Đổi mới dạy và học môn Ngữ văn: Học sinh học với tâm lý thoải mái hơn

15:22 | 10/02/2023

Trong đổi mới dạy và học môn Ngữ văn, giáo viên dù phải vất vả thay đổi giáo án, phương pháp, nhưng trong giờ dạy, giáo viên cũng ít phải thuyết giảng hơn, được tương tác với học sinh nhiều hơn; học sinh được học với tâm lý thoải mái hơn.


Hiện nay, liên quan đến việc đổi mới dạy học và thi cử nên dạy – học môn Ngữ văn cũng thay đổi theo yêu cầu mới. Điều đó tạo nên áp lực lớn lên thầy cô và học sinh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Thắng – Tổ phó chuyên môn Tổ Ngữ văn – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội, để hiểu hơn về thực tế dạy học Ngữ văn hiện nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắng – Tổ phó chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội (ảnh tư liệu).

– Thời gian qua, dạy và học Ngữ văn đang đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, các đề thi Ngữ văn không còn dùng văn bản đã học trong sách giáo khoa. Vậy sự thay đổi này có làm khó cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học Ngữ văn hiện nay không, thưa bà?

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắng: Để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018, việc dạy và học môn Ngữ văn đang đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh nên đề thi Ngữ văn không còn dùng ngữ liệu đã học trong sách giáo khoa như trước nữa.

Sự thay đổi này có làm khó cho giáo viên và học sinh ko? Nếu nói là làm khó thì chưa hẳn, nói là không khó thì cũng chưa thật lòng. Nói một cách chính xác là ban đầu cả người dạy lẫn người học đều cảm thấy lo lắng và e ngại.

Bởi vì: Đối với các em học sinh, ở cấp THCS, các em đều được kiểm tra đánh giá dựa trên ngữ liệu đã được học trong sách giáo khoa, có nhiều tài liệu tham khảo liên quan, học sinh học thuộc là có thể làm được bài.

Lên lớp 10, các em phải làm quen với cách học và cách kiểm tra đánh giá hoàn toàn mới, đề thi không còn dùng văn bản đã học, các em phải tự chủ động khám phá tác phẩm mới.

Đây không phải là việc dễ dàng đối với học sinh. Chưa kể, năng lực của từng đối tượng học sinh trong lớp khác nhau; với những học sinh có học lực yếu, trung bình, vận dụng kĩ năng đã học vào việc xử lý yêu cầu của đề kiểm tra sẽ không nhanh nhạy, thực hiện các bước làm bài chưa đảm bảo.

Đối với giáo viên cũng phải thay đổi từ việc dạy trang bị kiến thức sang việc trang bị kỹ năng để học sinh có thể chủ động thực hành, vận dụng.

Mặt khác, giáo viên cũng mất nhiều thời gian cho việc thiết kế kế hoạch bài giảng, chuẩn bị phiếu học tập cho học sinh. Tâm lý lo lắng, e ngại của cả người dạy và người học là có.

Tuy nhiên, sau 1 học kỳ thực hiện việc dạy và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu mới, tôi nhận thấy những điểm tích cực sau đây:

Học sinh được học môn Ngữ văn với tâm lý thoải mái hơn. Các em được thỏa sức sáng tạo, được bày tỏ quan điểm cá nhân. Trong giờ học, không bị gò bó và không phải chỉ chăm chăm ghi chép để không bỏ sót 1 lời nào của thầy cô như trước.

Khi kiểm tra, học sinh không còn phải lo lắng học thuộc bài đã học mà chỉ cần xem lại các kĩ năng và kiến thức về thể loại để chủ động giải quyết đề thi. Như vậy, học sinh học văn và làm bài kiểm tra theo cách nhẹ nhàng và chủ động hơn nhiều.

Đối với giáo viên, dù phải vất vả thay đổi giáo án, phương pháp, nhưng trong giờ dạy, giáo viên cũng ít phải thuyết giảng hơn, được tương tác với học sinh nhiều hơn.

Đặc biệt, qua khâu kiểm tra đánh giá, nếu như theo lối cũ thì ranh giới giữa học sinh chăm học thuộc với học sinh có năng lực đôi khi mờ nhòe, thì nay, giáo viên dễ dàng phát hiện ra năng lực học sinh, dễ nhận thấy điểm mạnh và yếu của học sinh để có cách tiếp cận phù hợp.

Vì thế, theo tôi, cách thay đổi dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn chỉ mang lại cảm giác khó và sự chuẩn bị ban đầu, còn khi bắt tay thực hiện thì thấy đây là sự đổi mới phù hợp.

