Có một nghệ sĩ Xuân Ba khác…

17:34 | 22/08/2022

Nếu như báo giới ở Hà Nội có một cây bút Xuân Ba sắc sảo thì giới nghệ sĩ Thủ đô lại có một Xuân Ba mộc mạc nhưng cũng rất tài năng.


Nhạc sĩ, NSƯT Xuân Ba đắm mình trong tiếng đàn bầu.

Đó là nhạc sĩ, NSƯT Xuân Ba, nguyên nhạc công đàn bầu và đàn nguyệt tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Điều trùng hợp thú vị là hai ông Xuân Ba ấy dẫu hơn kém nhau đến 14 tuổi nhưng rất thân thiết như đôi bạn tâm giao.

Nghỉ hưu vẫn “tham công, tiếc việc”

Nhà báo Xuân Ba đã từng hóm hỉnh viết về người bạn vong niên cùng tên rằng: “Quán xá Hà thành mà có cuộc vui, thực khách khi hững hờ lúc chăm chú về phía một người đàn ông rất khó đoán tuổi thường ăn vận tươm tất, khuôn người vậm vạp, trắng trẻo, hơi hoi hói, người đó đích là nhạc sĩ, NSƯT đàn bầu Xuân Ba”.

Quen biết nhạc sĩ Xuân Ba nhiều năm, tôi thấy nhận xét đó thật đúng. Ông thường bảo, dù sinh sống ở Thủ đô ngót 60 năm nhưng ông vẫn mang bản chất, tâm hồn, sự dung dị của người nhà quê Thuận Thành (Bắc Ninh).

Bởi vậy, ông thường thích “học làm sang” ở bề ngoài bằng cách ăn mặc rất gọn gàng, tinh tươm, lúc nào cũng thấy ông com-lê, áo trắng, giày đen ra phố.

Dù thời kỳ vàng son đã trôi qua nhưng gặp được ông không phải dễ. Tôi từng chứng kiến những cuộc hẹn với các bạn vong niên của ông (nhạc sĩ Đoàn Bổng, nhà báo Phan Đông Viên), họ cho ông chọn lịch mà đến phút cuối ông vẫn cáo bận bởi show diễn đột xuất.

Có người nói ông “tham công, tiếc việc” mà bỏ bê bạn bè cũng đúng, có người nói ông trách nhiệm với “thương hiệu” Xuân Ba của mình cũng chẳng sai. Lịch biểu diễn của ông hiện dày đặc, mà chỗ nào ông cũng nể, cũng không thể vắng mặt được.

Có hôm gọi điện cho ông thì ông bảo, cứ giờ nào cũng được nhưng phải trừ buổi trưa và buổi tối, bởi thời gian đó khi thực khách vui vẻ bên những mâm tiệc sang trọng, thì tiếng đàn của ông lại vang lên đến nao lòng người.

Nhưng không chỉ biểu diễn trong những mâm tiệc sang trọng, có lần tôi còn gặp tình huống “khó xử” khi thấy ông ôm đàn tứ theo hai cô ca sĩ đến từng bàn rượu bình dân để phục vụ mà nếu vui thì khách có thể “bo” cho đoàn một đến hai trăm nghìn đồng. Hình ảnh người nhạc sĩ già tung tẩy bên chiếc đàn tứ cứ ám ảnh tôi mãi.

Bởi sở trường và niềm đam mê của ông là đàn bầu và đàn nguyệt nhưng hai loại đàn ấy lại rất “kén” người nghe, nhất là ở những quán rượu bình dân. Điều đó cho thấy ông đã chấp nhận “hy sinh” để theo thị hiếu của khách hàng. Khuôn mặt cố vui cười của ông cũng không thể che lấp được nỗi buồn thầm kín bên trong.

Tôi cũng đã nhiều lần ngồi trò chuyện với ông trong không gian và thời gian vô cùng đặc biệt khi ông vừa kết thúc buổi biểu diễn cho một doanh nghiệp. Đó là một quán bia ven đường tàu Lê Duẩn vào lúc gần 10 giờ đêm.

