Phố cổ Hội An được ví như nhan sắc mặn mà, đằm thắm của một người đàn bà cũ. Ai đã đến thể nào cũng nhớ và muốn quay trở lại. Có lần ông già gánh nước thuê, bên giếng đá ong đọc cho tôi nghe câu ca dao: ‘Ai đi phố Hội, Chùa Cầu. Để thương, để nhớ, để sầu cho ai. Để sầu cho khách vãng lai. Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu’. Ngẫm ra, tôi đã chịu sầu rồi, mỗi khi về bên sông Hoài.
Những con mắt trần gian
Khu phố cổ Hội An, xưa có tên là Hoài Phố (Phố bên sông Hoài), vì nhờ con sông Hoài chảy qua thành phố, mở đầu cho sự ra đời thương cảng Hội An một thời sầm uất, thịnh vượng. Sông Hoài là dòng chảy tách ra từ sông Thu Bồn, nhập vào cửa biển lớn Hội An (cửa Đại), để cho tàu thuyền các nước vào ra, buôn bán. Nhà phố, cửa hàng mọc lên san sát bên dòng sông nhấp nhô mái ngói đỏ tươi. Nhưng rồi, thời gian trăm năm sông cạn, biển vơi.
Thương cảng biến mất, đất người bơ vơ. Khu phố cổ Hội An bị bỏ quên. Hiu hắt cô đơn bên sông suốt cả chiều dài lịch sử chiến tranh. Nhan sắc của những ngôi nhà phai tàn theo thời gian. Rêu phong. Cây cỏ trên mái nhà. Những con mắt cửa (bằng gỗ được tạc hai bên trên khung cửa ra vào) đục mờ, mệt mỏi. Phố liền phố. Nhà liền nhà. Mái ngói lô xô ủ rũ với rêu xanh và lá vàng rơi.
Vào cữ tháng chín hàng năm, mùa mưa lụt đến, mấy dãy phố bên sông ngụp lặn đến ngạt thở. Nước lớn ngập đến gần mái nhà. Những con mắt cửa hốt hoảng, vật vã với dòng nước xoáy mạnh trôi từ biển vào. Mỗi khi nước rút, nhà nào cũng ngập ngụa bùn rác, mọi người lại quay cuồng lau rửa…
Ấy thế rồi, những con phố cổ bị đầy ải đến xanh xao, phủ kín phù sa được mọi người tìm đến. Số phận của phố cổ Hội An được cứu vớt khi nhà khoa học Kazik, người Ba Lan xuất hiện năm 1980, với vai trò bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An (theo dự án quốc tế Việt Nam-Ba Lan). Kazik đã đến từng ngôi nhà cổ để tìm hiểu, phát hiện những phần hư hỏng, đổ nát của ngôi nhà cần bảo tồn, xây dựng sao cho nguyên vẹn.
Khi ấy, ông dự báo trong thời gian không xa, Hội An sẽ là địa chỉ du lịch hàng đầu trong nước. Sau đó, Kazik còn có công đưa Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ông đã mất tại Huế sau 17 năm làm việc tại Việt Nam.
Sinh thời, Kazik mô tả phố cổ Hội An như một thiên đường trong những ngôi nhà cổ tích. Hội An thật sự đặc sắc, với mỹ thuật kiến trúc gỗ tổng hợp của ba dòng văn hóa Việt-Nhật-Hoa, hơn 300 năm qua (trong tham luận “Hội An-Một di sản kiến trúc đô thị” của Kazik).
Đặc biệt ông nhấn mạnh về con mắt cửa trên mỗi ngôi nhà, với nghệ thuật điêu khắc khác nhau. Đó là nét văn hóa tâm linh độc đáo của triết lý phương Đông, với ý nghĩa bảo vệ chủ quyền, giữ gìn của cải và trừ tà ma. Những con mắt phố cần được lưu giữ cẩn trọng, vì đó là hồn cốt của người dân Hội An luôn luôn hồ hởi chào đón những du khách khắp nơi trở về.
Có lần dạo phố cổ Trần Phú, chúng tôi lạc nhau, vì dòng người qua lại tấp nập. Tôi dừng lại một con ngõ nhỏ dẫn xuống đường Bạch Đằng, dọc sông Hoài. Chờ mãi mới gặp một người quen cũng đang đi tìm bạn. Cả hai lại hối hả đi dạo. Không hiểu sao loanh quanh đến bốn con phố, vẫn quay lại chùa Cầu. Cả hai đều cười và nhìn lên những chiếc lá cờ đuôi nheo bay phần phật trên cao. Thảo nào một anh bạn đã đến đây cũng lạc như tôi. Đường nối đường.
Ngẩn ngơ trước những ngôi nhà đẹp. Đi mãi không thấy hết đường phố. Anh viết: “Phố đo được bằng chân. Nhà đếm được từng ngôi một. Sao đi mấy ngày không hết. Mắt ta ai vẽ thêm đường” (Phan Huy Hùng). Quả đúng! Ai vẽ thêm đường vậy? Phố nào cũng có cái để ngắm. Vào ngôi nhà cổ nào cũng thấy mắt cửa hai bên như chào đón mọi người. Nhất là các hàng may áo dài tại chỗ, xúm xít, đo đo, cắt cắt. Hội An là đất lụa mà.
Thảo nào, xưa đã có câu: “Lòng thương con gái chợ Chùa. Khéo thêu áo gấm, khéo thùa bông dâu. Ước gì tình trước nợ sau. Mấy lời em nói bạc đầu chưa quên”. Bởi thế phố còn là tình người nữa. Người phố cổ Hội An tự nhận rằng: “Nơi xóm chài quanh năm tất bật. Giầu mỗi nụ cười luôn chân thật trên môi”. Mắt cửa hồn người mà.
Đêm rằm phố Hội
Ban ngày, góc phố nào của Hội An cũng lung linh trong nắng không khác gì những bức tranh đẹp. Những mái ngói xếp chồng, lớp lang tự nhiên, đã trở thành nhịp điệu riêng của Hội An. Các nhà nhiếp ảnh thường ngỡ ngàng mỗi khi chụp những mái nhà, lô xô những viên ngói âm dương xanh mốc khi bình minh lên.
Nhưng về đêm lại khác. Hội An trầm mặc dưới ánh trăng. Hội An lại đẹp ở những góc tối. In thẫm qua góc tường và dưới mái hiên mơ màng trong giấc mộng. Nhưng người Hội An còn biết cách thể hiện cho con đường phố của mình lung linh hơn dưới ánh sáng đèn lồng. Họ đã nghĩ ra một sáng kiến, tất cả mọi nhà đều tắt điện, chỉ được thắp đèn lồng, vào đêm rằm hàng tháng. Những chùm đèn hoa ngũ sắc tạo nên một lễ hội ánh sáng kỳ ảo làm cho đường phố Hội An có một nhan sắc riêng. Mộng mị. Thần tiên.
Đã chục năm nay, đêm rằm nào cũng thế, du khách lại nhộn nhịp đến du thuyền, thả hoa đăng và dạo phố đèn lồng. Khi nói đến phố cổ Hội An, thường phải nhắc tới đèn lồng, bên cạnh biểu tượng Chùa Cầu của thành phố. Đặc biệt là nghề làm đèn lồng phát triển trở thành thương hiệu của Hội An. Nghĩa là đã hơn 300 năm trước đây, chỉ có những gia đình người Hoa treo đèn lồng vào mỗi dịp lễ hội, tưởng nhớ đến quê nhà.
Nhưng cũng từ đó, công việc làm đèn lồng lại được người bản xứ phát triển thành nghề kiếm cơm. Hội An trở thành nơi thu hút mọi nguồn tơ lụa để làm đèn. Nào lụa Hà Đông, lụa tơ tằm Tân Châu, lụa từ Bảo Lộc, Lâm Đồng…
Mỗi nơi một vẻ, màu sắc đa dạng, tạo nên một Hội An về đêm rằm duyên dáng và thơ mộng. Chúng tôi lên một con thuyền thả hoa đăng. Cô lái đò đã cất lên tiếng hò: “Phố lên đèn đánh thức cả trời đêm. Thướt tha quá ngọt mềm như làn gió. Cây đưa đẩy bên đèn lồng trước ngõ. Hội An cười như có bóng người thương”.
Cô còn kể, ngoài hai trăm gia đình làm đèn lồng nhỏ lẻ, ở Hội An còn có nhiều công ty lớn nhỏ, chuyên sản xuất đèn lồng. Nhiều mẫu mã luôn được cải tiến, với những dáng hình độc đáo, tạo thành những tác phẩm mỹ thuật. Nào là hình cầu, hình trụ, hình giọt nước quen thuộc. Bên cạnh đó còn những hình như bát giác, củ tỏi, lục giác, trái bí.
Ấy là chưa nói đến những chiếc đèn kéo quân, hình hoa, hình rồng…Nghệ nhân Hội An không những giỏi tạo hình cho bộ khung tre, gỗ, mà còn khéo tay khi căng dán lụa, sao cho không lộ một sợi tơ. Khi thắp đèn, ánh sáng tỏa ra mọng căng về mầu sắc, lung linh lan tỏa dịu dàng.
Chả thế, cô nói nghề làm đèn lồng tơ lụa ở đây còn được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu “Đèn lồng Hội An” (năm 2008). Nói rồi cô cười rất vui. Phía trước mũi đò được treo một đèn lồng gấm huyết dụ, ấm áp trôi trong dòng đèn hoa đăng nhỏ xíu, bồng bềnh trên sông Hoài. Gió hướng Nam thổi ào tới. Con đò tròng trành, trong dòng đèn màu xoáy quanh như chong chóng, đong đưa ngũ sắc soi bóng trên sông.
Ký ức Gốm
Điều kỳ diệu của phố cổ một phần được thể hiện ở những mái ngói âm dương màu đỏ, gắn liền với nghề gốm của Hội An. Có thể nói đường phố Hội An hình thành bao nhiêu năm thì nghề gốm Hội An cũng được hình thành cùng thời trên sông Thu Bồn. Làng gốm Thanh Hà, cách khu phố cổ chừng hơn hai cây số, nơi đóng góp làm nên hình dáng thơ mộng của thành phố Hội An bên sông Hoài. Nghề gốm ra đời song song bên cạnh nghề làm đèn lồng ở Hội An. Nguồn đất đỏ nơi đây như có keo dính, chuốt đến mịn như nhung, trên mọi sản phẩm.
Ai đi dạo trên phố cổ đều có thể cảm nhận được gốm qua những ngôi nhà nghiêng nghiêng soi bóng trên sông. Những viên gạch tường lỗ chỗ bị phủ rêu, hay mái ngói cũ kỹ sứt mẻ làm tổ cho chim sẻ. Đó chính là hình ảnh của gốm Thanh Hà lịch sử trăm năm xưa. Khi chúng tôi đến khu công viên gốm Thanh Hà, thật sự ngỡ ngàng với tài nghệ của những nghệ nhân gốm một thuở huy hoàng.
Theo VNCA