Gây sốt trên sân khấu Hà Nội suốt hơn một tháng nay, Tấm Cám đã thành vở diễn hấp dẫn nhiều thế hệ khán giả. Tính đến thời điểm hiện tại, Tấm Cám đã có 36 buổi diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Đại Nam, Hồng Hà và Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô.
Hiện tượng bùng nổ ngoạn mục này là niềm ao ước từ rất lâu của các sân khấu Hà Nội. Với một vở diễn dành cho thiếu nhi thì Tấm Cám đúng là một sự khởi sắc đáng nể của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc.
Việc Tấm Cám diễn một ngày 2-3 suất, liên tiếp trong nhiều ngày, tại rạp Đại Nam, Hồng Hà, Nhà hát Lớn, Cung Việt Xô, và kín đặc khán giả, là một thành tích hiếm có trong bối cảnh sân khấu đang bị nhiều loại hình khác soán ngôi.
Thật khó tin khi vở diễn này lại tiếp tục diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với gần 4.000 chỗ vào ngày cuối tháng 6 này.
Hiện tượng “Tấm Cám” đã phản ánh thực trạng sân khấu đang quá khan hiếm những vở diễn hay dành cho thiếu nhi. Sự đói khát lâu ngày những chương trình văn hóa giải trí, nghệ thuật biểu diễn thực sự cần thiết va bổ ích với trẻ em đã khiến “Tấm Cám” được hào hứng đón nhận hơn.
Trong điều kiện không “sẵn nong sẵn né”, đầy đủ các điều kiện, sân khấu Lệ Ngọc phải căn cơ, tìm tòi đột phá trong tổ chức, trong tiếp thị để lôi kéo, chinh phục khán giả. Đó cũng là sự đổi mới cần thiết và hiệu quả để thích ứng với cơ chế thị trường.
Ê kíp dựng vở đã nghiên cứu nhu cầu thị hiếu để đem đến cho khán giả cái mà họ cần và thích chứ không phải chờ khán giả, mời khán giả những món mà mình có.
Theo PGS – TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Mẹ vốn là hình ảnh rất thiêng với người Việt truyền thống, trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu đối với người Việt đã vượt ngưỡng một người mẹ bình thường, để thành mẹ thiên nhiên, hiện diện trong nghi lễ thờ Mẫu và lan tỏa ân sủng khắp đình đền, chùa phủ Việt.
Hình ảnh người mẹ xuất hiện trong Tấm vừa mang vẻ đẹp dân gian truyền thống Việt, vừa hiện đại, hội nhập với thế giới hôm nay, và phù hợp với tín ngưỡng Việt cổ truyền. Nhân vật người mẹ trong vở kịch này đã “sân khấu” hơn nhân vật Bụt trong cổ tích”.
Sân khấu Lệ Ngọc dựng vở Tấm Cám trên tinh thần cổ tích phi văn bản, phi tác giả và phi xuất bản, chỉ lưu truyền duy nhất bằng truyền miệng. Muốn dựng kịch từ cổ tích phải có kịch bản văn học để đạo diễn có “nguyên liệu” để dàn dựng và diễn viên có chi tiết để biểu diễn.
Tác giả kịch bản đã có sự sáng tạo khi thay thế nhân vật ông Bụt trong cổ tích bằng hình tượng người mẹ đã khuất của Tấm, luôn sống trong tâm tưởng và hiện lên khi Tấm gặp khó khăn, trở ngại. Sáng tạo này đã hình thành hai cặp mẹ con: Mẹ Tấm (đã mất, chỉ hiện lên khi Tấm cần trợ giúp) và Tấm, mẹ Cám và Cám.
Hai cặp mẹ con đối kháng: Mẹ Tấm và Tấm, mẹ Cám và Cám đã tạo thành xung đột đối kháng, xuyên suốt vở diễn. Đề cao tình mẫu tử, thiết lập sự thắng thế của tình mẹ Thiện, đối với mẹ Ác đã loại bỏ các cảnh trả thù tàn bạo nhất của nguyên bản truyện cổ tích, là thay đổi lớn.
Không chỉ tránh được sự phản cảm trên sân khấu sự thay đổi này phù hợp để tình mẫu tử được tô đậm thành thông điệp xuyên suốt vở diễn khiến Tấm cũng trở nên đẹp đẽ, bao dung hơn.
Sự sáng tạo của họa sĩ Sỹ Hoàng trong phần thiết kế trang phục cũng góp phần giúp vở diễn đạt đến thẩm mỹ của cái đẹp. Trang phục của các nhân vật không chỉ đẹp mà còn được họa sĩ tính toán chất liệu, màu sắc, kiểu dáng phù hợp, điều đó đã mang đến cho sân khấu sự sang trọng, lộng lẫy.
Đạo diễn Chua Soo Pong với sự tài hoa và kinh nghiệm dàn dựng kịch thiếu nhi đã đẩy tính tương tác của vở kịch “Tấm Cám” lên cao. Khán giả nhí có nhiều cơ hội giao lưu trực tiếp với vai diễn của diễn viên trên sân khấu bằng những câu đối thoại tự nhiên trong các tình huống, như được tham gia, trở thành nhân vật đồng hành, cộng hưởng cảm xúc khiến sân khấu, diễn viên và khán giả như không còn khoảng cách.
Với sự đầu tư tổng thể “Tấm Cám” mới mẻ, sống động, đầy sức lôi cuốn, vở kịch được khán giả thích thú đón nhận cũng là điều dễ hiểu.
Theo GDTĐ