là ai? Tôi đã trả lời: Hoạ sĩ khác người thợ vẽ ở chỗ dù vẽ gì thì vẽ cuối cùng vẫn là tự hoạ. Theo tôi, hội họa, nghệ thuật bao giờ cũng là vấn đề riêng tư, rất riêng tư. Người họa sĩ vẽ gì thì cũng theo con mắt riêng, tư tưởng, cảm xúc riêng, cách đánh giá riêng, theo những mách bảo riêng của trái tim mình. Nếu để một lọ hoa cho 10 họa sĩ cùng vẽ thì dứt khoát sẽ ra 10 bức tranh hoa khác nhau. Chữ tự họa tôi dùng ở đây nhằm nhấn mạnh rằng họa sĩ dù vẽ đối tượng nào thì cùng đều thể hiện chân dung của bản thân: suy nghĩ và quan niệm về cuộc sống, con người, về đối tượng vẽ, quan niệm về hội họa, và cả học vấn, sở thich… nghĩa là tất cả những gì chất chứa trong lòng mình. Người họa sĩ thậm chí còn vẽ ra những điều mà mắt thường không nhìn thấy nhưng họ lại nhìn thấy được thông qua tôn giáo, thông qua khoa học, thông qua tâm linh. Nhà bác học Nga Gamov khi nghiên cứu về vật chất tối (Dark Substance) từng nói: “Những cái mắt thường không nhìn thấy không có nghĩa là chúng không tồn tại”. Tôi vẽ đống rơm màu xanh, lũy tre màu đen, con trâu màu đỏ và khi tranh của tôi đẹp có hồn thì mọi người đều thấy tôi có lý. Tôi cũng vẽ mình thành ông da đen, lông mày màu xanh và hai mắt màu vàng…Mới đây, tôi có một bức tranh Đức Phật đem tặng cành hoa sen cho Đức chúa Giê Su trước cây thánh giá. Trong đời thực, hai con người vĩ đại này chưa bao giờ gặp nhau, nhưng họ lại gặp nhau trong giáo lý dùng cái thiện, dùng lòng từ bi để cứu rỗi con người. Vậy tại sao tôi lại không vẽ về một cuộc hạnh ngộ giữa họ. Danh họa Gaugin nói: “Mọi cái đều có thể”.

– Không ít người khen Lê Đại Chúc là trường hợp hiếm hoi của một người không qua trường lớp chỉ nhờ tự học mà thành công trong hội họa. Anh nghĩ sao về lời khen này?

– Đây là một sự nhầm lẫn lớn. Hầu hết các danh họa trong nước và trên thế giới đều thành công chủ yếu là nhờ tự học chứ không phải nhờ trường lớp. Bác Nguyễn Gia Trí và anh Nguyễn Sáng đều học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng thành công lớn nhất của họ với tranh sơn mài là do tự mày mò nhiều năm học từ truyền thống sơn mài dân tộc.

Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng có dạy về sơn mài nhưng chỉ rất đại khái. Pablo Picasso cũng vậy, ông chỉ học ở Học viện Mỹ thuật Madrit một năm rồi bỏ ngang sang Paris rồi nhờ tự học rồi thành danh. Cần nhấn mạnh rằng trường lớp là quan trọng nhưng tự học mới là cái quyết định thành công của bất kỳ họa sĩ nào. Nếu chú ý ta sẽ thấy là các bậc thầy hội họa thường không bao giờ dạy ở các trường và nếu không học được họ thì khó có thể thành công. Nhờ mối quan hệ của cha tôi, nhà thơ Lê Đại Thanh, tôi may mắn từ nhỏ đã quen biết và được các anh Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái dạy vẽ. Rồi sau này vào TPHCM, tôi may mắn quen biết và học được nhiều điều từ bác Nguyễn Gia Trí. Tôi đã từng được xem anh Nguyễn Sáng thực hiện từ đầu đến cuối bức tranh sơn mài nổi tiếng “Trong vườn chuối”, cả từ lúc anh ký họa, bóp hình. Anh Bùi Xuân Phái cũng từng ở nhà tôi ở TPHCM ba tháng để vẽ và trao đổi kinh nghiệm với tôi. Từ năm 1995, tôi được đi triển lãm nhiều ở ngoại quốc nên lại học được từ những tác phẩm kinh điển của các bậc thầy thế giới. Ở nước ngoài, cứ từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều tôi mê mải đi bảo tàng xem từng vết bút của các bậc thầy. Có kỳ đi 90 ngày thì 70 ngày tôi ở các bảo tàng lớn nhất thế giới. Sau những kỳ “học tập tại chỗ” như vậy quan niệm về hội họa và kỹ thuật sơn dầu của tôi tăng gấp hàng chục lần chứ không phải một hai lần. Sự tự học có cái hay là hoàn toàn tự do, chỉ học những gì thiết thân nhất và có thể chọn lọc những cái hay nhất của các bậc thấy, không bị phụ thuộc vào bất cứ chương trình giáo án nào.