Sau tất bật, ngược xuôi của công việc, ngồi đối diện với tôi, nhạc sĩ Xuân Ba khá trẻ trung so với tuổi của mình. Ông bảo, về hưu mấy chục năm rồi nhưng ngồi yên một chỗ thì không chịu được. Phải đi, phải biểu diễn thì mới khỏe và có đồng ra, đồng vào.

Tất nhiên, tôi hiểu ông không đặt nặng vấn đề kinh tế, bởi ở cái tuổi của ông, tiền lương cũng dư dả, con cái đã thành đạt. Sau thân thiết hơn, có lần ông tâm sự: “Biểu diễn là cuộc sống của tôi, nơi đó tôi được thể hiện tài năng, sở thích của mình và hơn nữa tài năng, sở thích của mình lại mang lại niềm vui cho người khác”.

NSƯT Xuân Ba (giữa) với đồng nghiệp trong một cuộc lưu diễn.

Nhận tiền tác quyền tới… 30 nghìn USD

Nói về NSƯT Xuân Ba có lẽ phải nhắc đến người anh trai nổi tiếng của ông là nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Với Xuân Ba, nhạc sĩ Xuân Khải là một người anh, đồng thời là một người thầy, một tấm gương lao động nghệ thuật mẫu mực bởi ông vừa biết biểu diễn nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau, vừa sáng tác nhiều tác phẩm viết cho các nhạc cụ dân tộc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, được biểu diễn trong suốt nhiều năm qua.

Chính sự ảnh hưởng lớn của người anh trai cùng năng khiếu âm nhạc bẩm sinh mà thầy giáo làng Xuân Ba đã quyết định rời xa trang giáo án và những học trò thân thương để theo học âm nhạc tại nơi người anh trai của mình đang giảng dạy.

Sau 4 năm học tập chăm chỉ, say mê, Xuân Ba đã thu nạp được nhiều kiến thức cơ bản về âm nhạc dân tộc, để rồi từ khi được tuyển dụng vào Đoàn Ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) năm 1963, ông đã khẳng định được tên tuổi trong cả lĩnh vực sáng tác lẫn biểu diễn.

Gần 40 năm công tác tại “ngôi nhà” này, ông đã cùng các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ đồng bào, khán giả Thủ đô và nhiều vùng quê từ khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông lại cùng các nhóm nghệ thuật nước nhà đến nhiều nước trên thế giới để giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ông biểu diễn tác phẩm đàn bầu “Hà Nội – Huế – Sài Gòn” do nhạc sĩ Hoàng Vân chuyển thể lại và phát triển tiết tấu từ chính tác phẩm rất nổi tiếng của mình. Bản nhạc đã thể hiện tinh thần gắn bó không thể tách rời của 3 miền Bắc – Trung – Nam, tạo nên một sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đem đến cho ông tấm Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1970.

Ông cũng là người đã sáng tác tác phẩm độc tấu cho đàn nguyệt “Tình quân dân” khi đang học năm thứ 3 (năm 1962) tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tác phẩm mang một dấu ấn lịch sử và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Xuân Ba khi đã khắc họa được rõ nét tình cảm gắn bó yêu thương của những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương lớn với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến.

Bản nhạc “Tình quân dân” có giá trị không chỉ ở giai điệu mà còn ở sự tìm tòi thể hiện sáng tạo trên cây đàn nguyệt. Ông đã đưa ngôn ngữ âm nhạc hiện đại vào cây đàn nguyệt, khai thác triệt để cách lên dây quãng bảy thứ (gọi là dây tố lan) nhờ đó mà kĩ thuật cũng như nghệ thuật diễn tấu được nâng lên một bước quan trọng.

