Gần nửa thế kỷ thành lập và phát triển, có lẽ Đoàn Kịch Nam Định là một trong số ít đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở các địa phương hiện nay vẫn giữ thương hiệu riêng và luôn có mặt biểu diễn trên nhiều miền đất nước dù hoàn cảnh sân khấu đang trong cơn “bĩ cực”.
Về với Đoàn Kịch Nam Định những ngày đầu xuân mới 2019, ấn tượng với chúng tôi là không khí đang hào hứng tập vở của các diễn viên, nghệ sĩ trong Đoàn chuẩn bị rong ruổi cho những chuyến đi từ Bắc vào Nam truyền lửa nghệ thuật đến với khán giả.
Từng ghi dấu ấn trong lòng khán giả gần 50 năm qua với những vở diễn như: “Đôi mắt”, “Bão biển”, “Mùa hè ở biển”, “Nửa ngày về chiều”, “Không thể có thể”, “Ai là thủ phạm”… Đến hôm nay, Đoàn Kịch Nam Định đã có những bứt phá, sáng tạo trên hành trình đi tìm khán giả với những vở diễn nóng bỏng thời cuộc như: “Rừng cháy” (với 300 đêm diễn), “Thiên nga” (với 200 đêm diễn), “Sau cơn giông” (đạt 200 đêm diễn), “Phía sau vụ án”, “Thời con gái đã xa”…
Bên cạnh hoạt động phục vụ chính trị ở tỉnh nhà, có thể nói, Đoàn Kịch Nam Định là một trong số ít đơn vị nghệ thuật địa phương đi tìm khán giả theo phương thức xã hội hóa từ rất sớm và hiệu quả, giữ được “chỗ đứng” trong lòng khán giả ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước với lịch diễn dày đặc. Dấu ấn đáng nhớ đối với các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn trong năm 2018 là hành trình Nam tiến tới 4 lần đầy kỷ niệm.
Trong thời gian tham dự Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh với vở diễn “Bản tình ca viết dở” (Tác giả: Nguyễn Đăng Chương, Đạo diễn: NSƯT Đào Quang), Đoàn Kịch Nam Định đã có được những hợp đồng biểu diễn ở các tỉnh phía Nam. Vì có lịch diễn, nên trong đêm bế mạc Cuộc thi, các nghệ sĩ của Đoàn không thể có mặt nhận giải thưởng. Nhưng các nghệ sĩ vẫn rất vui vì được đi biểu diễn phục vụ các chiến sỹ Vùng 3 Hải Quân (Sơn Trà – Đà Nẵng); Vùng 4 Hải Quân (Cam Ranh – Khánh Hòa); đông đảo CB CNV khu Công nghiệp Nhơn Trạch Đồng Nai; các CCB, HSSV cùng đông đảo khán giả TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, miền Tây Nam Bộ…
Những năm trước, khi có dịp đi diễn tỉnh xa, cả đoàn ngược xuôi trên chiếc xe to chật cứng cả phông cảnh, đạo cụ. Năm 2018, để đảm bảo sức khỏe cho anh em nghệ sĩ, diễn viên nên cả 4 lần lưu diễn đất phương Nam thì NSƯT Thùy Linh – Trưởng Đoàn Kịch Nam Định đã quyết định chọn phương tiện xuyên Việt là máy bay. Quân số của Đoàn hơn hai chục người, nhưng đi diễn xa cần gọn nhẹ nên chỉ 13 người đi… Với hai vở diễn “Thời con gái đã xa” và “Bản tình ca viết dở”, Đoàn Kịch Nam Định đã thu hút được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng khán giả phương Nam. Đặc biệt vở diễn “Bản tình ca viết dở” với những giá trị nhân văn sâu sắc đã chinh phục được người xem ở nhiều lứa tuổi với những tình tiết xung đột hấp dẫn. 4 chuyến 60 ngày lưu diễn phía Nam trong năm 2018 là khoảng thời gian nhiều kỉ niệm với anh chị em nghệ sĩ.
Những đêm diễn sáng đèn nơi miền sông nước Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, rồi tới miền đất mũi Cà Mau, huyện đảo Phú Quốc… các nghệ sĩ của đoàn đã mang tới khán giả những thông điệp về cuộc sống và cả những khát vọng sáng tạo, cống hiến. Những kỉ niệm ấm áp thân tình chia sẻ giao lưu cùng khán giả, cùng các chiến sĩ bộ đội, cùng các bạn học sinh, sinh viên… như tiếp thêm động lực để anh chị em nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn luôn thể hiện tốt trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ đối với cuộc sống. Vất vả, nhưng niềm vui hiện lên trong ánh mắt mọi người, bởi có nhiều hợp đồng diễn sẽ giúp các thành viên của Đoàn có thêm thu nhập và cảm thấy ấm lòng hơn.
Chia sẻ về những bước đi trong thời gian tới của Đoàn Kịch Nam Định, NSƯT Thùy Linh – Trưởng đoàn kịch Nam Định cho biết: “Để có được những chuyến lưu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đoàn Kịch Nam Định luôn chú trọng công tác xã hội hóa vì sự hỗ trợ của các mạnh thường quân chính là “bà đỡ mát tay” cho sân khấu của Đoàn luôn được sáng đèn với khát vọng đến những miền xa.
Ở các tỉnh, thành phố khắp trong Nam ngoài Bắc, Đoàn Kịch Nam Định đều có các nhóm cộng tác viên làm vai trò kết nối các hợp đồng biểu diễn. Nhờ đó, Đoàn Kịch Nam Định mới có được những buổi diễn ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Những chuyến đi là dịp anh chị em nghệ sĩ được hiểu thêm về tình đất, tình người ở những vùng đất khác nhau của Tổ quốc, có thêm những trải nghiệm thực tế để từ đó có những cảm xúc, sáng tạo mới trong hoạt động nghề nghiệp”.
Vui là vậy, nhưng trong ánh mắt của người nghệ sĩ ấy vẫn còn những băn khoăn đau đáu, bởi chỉ khoảng thời gian không xa nữa, Đoàn Kịch Nam Định sẽ không biết đi về đâu. Có kế hoạch sáp nhập 3 đơn vị nghệ thuật biểu diễn của tỉnh là kịch nói, chèo và cải lương vào thành Nhà hát Truyền thống. Cũng có kế hoạch sáp nhập 3 đơn vị này vào Trung tâm Văn hóa tỉnh. Thùy Linh rất sợ đơn vị của mình sẽ dần bị nghiệp dư hóa rồi bị xóa thương hiệu, một thương hiệu kịch lừng lẫy của kịch trường đất nước mà chị và các đồng nghiệp trẻ hôm nay là người mang sứ mạng kế tục. Thùy Linh nghĩ sao con đường xã hội hóa không tạo điều kiện để các đơn vị có cơ hội khẳng định mình, để từng bước vươn lên trong điều kiện mới mà cứ phải tách nhập khá lộn xộn, nặng nề như thế.
Một mùa xuân mới lại về, thử thách mới và những khát vọng sáng tạo cũng rất mới mẻ. Chúc anh chị em nghệ sĩ Đoàn Kịch Nam Định sẽ có được những thành công mới trên chặng đường chinh phục khán giả cả nước, khẳng định một thương hiệu kịch ngời sáng..
Ngọc Anh