Đôi dòng cảm nghĩ về bài thơ “Hát ở nhà đào Thọ”

11:35 | 17/11/2022

Trong “Lục Cực” (sáu cái cực của một đời người: Hung đoản chiết, Tật, Bần, Bệnh, Nhược và Ác) thì Nho giáo cũng xếp cái cực “Hung đoản chiết” (chết non) là điều cực đầu tiên của con người. Sung sướng nhất là được sống thọ, khổ cực nhất là bị chết non. Nhưng xưa nay bàn về chữ Thọ có không ít quan niệm.


Người xưa từng cho rằng: “Tứ thời xuân tại thủ – Ngũ phúc thọ vi tiên” (Bốn mùa, mùa xuân trước – Năm phúc, thọ đầu tiên). Và nguyên Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ (có người nói của Dương Trạch Tế) lại cho rằng: ghế cao không bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao không bằng cuộc sống thanh cao. Ông Thủ tướng của 1,3 tỷ dân, ngồi chót vót trên đỉnh cao quyền lực, có lẽ không thiếu thứ gì, cuối đời đã rút ra được bài học ghi tâm, khắc cốt này. Còn tôi, tôi lại vô cùng thấm thía quan niệm của Lương y Thiên Tích – một người Thầy đã sống gần trọn một thế kỉ:

Thọ gì đầu bạc răng long.

Thọ gì ăn hại như trùng ký sinh.

Thọ danh chẳng phải thọ hình.

Danh ca sỹ thọ danh muôn đời.

Đừng có bảo hồng nhan là không thọ.

Thọ đến giờ Tây tử Ngu cơ.

Giá thiên kim thọ mãi với sơn hà.

Giai thoại lại thọ trường trong diễm sử.

Hông Phất thọ vì theo tướng Lý.

Văn Quân thọ bởi gặp Tương Như.

Đã có danh không kém thọ bao giờ.

Phàm tài tử giai nhân là thọ cả.

Hỏi những bậc khoe thượng thọ, thượng thượng thọ linh đình yến tiệc.

Đã hẳn là thọ hay không.

Thọ bôi ta chuốc cùng nhau.

Thọ hay yểu, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quý hay tiện.

Giấc trăm năm cảnh huyễn có ra gì.

Trót có thân trên sân khấu đóng vai hề.

Cũng xênh phách với cầm thi chơi lếu láo.

Muôn sự đều thành gió bụi ráo.

Hơn nhau ở chỗ tính tình thôi.

Trước vui ta sau vui cả cho người.

Cái nghĩa sống ở đời là thế thế.

Chứng quả Phật có Bi cùng Tuệ.

Tuệ vui ta mà Bi để vui người.

Hỏi ai biết sống ở đời!

Bài thơ này Thầy tôi viết rất lâu rồi, trong một lần Thầy cùng các môn sinh của mình đến nghe hát tại một nhà cô đào có tên là Thọ ở một phường hát ở Bích câu và khi trở ra về, Thầy tôi làm bài thơ này trong cảm xúc đến rất tự nhiên.

Lương y Thiên Tích cùng học trò

Cái hay của bài thơ không phải là bởi ngôn ngữ bóng bẩy hay cầu kì, cũng không phải là những hình ảnh sống động hay độc đáo mà trong thi ca thường gặp. Cái hay của bài thơ lại chính ở những quan niệm triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc về chữ Thọ ở đời nằm ẩn sau những ngôn từ rất mộc mạc và giản dị.

“ Thọ gì đầu bạc răng long”.

Ngay câu mở đầu, Thầy đã đưa ra một quan niệm trái ngược với người đời. Ở đời ai cũng mong cho mình sống khỏe, sống lâu, sống thọ, sống đến đầu bạc răng long, đến thọ vô cương. Vậy mà Thầy tôi lại phủ nhận điều đó bằng một câu thơ với giọng điệu có chút mỉa mai, chế giễu thể hiện thái độ rất quyết liệt khiến người đọc, người nghe có phần băn khoăn. Nhưng đọc đến câu thơ thứ hai thì mọi lý do đã vỡ lẽ. Vậy là con người ta ở trên đời sống Thọ cũng có nhiều loại. Đâu cứ phải đầu bạc răng long! Nếu chỉ cần đầu bạc răng long mà “ăn hại như trùng kí sinh” thì sống thọ như thế cũng có nghĩa lí gì! Hai câu thơ ngắn gọn với cụm từ “Thọ gì” được lặp lại hai lần gây ấn tượng mạnh cho người đọc người nghe.

Theo mạch cảm xúc đó, bài thơ cứ thế trôi đi trong dòng suy nghĩ và quan niệm vô cùng thâm trầm mà sâu sắc:

Thọ danh chẳng phải thọ hình

Danh ca danh sĩ thọ danh muôn đời

Đừng có bả hồng nhan không thọ

Thọ đến giờ Tây Tử- Ngu Cơ

Giá thiên kim thọ mãi với sơn hà

Giai thoại lại thọ trường trong diễm sử

Hồng phất thọ vì theo tướng lý

Văn Quân thọ bởi gặp Tương Như

Đã có danh không kém thọ bao giờ

Phàm tài tử giai nhân là thọ cả”

Người đời xưa từng quan niệm “Xướng ca vô loài”. Đời ca sĩ như con tằm rút ruột xe tơ mà mấy ai động lòng thương cảm. Như nàng ca kĩ Đam Tiên “Sống làm vợ khắp người ta/Đến khi thác xuống làm ma không chồng”. Có ai một nén nhang thắp cho người con gái tài hoa bạc mệnh? Vậy mà, thật bất ngờ khi bài thơ lại đưa người đọc đến một quan niệm “Danh ca, danh sĩ thọ danh muôn đời”. Và như để chứng minh cho điều đó Thầy đưa ra rất nhiều minh chứng “Tây Tử – Ngu Cơ ”, “Văn Quân – Tương Như”… những cặp tài tử – giai nhân, những mối tình bất hủ trong lịch sử khiến cho người đời đến nay vẫn còn cảm kích. Các cụm từ “Thọ mãi”, “Thọ trường”, “muôn đời” và điệp từ “thọ” lặp tới 6 lần trong đoạn thơ cùng với dồn dập những điển tích, điển cố như càng làm cho lời thơ trở nên thiết tha, như càng khẳng định một điều giản dị mà sâu xa:

“Thọ danh chẳng phải thọ hình

Danh ca danh sĩ thọ danh muôn đời”.

Vậy là điều có ý nghĩa ở trên đời không phải là việc người ta sống lâu hay đoản mà là cái tình đối với nhau. Tấm lòng tri kỉ, tri âm, tiếng lòng của những giai nhân tài tử tìm đến nhau sẽ tạo nên giá trị của sự thọ trường.! Sức thuyết phục đã chạm đến sâu thẳm lòng người khiến người ta bỗng nhận ra một ý nghĩa khác của chữ THỌ. Nếu không phải là một trái tim nhân ái, một tấm lòng trắc ẩn sâu xa, luôn đồng cảm, xót xa trước những kiếp người tài hoa mà bạc mệnh thì không thể có những câu thơ giàu ý nghĩa sâu xa đến như vậy.

Song cuộc đời mấy ai hiểu được ý nghĩa nông sâu của những điều tưởng như bình dị ấy. Người ta hối hả chúc tụng, tiệc tùng khi bước vào cái tuổi đâu đà đã thọ. Lại có kẻ chức trọng, quyền cao làm lễ mừng thọ linh đình sớm cho thân mẫu để phô trương chữ hiếu, cầu tiền, cầu lợi. Lại không ít kẻ huênh hoang tự khoe “thượng thượng thọ” như chứng thực cho đời nhiều phúc đức. Thầy cất lời chất vấn:

“Hỏi những bậc khoe thượng thọ

Thương thượng thọ linh đình yến tiệc

Đã hẳn là đắc thọ hay không

Thọ bôi ta chuốc nhau cùng

Thọ hay yểu, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quý hay tiện

Giấc trăm năm cánh huyễn có ra gì”

Đọc đến đây không ít người cũng phải “giật mình” ngẫm nghĩ. Thế mới biết ở đời không thiếu những kẻ trọc phú, thích khoe khoang, đãi bôi, “xênh phách”. Thế mới hay ít người kiệm tiếng, trầm thâm! Người biết mình thọ mà chẳng một lời phô diễn. Kẻ chẳng mấy mươi mà đã vội khoe khoang! Xưa có bao anh hùng vì nước hy sinh khi tuổi đời của họ còn rất trẻ. Vậy mà họ đâu có “đoản thọ” mà ngược lại họ “thọ vô cương”, tên tuổi của họ trường tồn cùng sông núi, cùng dân tộc. Chữ Thọ đó mới đáng trân trọng và cảm phục.

Và tác giả bài thơ không ngại ngần mà “tuyên cáo”:

“Thọ hay yểu, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quý hay tiện

Giấc trăm năm cánh huyễn có ra gì

Trót có thân trên sân khấu đóng vai hề

Cũng xênh phách với cầm thi chơi lếu láo”.

Để đến cuối cùng tác giả hạ bút:

Muôn sự đều thành gió bụi ráo

Hơn nhau ở chỗ tính tình thôi

Một triết lý sống thật nhẹ nhàng mà đậm chất nhân văn. Con người ta ai cũng vậy: Sinh ra từ cát bụi lại trở về cát bụi. Đó là lẽ tự nhiên muôn đời. Mọi điều trên đời xét cho cùng đều vô thường hết. Tham, sân, si cuối cùng cũng chỉ “thành gió bụi ráo”. Vì thế “ hơn nhau ở chỗ tính tình thôi”. Tính là tính cách là bản chất là suy nghĩ và tình là tâm hồn tấm lòng tình cảm giữa con người với nhau. Đó mới là điều người ta trân trọng. Câu thơ tưởng như đơn giản nhưng đó lại là sự chiêm nghiệm của cả đời người. Đó là lời đúc kết về cách sống ở đời mà chắc chắn tác giả phải đi hết cuộc đời và bằng trải nghiệm thấm thía mới nhận ra giá trị ấy. Và chỉ những ai hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống mới cảm nhận được chân lý ấy. Nhất là ngày hôm nay, người ta đang mải bon chen, giành giật lợi lộc, công danh, mong sống thọ để đời đời hưởng lộc thì mấy ai nhận ra cái điều giản dị “Hơn nhau ở chỗ tính tình thôi”.

Và lời nhắn nhủ của Thầy cũng thật chân thành và tha thiết biết bao:

“Trước vui ta, sau vui cả cho đời

Cái nghĩa sống ở đời là thế thế

Chứng quả Phật có bi cùng tuệ

Tuệ vui ta mà bi để vui người”

Nghĩa sống ở đời phải chăng là sự gắn bó niềm vui của cái tôi với cái ta, của cái riêng với cái chung. Tất cả tạo nên vui chung. Niềm vui sẽ giúp con người ta sống an nhiên, thanh thản. Thầy đã mượn một quan niệm của nhà Phật để thay cho lời nhắn nhủ của mình. Bi và Tuệ là sự tương quan, tương duyên, tương tác, tương hữu. Tất cả  mọi người sống trên đời đều có liên đới với nhau như anh em, bà con ruột thịt, cho nên  vui, buồn, sướng khổ của mọi người cũng không khác gì của chính mình. Biết chia sẻ, biết yêu thương, đó mới là niềm vui và hạnh phúc, mới là sống có ý nghĩa. Và đến đây người đọc đều nhận ra một bài học rất sơ đẳng mà cao sâu: Con người ta sống trên đời, sống bao nhiêu tuổi không là quan trọng mà cái quan trọng đó là sống  có bi có tuệ. Thọ như thế mới là đáng Thọ! Chất triết lý của bài thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Có lẽ chưa bao giờ Thầy tôi tự nhận mình là nhà thơ. Thơ Thầy làm không phải để khoe với đời, cũng không phải là để lưu danh hậu thế. Thầy làm thơ như một cảm xúc tự nhiên, như một ngẫu hứng đồng điệu, như tiếng lòng của một tri âm đi tìm tri âm. Nhưng chúng tôi, các thế hệ môn sinh của Thầy đều nhận rất trân trọng bởi vì ẩn sâu trong những lời thơ tưởng như đơn sơ ấy lại là một tấm lòng nặng tình với người, một trái tim nhân văn và một trí tuệ sâu thẳm. Và bài thơ “Hát ở nhà đào Thọ” là một trong những bài thơ như thế. Chắc chắn đôi dòng cảm nghĩ về bài thơ chưa hẳn đã hiểu hết ý nghĩa mà Thầy tôi muốn gửi gắm. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn được chia sẻ phần nào một đạo lý sống cao đẹp ở đời đến với mọi người ngày hôm nay. Âu cũng là góp thêm một ánh hồng cho cuộc sống!

Một lòng thành kính nhớ tới Ân sư nhân ngày 20/11

Đệ tử Chu xuân Trường

Nhâm dần niên trọng đông

Cùng chuyên mục

Cuộc thi sáng tác và triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng 2024”

Cuộc thi sáng tác và triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng 2024”

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh