Khi những bao lúa đã chất đầy kho, người Jrai ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) lại rộn ràng chuẩn bị lễ vật cúng cầu mưa với mong muốn một năm mưa thuận gió hoà, vụ mùa bội thu. Như hiểu được lời cầu nguyện của dân làng, vùng đất nắng hạn ngay sau đó đã được “giải nhiệt” bởi cơn “mưa vàng”.
Lễ cúng cầu mưa của người Jrai ở xứ sở vua lửa
Nghi lễ cúng cầu mưa thường diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời điểm thường xảy ra hạn hán gay gắt, khốc liệt. Theo đó, hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch người Jrai ở huyện Phú Thiện lại rộn ràng tổ chức lễ cúng cầu mưa với mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ lâu, đây không chỉ là lễ nghi nông nghiệp đơn thuần mà đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người Jrai.
Người dân đưa lễ vật lên đỉnh núi Chư Tao Yang thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa
Lễ hội cầu mưa năm 2023 được tổ chức trang trọng trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, xã A Yun Hạ, huyện Phú Thiện. Đây cũng là nơi 14 vị Vua Lửa từng trị vì trên mảnh đất Tây Nguyên. Những vị Vua nghèo có khả năng hô mưa, gọi gió cầu cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Khi những bao lúa đã chất đầy kho, mùi men rượu gè đã nồng thì bà con dân tộc Jrai bắt đầu góp ghè, sáp ong se thành từng cây nến, gạo nếp đẹp và thịt cắt khúc bày sẵn để cùng với Người phụ tá dâng lễ vật lên cúng. Nghi thức cúng cầu mưa năm nay do ông Siu Phơ-Phụ tá của ông Rah Lan Hieo-phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện.
Ông Siu Phơ thực hiện nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần
Nghi lễ được diễn ra một cách trang nghiêm, dưới sự chứng kiến của cả làng. Khi đã dâng lễ vật đầy đủ và thời gian đã điểm, thầy cúng sẽ lạy 3 lạy để chào thần linh và rót nước vào ghè rượu bằng tay phải. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội. Sau đó lấy thịt ném 3 lần về phía trước để mời các Yàng (trời) ăn uống, mỗi lần ném là một lần thầy cúng sẽ nói lời cầu nguyện may mắn đến với dân làng.
Tiếp đó, thầy cúng rót rượu thịt vào một cái tô đồng đến đổ vào mộ của các Pơtao Apui (vua lửa) đã chết, nói nguyên nhân thực hiện nghi lễ và cầu xin các vị vua lửa đã chết phù hộ cho những lời khấn cầu trên thành hiện thực và trời sẽ đem mưa đến.
Sau lễ cúng, các già làng, người uy tín uống rượu ghè cùng chung vui
Sau đó, thầy cúng quay lại uống rượu, chiêng trống nổi lên, người phụ tá từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến tai thần linh. Cuối cùng, thầy cúng lấy nước vẩy ra xung quanh, theo đó lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui cũng kết thúc bằng những giọt nước thánh được vẩy ra ở buổi lễ.
Lễ hội cúng cầu mưa – di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Ông Siu Phơ-phụ tá của ông Rah Lan Hieo – phụ tá đời Vua Lửa thứ 14-cho biết: “Lễ cúng cầu mưa là phong tục truyền thống của người Jrai, được truyền lại đến ngày hôm nay. Trong tâm niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Chính vì vậy, chúng tôi xem đây là nghi thức tín ngưỡng hết sức quan trọng và được tổ chức hàng năm để cầu mong dân làng ban thời tiết đẹp cho cây lúa tốt tươi, bà con ấy no, hạnh phúc…”.
Các nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội cầu mưa
Năm 2015, lễ hội cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Vậy nên nghi lễ này rất được chính quyền địa phương hỗ trợ nhằm lưu giữ, bảo tồn.
Những điệu múa Xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các nữ nghệ nhân
Lồng ghép với lễ cầu mưa, UBND huyện Phú Thiện còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Thiện như: Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện lần thứ XIV năm 2023, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian…
Ngoài các hoạt động chính được tổ chức tại khu Di tích Plei Ơi, du khách có thể tham gia tua du lịch kết nối tại các địa phương trong huyện như hồ Ayun Hạ, chùa Quang Sơn (xã Ayun Hạ), làng Plei Rbai (xã Ia Piar) và hồ sen Ktoang (xã Ia Yeng). Bên cạnh đó, du khách cũng có dịp tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương được trưng bày trong 23 gian hàng tại khuôn viên khu Di tích.
Các gian hàng nông sản được trưng bày tại lễ hội cầu mưa
Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: “Nhân dịp thời gian nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, UBND huyện đã xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn nhằm gắn kết người dân trong huyện và du khách gần xa giao lưu, vui chơi và thưởng thức. Lễ cúng cầu mưa là dịp để địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại huyện Phú Thiện, đồng thời giới thiệu các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương với du khách gần xa. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng muốn khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, truyền cho các con cháu những nét đẹp văn hóa do ông cha lưu giữ bao năm nay”.
Trần Hiền
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/gia-lai-doc-dao-le-cung-cau-mua-tren-dinh-nui-than-chu-tao-yang-post246937.html