Cũng nhờ tác phẩm này đã đem đến cho ông tài sản mà theo ông là “từ trên trời rơi xuống”. Chuyện là vào tháng 4/2019, ông bất ngờ nhận được một lá thư từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chuyển đến. Trong bức thư, một hãng phim của Mỹ đã xin lỗi vì sử dụng nhạc phẩm trong một bộ phim mà không xin phép tác giả.

Cũng theo bức thư thì họ đã nhận xét “Tình quân dân” là một bản nhạc hay, đẹp và độc đáo” và họ cũng không quên trả ông số tiền tác quyền tới 30 nghìn USD. Nhưng điều làm ông bất ngờ hơn nữa là dù đã xem phim và nghe nhạc nhưng ông không phát hiện ra tác phẩm của mình đã sử dụng trong ấy, là bởi thay vì dùng đàn nguyệt, họ đã dùng bộ gõ cùng với dàn trống hiện đại “để tạo sự biểu đạt cao hơn mà vẫn giữ được hồn cốt của bản nhạc”.

…Và bạn tri âm – Đạo diễn, NSƯT Vương Đức (trái).

“Món quà” trả nợ Thủ đô

Nếu “Tình quân dân” là “món quà” để ông trả nợ nơi “quê cha đất tổ” thì “Trăng Tây Hồ” lại là sự “đền ơn, đáp nghĩa” với nơi đã cho ông có được tên tuổi, sự nghiệp như ngày hôm nay.

Những ngày uống rượu, đọc thơ bàn sự đời cùng nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Văn Cao bên bờ hồ Tây lộng gió, những lần được thỉnh chuông chùa Trấn Quốc… đã đem đến cho ông cảm xúc để viết lên ca khúc mang đậm âm hưởng ca trù, một thể loại âm nhạc truyền thống, đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

“Thời điểm năm 1985, khi tôi sáng tác ca khúc này thì hồ Tây còn chưa thắp điện vào ban đêm, hơn nữa xung quanh khu vực hồ Tây đều là những địa danh văn hóa, lịch sử, làng văn hóa nên càng khiến không khí thật trở nên trang nghiêm, ấm cúng, gần gũi. Cảm xúc xuyến xao, bồi hồi ấy đã khiến tôi sáng tác lên ca khúc này”, nhạc sĩ Xuân Ba nhớ lại.

Bài hát đã nhắc đến những con đường gắn với Thủ đô, với khu vực xung quanh hồ Tây, như: Đường Quảng An, Nghi Tàm, Cổ Ngư (đường Thanh Niên hiện nay), công viên Bách Thảo… và sự tích trâu vàng, mang đến cho người nghe cảm giác như đang đứng bên hồ Tây, nghe tiếng sóng lao xao giữa bảng lảng sương sớm.

Nhưng hơn hết đó là nỗi khắc khoải, day dứt, là “vầng trăng trong tim” mỗi kẻ sĩ Bắc Hà với nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước: “Hồ Tây hồ Tây ơi/ Trăng trong lòng ta dâng đây nỗi nhớ/ Không chỉ một lần không chỉ một lần/ Đêm khuya thanh vắng trăng sáng lưng trời lai láng đầy ư vơi/ Tây Hồ ơi, hồ Tây ơi/ Trăng trong lòng ta bỗng dâng tràn sóng vỗ/Vắng bóng trâu vàng nhớ trống canh gà, ôi chuông Trấn Quốc/ Trăng sáng muôn trùng tiếng nói vô vàn non sông đất nước”.

Có thể nói “Trăng Tây Hồ” đã chất chứa những lời “gan ruột” của người nhạc sĩ, nghệ sĩ dù không sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long nhưng đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với mảnh đất đầy thương mến này. “Trăng Tây Hồ” cùng tinh thần, ý chí và sức sáng tạo của nhạc sĩ Xuân Ba vẫn hừng hực, bỏng cháy giữa đất trời Thủ đô nghìn năm văn hiến.

 

Theo GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/co-mot-nghe-si-xuan-ba-khac-post605208.html

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng