Đề nghị lập hồ sơ ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể

15:10 | 10/07/2023

Một số chuyên gia đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023, chiều 9/7, tại TP Huế, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học “Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại”.

Hội thảo thu hút 28 tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý cùng các nhà thiết kế, nghệ nhân liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống ở Hà Nội, Huế và TP HCM.

Hội thảo khoa học “Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại”, chiều 9/7 tại TP Huế. Ảnh: TTHO

Sự thay đổi văn hóa, xu hướng thời trang đem đến thách thức mới
Gửi tham luận đến hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Ngọc và Th.S Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM) đã chỉ rõ, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, áo dài Huế đang đối mặt với những thách thức về sự thay đổi văn hóa, xu hướng thời trang và thị trường.

Theo hai tác giả, để chiếc áo dài Huế truyền thống bước vào đời sống đương đại cần phải tìm ra giải pháp để vận dụng, phát triển những giá trị của tà áo dài một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp thực tế, nhu cầu xã hội hiện đại.

Đồng thời, việc định hướng phát triển áo dài Huế trong đời sống đương đại liên quan đến các khía cạnh bảo tồn, phát huy văn hóa di sản truyền thống vào thiết kế thời trang, trang phục.

Từ đó, hai chuyên gia đề xuất cần chú trọng việc khai thác và áp dụng các yếu tố tạo hình đặc trưng của áo dài Huế như hình dáng, màu sắc, phom dáng, đường nét, chất liệu, hoa văn họa tiết, kết hợp khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại…

Đây là những yếu tố có thể tạo ra những thiết kế trang phục độc đáo, mới mẻ, nhưng cần lưu ý việc giữ nguyên giá trị cốt lõi và đặc trưng tinh thần văn hóa của áo dài Huế để không mất đi bản sắc.

Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. Ảnh: Ảnh: TTHO

Còn theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ và phát triển áo dài ngũ thân truyền thống (CLB Đình Làng Việt), Huế là nơi sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, tiền thân áo dài hiện đại, là nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị áo dài, thu hút nghệ nhân, nhà thiết kế.

Vì vậy, theo ông Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm may, mặc áo dài. Đây cũng sẽ là dịp để các nghệ nhân, nhà thiết kế học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy sự phát triển cho những người làm nghề.

Giữ hồn cốt xưa trong vóc dáng thời đại
Nêu ý kiến tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay, thời đại đã đổi khác kéo theo nhu cầu cuộc sống cũng khác xưa, nhưng áo dài cũng như một số di sản văn hóa của Huế vẫn là tài sản trí tuệ độc đáo, tài nguyên văn hóa của vùng đất di sản. Tài sản đó cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để kết nối với mạch nguồn xưa, nhưng cần tránh không để bị lai căng, dung tục hóa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tham luận tại hội thảo. Ảnh: TNO

“Thực tế, ngay trong những ngày được hồi sinh, chiếc áo dài ngũ thân xưa cũng không còn đúng nguyên mẫu. Vật liệu vải, kỹ thuật may thêu, nhuộm màu… cũng đã khác xưa, nhưng quan trọng nhất là hồn xưa vẫn còn trong vóc dáng của thời đại mới. Vì vậy, cần phải hết sức chú trọng giữ cho được hồn cốt xưa, nhưng phải cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc bảo tồn, phát huy và làm hồi sinh giá trị di sản áo dài Huế không chỉ là nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành văn hóa mà khó nhất vẫn là làm sao cho người Huế cùng đồng hành, cùng làm cho tài nguyên văn hóa này trở thành một lợi thế để thúc đẩy sự phát triển về văn hóa, kinh tế và xã hội của Huế.

Ông Hoa cũng nêu quan điểm không nên biến áo dài thành loại thường phục hàng ngày mà cần vận động từng bước để công chức, viên chức, học sinh, sinh viên… cả nam lẫn nữ mặc trong dịp phù hợp.

Đồng thời, vị nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chiếc áo dài ngũ thân nam truyền thống đa sắc màu, tao nhã từng xuất hiện ở vùng đất kinh đô Huế dần bị lãng quên. Một phần vì sự ra đời của các mẫu áo dài nam cách tân học theo áo dài Trung Hoa, áo dài Ấn Độ hoặc làm tùy hứng. Vì thiếu hiểu biết về áo dài ngũ thân truyền thống đã đẩy trang phục áo dài nam vào thế “thất trận”, có lúc tưởng chừng khó “gượng dậy”.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa)

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, áo dài Việt hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về tính trang trọng, vẻ đẹp, bản sắc văn hóa… của một bộ lễ phục. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về quy cách, màu sắc, họa tiết trang trí và các phụ kiện đi kèm và để điều đó thành hiện thực thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đề xuất một chiến lược của các cơ quan có thẩm quyền cùng sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo cộng đồng; cần có một chiến lược quảng bá, tuyên truyền dài hơi thì việc đưa áo dài trở thành quốc phục mới thành công.

Ông Hải cũng cho hay, để phát huy giá trị áo dài, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án “Huế – Kinh đô áo dài”.

Theo đó, đề án được đánh giá sẽ khai thác, phát huy các thế mạnh về văn hóa, con người Huế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phù hợp với nguồn lực, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với mục tiêu tới năm 2025 hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; tổ chức định kỳ tuần lễ áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô áo dài”; hình thành một sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023 tôn vinh áo dài gắn với di sản – Ảnh: BTC Festival Huế

“Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; hoàn thiện hồ sơ nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, TS Phan Thanh Hải thông tin.

Thế Vũ

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/de-nghi-lap-ho-so-ghi-danh-ao-dai-hue-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-post255498.html

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam