Kỳ 1:
Xưa kia, hang Hằng có vô số trăn đá, nằm khoanh tròn trên kín các hốc đá trong hang. Tuy nhiên, những người tứ xứ không sợ “trăn thần”, thường xuyên đem bao tải vào trong hang để bắt loài trăn đá về nấu cao, làm chả. Vì thế, số lượng trăn đá ở hang Hằng ngày một ít đi, và thám hiểm hang Hằng càng ngày lại ít gặp chúng hơn.
Hôm chúng tôi đến bản Thín (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La) ghé qua nhà ông Hà Văn Quyết nghỉ nhờ. Ông Quyết là người Mường. So với các hộ trong bản Thái, gia đình ông Quyết là dân khai hoang đến sau.
Khi nhắc đến chuyện trăn ở hang Hằng, ông Quyết như tìm được nơi trút bầu tâm sự. Ông bảo, trăn trên núi Hằng thì ông có nhiều kỷ niệm hãi hùng, nhưng hãi nhất vẫn là mấy năm trước nhà ông bị trăn khổng lồ viếng thăm.
Cửa hang nhỏ hẹp nhưng bên trong rộng mênh mông.
Thả trăn về rừng
Ông Quyết nuôi nhiều gà. Cứ vào dịp cuối năm, vợ chồng ông chở vài bu gà ra thị trấn huyện bán là sắm được cả cái Tết. Giữa năm ngoái, thấy đàn gà cứ hao dần, ông đã rất đỗi ngạc nhiên. Sống ở rừng nên ông để mặc lũ gà tìm cây lớn mà trú ngụ. Chỉ lúc ăn ông mới gọi chúng về. Nghĩ có kẻ trộm nên ông đã thức nhiều đêm mật phục.
Cả tuần canh gác nhưng ông chẳng phát hiện được dấu hiệu nào bất thường. Ông quyết định dồn đàn gà vào chuồng, tránh việc chúng bỏ đi mất.
Thế rồi, một đêm trằn trọc mong tiếng gà gáy mà chẳng thấy đâu, ông nghĩ, chắc lũ gà này bị nhốt nên bỏ luôn cả tập tính gáy sáng. Mặt trời vừa ló dạng, ông vội chạy ra chuồng kiểm tra. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện lên trước mắt, trong chuồng không còn một con gà nào, mà chỉ còn mấy nhúm lông dính bê bết máu.
Ông ngó đầu vào trong chuồng bỗng giật bắn mình vì thấy ở góc chuồng một con trăn đất cuộn tròn một đống. Mép con trăn dính đầy lông gà. Hóa ra đàn gà nhà ông đã bị con trăn này xơi sạch. Sau vài phút trấn tĩnh, kêu hàng xóm hỗ trợ, đã lôi được “tên trộm” ấy ra ngoài. Đặt lên cân, “kẻ trộm” dài bằng chiều dài ngôi nhà sàn ông ở nặng gần 1 tạ.
Mấy trai bản bàn với ông, cho con trăn này vào nồi nấu cao để bù lại “thiệt hại” mất đàn gà. Phương án xả thịt chú trăn này cũng hợp lý nhưng ông Quyết lại chột dạ khi nhớ lại hành động lạ lùng của lão Sung trước khi mất đã khiến ông chùn tay. Vậy là, ngay hôm đó, ông cùng đám trai bản khênh “tên trộm liều lĩnh” đó thả về rừng.
Khám phá nơi trú ngụ của trăn
Lang thang ở bản Thín cả ngày trời, dù thuyết phục thế nào cũng không một người dân sở tại nào dám dẫn chúng tôi đi thám hiểm hang Hằng. Ông Vì Văn Đoài, Trưởng bản Thín lo ngay ngáy: “Không phải chúng tôi sợ vào đó đâu. Chuyện này cũng có căn nguyên của nó. Người dân nơi đây bảo trong hang đó có “nươm phạ”, không ai được đụng đến nơi ở của loài trăn đó. Chúng được thần linh bảo vệ và những cư dân sống ở đây cũng phải bảo vệ loài trăn này. Anh cứ đi hỏi cả bản này xem, có ai liều mình dám vào đó không!?”.
Dấu vết trăn lột xác trong hang Hằng.
Trưởng bản Đoài còn kể một câu chuyện đến giờ ông vẫn còn nhớ như in, đó là chuyện về một đơn vị mở đường qua đây gần chục năm trước. Có một công nhân tên Hắc, người ở Hòa Bình cũng đã gặp nạn một cách bí ẩn.
