Chính phủ mới đây đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể là: Nghệ thuật chèo Đồng bằng sông Hồng và võ cổ truyền Bình Định, đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nghệ thuật chèo là một loại hình sân khấu dân gian của người Việt, gắn với các lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của đất nước.
Trong khi đó, võ cổ truyền Bình Định là “cái nôi” của nền võ học Việt Nam, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Còn với Võ cổ truyền Bình Định, đây là thể loại võ xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn, vào thế kỷ XVIII thì thể hiện rõ nét.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Toàn tỉnh Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định, thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã có nhiều võ đường Võ cổ truyền Bình Định được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.
T/h