– Hiện nay, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nhiều trường đại học đang thi các kỳ thi riêng. Việc thi theo hướng đánh giá năng lực trở thành xu hướng, vậy việc chuẩn bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tham gia các kỳ thi trên được tổ chức như thế nào?

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắng: Hiện nay, phương thức xét tuyển của các trường đại học khá đa dạng. Rất nhiều trường đã dùng kết quả của kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa, hay kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia để làm căn cứ xét tuyển.

Với mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục để phát triển năng lực người học, tôi nghĩ, việc đánh giá năng lực là đích hướng tới của các kì thi. Năm 2025, cấu trúc đề thi, cách thức thi sẽ thay đổi ra sao, chúng tôi còn đang chờ.

Trước mắt, qua cấu trúc đề thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa, hay đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia, dù mức độ khác nhau, nhưng đều có phần kiểm tra năng lực môn Ngữ văn.

Đánh giá tư duy và đánh giá năng lực là các kỳ thi diễn ra trước kì thi tốt nghiệp của Bộ, nên phụ huynh, học sinh, và giáo viên đều xem đó là một kì thi đại học sớm, là một cơ hội cần tận dụng. Là những người dạy văn, chúng tôi cũng sớm có sự chuẩn bị cho học sinh để bước vào kì thi này

Đề đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm, phạm vi kiến thức rộng hơn, nghiêng nhiều về đánh giá năng lực đọc hiểu và Tiếng Việt, còn đề thi tốt nghiệp lại theo hình thức tự luận, kiểm tra năng lực đọc hiểu và làm văn, phạm vi kiến thức chủ yếu trong chương trình 12.

Có thể thấy, thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực có hình thức làm bài khác nhau nhưng kiến thức thì cùng một nền tảng. Vì thế, để chuẩn bị cho việc thi đánh giá năng lực chúng tôi đã trang bị cho học sinh những nền tảng chung từ kiến thức Tiếng Việt, kiến thức về tác phẩm đến rèn kĩ năng đọc hiểu.

Đồng thời, chúng tôi luyện cho học sinh kĩ năng làm kiểu bài trắc nghiệm để học sinh đáp ứng tốt yêu cầu của kì thi.

– Trực tiếp dạy văn ở bậc phổ thông, bà có nhân xét như thế nào về cách học văn của học sinh hiện nay. Đâu là điều khiến bà trăn trở nhất?

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắng: Không chỉ đến năm học này, dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên chúng tôi mới tích cực đổi mới phương pháp để phát triển năng lực học sinh, mà từ rất nhiều năm trước, chúng tôi cũng đổi mới phương pháp để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy, học sinh ngày nay học văn một cách không tự giác. Ít học sinh học văn một cách hứng thú và chủ động.

Các em coi việc học văn chỉ là để ứng phó với các kì thi nên học với tâm lý “phải học” chứ ko phải là “muốn học”.

Không ít học sinh ngại học văn, sợ học văn hoặc có học thì cũng theo kiểu “mì ăn liền”, học một cách thực dụng và kiểu tư duy bắt chước mà không hề có sự lắng sâu, đồng cảm và suy ngẫm.

Chưa hề có chuyện học sinh hứng thú với một tác phẩm văn học như hứng thú trước một thần tượng, một bản nhạc hay một game mới.

Học sinh bị áp lực hoặc tự áp lực để lấy điểm số cao trong các kì thi, khi đề thi vẫn là các tác phẩm đã học trong chương trình, nên các em vẫn đoán đề học tủ, học bài mẫu mà bỏ qua cảm nhận, đánh giá chủ quan. Học sinh rất lười đọc các tác phẩm ngoài chương trình để mở rộng vốn kiến thức cho bản thân.

Điều mà tôi trăn trở nhất đó là học văn là để được bồi dưỡng đời sống tâm hồn tình cảm, học để có khả năng tư duy và vận dụng ngôn ngữ trong nói và viết, nhưng việc đánh giá năng lực môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm thì liệu có ảnh hưởng tới khả năng vận dụng ngôn ngữ trong hành văn và có khơi dậy được cảm xúc tình cảm của người học văn hay ko?

– Xung quanh việc dạy và học văn hiện nay tại trường phổ thông, bà có ý kiến đóng góp gì không?

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắng: Hiện nay, các trường phổ thông đều đang thay đổi cách dạy và học theo định hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Song, chúng tôi mong muốn Bộ sớm có đề kiểm tra đánh giá minh họa theo yêu cầu mới để chúng tôi có định hướng trong dạy và rèn luyện kiến thức bộ môn cho học sinh.

Xin cảm ơn cô giáo!

Trinh Phúc

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/doi-moi-day-va-hoc-mon-ngu-van-hoc-sinh-hoc-voi-tam-ly-thoai-mai-hon-post234662.html

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024