Lần đầu đến đất này, nghe bà con kể về hang Hằng, anh ta rất nôn nóng muốn vào đó bắt trăn. Bỏ qua mọi lời khuyên can, anh này chuần bị đèn pin, dao sắc, bao tải vào hang Hằng bắt trăn. Anh ta chỉ đi hơn một tiếng đã vác về 2 con trăn to.
Vừa gặp người dân trong bản, anh Hắc còn lên giọng thách thức: “Đây, tôi bắt được “nươm phạ” rồi đấy, có sao đâu!”.
Anh này còn kể lại với mọi người trong bản là trong hang còn nhiều trăn lắm. Vừa vào tới cửa hang, ngay chỗ bệ đá phẳng phiu có một đôi trăn nằm hiền khô. Hắc chỉ việc quăng dây vào chỗ chúng nằm rồi bỏ chúng vào bao tải. Hôm đó, anh ta nấu được mấy cân cao, bán được ngót chục triệu đồng.
Lần đầu kiếm tiền quá dễ dàng, vài hôm sau anh ta lại vào hang bắt trăn tiếp. Lạ thay chính nơi Hắc bắt đôi trăn hôm trước, lại có 2 con trăn to khác thế chỗ. Anh ta cũng nhanh chóng biến đôi trăn này thành nồi cao rồi mang bán.
Cứ như thế, anh này vào tới lần thứ 4 vẫn có đôi trăn giống hệt những con anh đã bắt trước đó nằm cuộn tròn chờ đợi. Thấy sự trùng hợp lạ lùng đó, nghĩ tới lời dân bản cảnh báo, Hắc bỗng rùng mình.
Nghĩ chuyện khác thường này là điềm gở, Hắc bỗng thấy sống lưng lạnh toát, vứt bao bỏ chạy. Không biết có phải do bị “trăn thần” trừng phạt hay bởi lý do gì khác nữa mà chỉ vài ngày sau, người công nhân này đã chết chẳng toàn thây sau một vụ tai nạn kinh hoàng.
Cái chết của Hắc là do trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng riêng chuyện ở bệ đá luôn xuất hiện một đôi trăn thì người bản Thín ai cũng biết. Trước đây, ai đã từng vào hang thì đều thấy đôi trăn nằm ở vị trí đó như đang làm nhiệm vụ gác cửa hang.
Những câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyền thuyết và đầy chất liêu trai mà mọi người trong bản Thín thuộc nằm lòng đó khiến chúng tôi bán tín, bán nghi.
Loanh quanh ở bản cả buổi để tìm người dẫn đường vào hang Hằng chẳng ai dám nhận lời. Họ đều khéo léo từ chối vì không dám động đến nơi trú ngụ của… “thần linh”.
Khi lòng kiên trì đã sắp cạn, chúng tôi tình cờ gặp thanh niên Vì Văn Quang (SN 1995) đang thả trâu bên bờ suối. Nhà Quang mới chuyển đến bản Thín định cư được vài năm nên cả gia đình Quang không bị chi phối bởi những câu chuyện nhuốm màu huyền bí kia.
Hỏi đến hang Hằng, Quang tỏ ra hồ hởi: “Em mới dẫn mấy cô bạn học cùng lớp ở ngoài thị trấn vào thám hiểm hang Hằng đấy anh ạ. Một chuyến đi nhớ đời vì suýt chút nữa một cô bạn của em đã bị trăn vồ…”.
Thuyết phục mãi Quang mới đồng ý dẫn chúng tôi vào hang. Trước khi lên đường, Quang yêu cầu chúng tôi mua đèn pin, mũ áo phải trùm kín người, kín chân để tránh xảy ra những chuyện không hay. Riêng Quang vào rừng ngắt một ít dây, quấn thành từng vòng đeo bên người.
Theo lời Quang, thứ dây này nếu gặp trăn, rắn có thể quăng vào chỗ chúng trú ngụ, sẽ giảm bớt độ nguy hiểm, vì trăn thấy loại dây này là nằm im như bị thôi miên.
Vượt qua mấy tràn ruộng bậc thang chúng tôi tiến dần vào núi Hằng. Ngọn núi đá không cao lắm nhưng dựng đứng, toàn tai mèo sắc nhọn.