Picasso, họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20 là một tấm gương tự học lớn. Khi đã thành danh và giàu có, Picasso đã mua rất nhiều tranh của người khác. Picasso quan niệm đơn giản thế này: “Họa sỹ là người sở hữu bộ sưu tập riêng của mình”. Đặc biệt là ông ấy mua nhiều nhất là tranh của H.Russo, vốn là một họa sĩ tự học hoàn toàn. H.Russo đã là nguồn cảm hứng và có ảnh hưởng lớn đến sáng tạo của Picasso, Kadanski và cả Matisse. Picasso, Kadanski và Matise vĩ đại bởi họ luôn nhận ra và học hỏi không ngừng những cái hay, cái vĩ đại của người xung quanh.

Có lần, một bạn họa sĩ nổi tiếng khen tôi: “Không qua trường lớp mà vẽ được như ông thì thật đáng khâm phục”. Tôi liền đùa lại: “Ông nói ngược rồi! Qua trường lớp mà vẫn vẽ được như ông thì mới đáng kính phục”. Trong câu nói đùa của tôi, có một sự thật nghiêm túc: sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo hội họa bao giờ cũng rất kỵ những trói buột trường quy, những khuôn vàng thước ngọc áp đặt và người nghệ sĩ nếu không vượt qua những rào cản đó thì khó có thể thành công. Họa sĩ Bùi Xuân Phái từng ghi vào nhật ký câu này: “Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao!”. Đối với thế giới Bùi Xuân Phái chưa phải là một họa sĩ vĩ đại nhưng câu nói này của ông thì quá vĩ đại, thế giới hội họa chưa ai nói được như ông. Một câu nói chứng tỏ ông hiểu hội họa đến mức tận cùng rồi. Chính các họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới cũng chưa ai dám chắc mình đã thực sự hiểu hội họa. Salvado Dali từng nói: “Tôi hiện là họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới, ấy vậy mà tôi vẫn không hiểu được vẽ là thế nào?”. Họa sĩ Bùi Xuân Phái từng chỉ cho tôi xem tranh của Gaugin, Russo và nói: Vẽ như thế này là sai rồi đây này nếu theo quan niệm trong trường nhưng chính những cái sai này mới là đẹp. Nghệ thuật là tình yêu mà tình yêu thì không ai có thể dạy ai được. Tôi ngờ rằng những ngưòi hay lớn tiếng chỉ dạy về tình yêu thực ra chưa hiểu mấy về tình yêu. Chính tình yêu của mỗi người sẽ tự mách bảo cách yêu, cách chinh phục người mình yêu của họ. Người phương Tây có câu: “Nghệ sỹ sinh ra đã là nghệ sỹ ngay chứ không phải do đào tạo”. Nhấn mạnh điều này không hề là việc coi thường các trường lớp nghệ thuật nhưng quả thật các trường lớp có thể dạy vẽ nhưng không đào tạo được họa sĩ, có thể dạy viết văn nhưng không thể đào tạo nên nhà văn, có thể dạy nhạc nhưng không đào tạo được nhạc sĩ. Học nghệ thuật là học để quên chứ không phải để nhớ. Làm nghệ thuật là một quá trình tự đào tạo qua công việc lao động sáng tạo bền bỉ hàng ngày, nếu muốn thành công thì phải nhớ đến cái nguyên tắc hồn nhiên mà Bùi Xuân Phái nhắc nhở: “Hãy cứ vẽ như không biết vẽ”…

– Gần đây, anh thường vẽ Đức Phật và Đức chúa Giê Su, nguyên nhân nào làm anh say mê những bậc thầy tôn giáo này đến vậy?

– Người họa si vẽ chân dung thường vẽ những người thân yêu, những người mình yêu mến kính trọng. Tôi đã từng vẽ chân dung cha tôi, nhà thơ Lê Đại Thanh, những người trong gia đình tôi, các nghệ sĩ lớn của đất nước mà tôi kính trọng như Văn Cao, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Trong mười năm gần đây, tôi có nghiên cứu về Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, tôi thấy có lẽ hai trong những con người đẹp nhất của nhân loại là chúa Giê Su và Đức Phật. Các triết gia lỗi lạc từ cổ chí kim có nhiều nhưng cũng có ông nói chưa chắc đã đúng, nhiều ông cuộc đời và lý thuyết không đi đôi với nhau, nói một đằng làm một nẻo. Phật và Giê Su thì không như thế. Hai người này rất nhất quán. Cuộc sống của các ngài là minh chứng sống động nhất cho tất cả những điều các ngài nói.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành rất thú vị khi xem một số bức tranh Phật và Giê Su của tôi trong triển lãm “Con người và vũ trụ” năm 2008. Sau khi xem rất chăm chú, nhiều lúc ngồi bệt xuống sàn nhà để ngắm tranh, anh Lê Công Thành nói với tôi: rất lạ là làm sao đúng ngày tháng này Chúc lại vẽ Phật và Giê Su cứ như là Chúc được hai đấng tối cao giao nhiệm vụ vẽ để nhắc nhở con người vì hiện nay đời sống tâm linh của nhân loại xuống thấp quá, chưa bao giờ thấp như vậy. Chưa bao giờ con người tàn bạo gian dối và cạnh tranh khốc liệt như bây giờ. Và anh Lê Công Thành đã làm một bữa tiệc nhỏ ngay tại sân Bảo tàng Mỹ thuật mời một số nhà báo, nhà văn cùng chúc mừng tôi. Anh Thành coi việc tôi say mê vẽ hai đấng tối cao về tôn giáo này là một hiện tượng tâm linh. Tôi cũng cảm thấy thế. Tôi vẽ Đức Phật và Giê Su từ một thôi thúc tâm linh: chỉ có lòng từ bi mới cứu được con người!

– Anh nghĩ thế nào về tính dân tộc của hội họa, có nên đề cao tính dân tộc trong hội hoạ hiện đại?

– Tính dân tộc là một thuộc tính tự nhiên của hội hoạ. Người họa sĩ luôn thuộc về một đất nước một dân tộc và đầu tiên, anh ta bao giờ cũng vẽ con người và thiên nhiên đất nước mình dân tộc mình và vì thế không thể lẫn với con người của đất nước dân tộc nào khác. Các đặc trưng về tư duy, cảm xúc, rồi các đặc trưng về màu sắc, đường nét, hình khối cũng tạo nên tính dân tộc của một nền hội họa. Thế giới từng biết đến những nền hội họa đặc sắc của Hà Lan, Italia, Pháp …Tuy vậy, các họa sĩ lớn không chỉ thuộc một đất nước, một dân tộc, họ thuộc về nhân loại. Theo tôi, ngày hôm nay không nên quá đề cao tính dân tộc khiến cho người nghệ sĩ lúng túng và tự làm nghèo mình. Ví như dân tộc ta không chỉ là sơn mài, lụa, hay chỉ là con trâu, bến nước gốc đa, áo tứ thân hay cứ dùng màu nâu sẽ ra dân tộc. Nguy hiểm hơn là việc tuyệt đối hóa dân tộc tính dễ dẫn đến một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khi dân tộc nào cũng cho mình là nhất, thì đó là nguồn gốc những bi kịch lớn của nhân loại hiện nay như chiến tranh, thù hận…Có lẽ, theo tôi, bây giờ mối quan tâm lớn nhất của các họa sĩ VN là làm sao tranh mình vẽ thật hay thật đẹp, trong cái hay cái đẹp luôn bao hàm tính dân tộc và tính nhân loại. Thế giới người ta rất sòng phẳng, rõ ràng về việc này. Trong các bảo tàng và galerry lớn thế giới, dưới một bức tranh đẹp, sau tên của họa sĩ, bao giờ họ cũng ghi quốc tịch và thậm chí cả nguồn gốc dân tộc của họa sĩ. Ví dụ: Họa sĩ X, quốc tịch Mỹ, gốc VN.

