Đẩy nhanh nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên

15:03 | 15/04/2023

Khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc, khai thác các giá trị của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, trước hết là đẩy nhanh việc nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên.


Đây là nội dung được các chuyên gia đưa ra tại tại Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long” – nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp.

Chính diện bậc thềm điện kính thiên. Ảnh: Thảo Quyên/DV

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học là vấn đề thách thức không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia.

Câu hỏi về sự tồn tại của các di tích khảo cổ học cùng với hàng triệu “hiện vật vô giá” tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất đã, đang và sẽ tồn tại như thế nào trong bối cảnh hôm nay luôn nóng hổi, mang tính thời sự và gây nhiều tranh luận. Tuy vậy, với sự nỗ lực của TP Hà Nội cũng như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cùng sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, công tác bảo tồn di sản đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội có quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản với Vùng Ile de France, thành phố Toulouse, các chuyên gia Pháp hỗ trợ chuyên môn cho khu di sản từ trước khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới cho đến nay.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với TP Toulouse triển khai thực hiện dự án nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển FICOL của Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Nội dung dự án là chuyển giao công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, đặc biệt đối với các di tích khảo cổ học; hỗ trợ kĩ thuật, xây dựng các báo cáo khoa học đánh giá hiện trạng và đưa ra các đề xuất để bảo tồn, quản lý tốt hơn khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, thúc đẩy phát triển du lịch, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế đối với một di sản thế giới; đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại khu di sản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đưa ra nhiều chứng cứ để khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc, khai thác các giá trị của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long.

Theo ông, trước hết, đẩy nhanh việc nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, một mặt sẽ xây dựng bảo tàng tại chỗ các dấu tích Cung điện Thăng Long tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng Cung Thăng Long và nghiên cứu và phát huy các gía trị văn hoá phi vật thể của Hoàng Thành Thăng Long.

Để có thêm cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội cho rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực: Khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mĩ thuật… Trước hết, cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, việc này cần đẩy mạnh công tác khảo cổ học ở khu vực này nhằm làm rõ nền móng và phân gian của chính điện Kính Thiên.

Công tác nghiên cứu cần đẩy mạnh hơn với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu theo các nhóm vấn đề giống như khuyến nghị trong Văn kiện Nara 1994 gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong và bên ngoài di sản.

Chia sẻ về việc nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, ông Jean Francois Milou, chuyên gia Pháp – Văn phòng Studio Milou Singapore cho rằng, với yêu cầu về quy hoạch rất nghiêm ngặt của khu vực xung quanh Hoàng Thành Thăng Long, đơn vị quản lý di sản chỉ có thể xây dựng một công trình không cao quá 5m. Khi đó, có thể xây dựng nơi đây giống như một công viên dành riêng cho khu khảo cổ học của Hoàng Thành Thăng Long.

Khu công viên này sẽ được nhìn thấy từ phía Tòa nhà Quốc hội. Hình ảnh hai công trình kế bên nhau biểu tượng cho mối liên hệ giữa Hà Nội ngày nay và Hà Nội trong quá khứ. Bước vào trong, một công trình quan trọng là bảo tàng khảo cổ học ngầm rộng lớn với lối tiếp cận trực tiếp tới các hố khảo cổ.

Các chuyên gia của Pháp cũng chia sẻ việc phát huy giá trị di sản như một chiến lược phát triển tổng thể của Hà Nội và giới thiệu một khu di tích đã trải qua quá trình chuyển đổi để nâng cao giá trị di sản…

Điện Kính Thiên được khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần… Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV-XVIII).

Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lí do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.

Cùng chuyên mục

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.