Chân núi cây bụi mọc um tùm, phủ kín cả lối đi. Cửa hang dây leo rậm rịt. Trước khi vào hang Quang đưa ra lời cảnh bảo: “Giờ đang là mùa sinh sản, trăn rất dữ. Các anh phải đi cần thận và phải theo đúng lời chỉ dẫn”.
Đứng ở cửa hang đã thấy tiếng gió rít. Không khí ẩm thấp nơi thâm sơn cùng cốc chiếm lấy cơ thể khiến ai cũng có cảm giác gai cột sống. Trong hang tối như hũ lút. Mấy chiếc đèn pin bật cả, nhưng cảm giác như bị bóng đêm nuốt trọn.
Trái với cửa hang, phía trong hang được mở rộng tạo thành những đường hào uốn lượn chạy sâu vào lòng núi. Muốn xuống hang động phải tụt theo thân cây to đã dựng sẵn.
Càng tiến sâu vào trong, lòng hang càng mở rộng. Vô vàn nhũ đá với đủ hình thù khác nhau hiện lên dưới ánh đèn với màu sắc huyền ảo. Hai bên vách hang có rất nhiều hốc nhỏ. Nền hang động trải bởi lớp cát vàng đi lại rất êm.
Quang là người dẫn đường nhưng cậu ta bước cũng rất nhẹ nhàng. Cái đèn pin trên đầu của Quang soi từng ngóc ngách của hang động. Chỉ khi nào không thấy dấu hiệu nguy hiểm, Quang mới bước tiếp.
Đi được vài trăm mét cả đoàn chúng tôi bỗng giật thót mình khi nghe thấy tiếng phì phì bên vách đá. Quang đưa đèn về phía tiếng động, tuy nhiên không nhìn thấy gì. Theo lời Quang, có trăn to ở phía hốc đá trên nóc hang, không nhìn thấy được.
Mặc dù chỉ mới nghe thấy tiếng động của trăn, đoàn thám hiểm chúng tôi ai nấy dợn cả người. Quang lại trấn an: “Nếu mình không đụng đến nó, nó cũng không tấn công mình đâu!”.
Một chú trăn đá cuộn tròn trong hốc đá ở hang Hằng.
Càng tiến vào sâu trong hang thì cảm giác ghê rợn càng tăng cao. Phía trên đầu là vô số thạch nhũ đẹp đến mê hồn cũng không xua đi được nỗi sợ đang dần dâng lên trong mỗi người trong đoàn.
Đến giữa động, Quang bỗng khựng lại. Hóa ra ở hốc đá phía trước có một chú trăn nhỏ đang nằm khoanh tròn. Đầu con trăn này màu đỏ, da có những đốm đỏ thẫm nhìn vừa ghê vừa đẹp.
Thấy “đối tượng” nằm im, chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp. Theo lời Quang, đây là một loài trăn khác trú ngụ trong hang để bắt dơi. Loài này dạn người, nên thấy người cũng chẳng sợ, cứ khoanh tròn trong hốc như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Nhìn màu sắc sặc sỡ của con trăn nhỏ, cỡ vài kg, chúng tôi khá ngạc nhiên. Tuy nhiên, Quang bảo, đó là trăn đá, có nhiều ở núi đá vôi, đặc biệt hang Hằng có rất nhiều. Chúng là loài thích ăn dơi và chuột, nên cắm chốt ở trong hang để bắt dơi ăn. Thức ăn đủ rồi, chúng chẳng thèm đi đâu nữa.
Trăn đá có nhiều ở hang Hằng và chúng không sợ người.
Xưa kia, hang Hằng có vô số trăn đá, nằm khoanh tròn trên kín các hốc đá trong hang. Tuy nhiên, những người tứ xứ không sợ “trăn thần”, thường xuyên đem bao tải vào trong hang để bắt loài trăn đá về nấu cao, làm chả. Vì thế, số lượng trăn đá ở hang Hằng ngày một ít đi, và thám hiểm hang Hằng càng ngày lại ít gặp chúng hơn.
Suốt mấy tiếng đồng hồ lục lọi khắp ngõ ngách hang Hằng, đi đến tận con sông ngầm trong lòng núi, không tìm được loài trăn khổng lồ như lời người dân kể, chỉ gặp được những chú trăn đá nhỏ trên hốc đá, chúng tôi đành phải rời hang trước khi trời tối.
Theo DƯƠNG NGỌC – TUẤN XUÂN