– Được biết, anh vừa có một chuyến sang Mỹ tham gia một hoạt động nghệ thuật thú vị: vẽ tranh phục vụ chiến dịch từ thiện mang tên “Giving Pledge – Cam kết cho đi”. Anh thu nhận được gì từ chuyến đi vẽ thú vị này?

– Qua các phương tiện truyền thông, chắc bạn đã biết đây là chiến dịch từ thiện lớn do hai tỷ phú Mỹ Warren Buffet và Bill Gates đề xướng, đã thuyết phục, vận động hàng trăm tỷ phú Mỹ hiến tài sản làm từ thiện. Hầu hết đều hiến ít nhất 50% , có người đến 90% tài sản vào quỹ giúp đỡ người nghèo, người bất hạnh trên toàn thế giới. Dù đã nhiều lần được mời đi nước ngoài vẽ chân dung, có lần từng sang London hàng mấy tháng trời để vẽ chân dung cho một số nghệ sĩ nổi tiếng, được giới thiệu tới vẽ chân dung cho một số gia đình thuộc gia tộc Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Sơcsin, nhưng tôi vẫn bất ngờ về lời mời đi Mỹ lần này. Cuối tháng 5/2009, tôi nhận được một bức thư mời từ một tổ chức tên là INDOCHINA ARTS ở Mỹ. Bức thư do Giám đốc của tổ chức này, ông David Thomas ký tên, có đoạn viết: “Tôi viết thư này mời ông tới thăm nước Mỹ trong sáu tháng. Trong thời gian này, ông sẽ đi thăm những thành phố Boston, NewYork, Washington, Atlanta, Colorado, Santa Fe, San Francisco, San Jose và Los Angles…Tại các nơi đó, ông sẽ đi thăm các bảo tàng, galleries, các trường trung học và đại học nghệ thuật, nói chuyện với sinh viên, các nhà nghệ thuật, nhà sưu tập và công chúng…Tôi được biết ông có dự kiến thực hiện một seri chân dung một số người nổi tiếng nước Mỹ và bạn bè mình. Trong những chân dung đó sẽ có chân dung của Tổng thống Obama, Opra Winfrey và Bill Gates mà những người mà ông cảm phục về lòng bác ái và tài năng xuất chúng của họ. Chúng tôi muốn hợp tác với ông thực hiện dự định này…Khi trở về nước, tôi mong muốn ông sẽ tổ chức các triển lãm những chân dung này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để giúp người Việt Nam có một cái nhìn mới về dân tộc Mỹ…”

Tôi không hiểu tại sao tổ chức hội họa ở nước Mỹ xa xôi này lại biết tôi và cả những dự định sáng tác của mình. Tuy vậy, tôi rất xúc động trước sự quan tâm của họ và nhận lời sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2009.

Trong sáu tháng ở Mỹ, tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người Mỹ nổi tiếng, đặc biệt là được đặt vẽ chân dung tổng thống Obama và các nhà tỷ phú đã bỏ gần hết gia tài để làm từ thiện. Tôi đã nhận ra rằng đây là những con người thật tuyệt vời, có tấm lòng thật cao cả. Những tỷ phú này, bằng lao động kiên nhẫn và trí tuệ xuất chúng đã làm nên những tài sản khổng lồ nhưng lại tin rằng tài sản họ có được không phải của họ làm ra mà do Thượng đế trao cho để họ có điều kiện giúp đỡ người khác. Trong những tháng ngày ở Mỹ vừa qua, tôi đã ngộ ra rằng: Trong các thứ nghệ thuật thì nghệ thuật sống mới là quan trọng nhất. Đây là những nghệ sĩ lớn, tiêu biểu cho loại nghệ thuật này. Tôi hãnh diện vì đã có một sưu tập chân dung họ…

(Họa sĩ Lê Đại Chúc sẽ tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 9 mang tên “Ngày trở về” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM từ 4/3 đến 8/3/2023. Anh có gửi giấy mời tôi vào tham dự. Do bận không vào được, xin chia sẻ bài trao đổi rất thú vị với anh thực hiện cuối năm 2010 để chào mừng triển lãm mới của Lê Đại Chúc)

 NGUYỄN THẾ KHOA (VHVN)

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học