Danh hiệu NSND là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành cho những nỗ lực, cống hiến của người nghệ sĩ với nền nghệ thuật nước nhà. Nhưng danh hiệu này phải “đấu tranh” mới có thì liệu các nghệ sĩ có vui?
Trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua đã được Bộ VH-TT&DL công bố cách đây ít ngày. Không có tên NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn.
Đây là lần thứ 2 NSƯT Thanh Tuấn làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND. Ông tỏ ra rất buồn và thất vọng xen lẫn bức xúc khi những nghệ sĩ lớn, có tuổi nghề và nhiều cống hiến lại trượt trong khi những nghệ sĩ trẻ, ít tên tuổi hơn lại được chọn thông qua vòng bình bầu.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn cho biết, nếu xét theo tiêu chuẩn phải có HCV thì cả ông và nghệ sĩ Minh Vương đều khó có thể đủ tiêu chuẩn này. Vì hai nghệ sĩ đều đã lớn tuổi, không đi thi nữa nên không thể có đủ huy chương.
Theo nghệ sĩ Thanh Tuấn, sự bất cập ở vòng bình bầu 15 người trong Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước là việc bỏ phiếu kín thay vì công khai. Bởi nếu hội đồng bỏ phiếu công khai thì ai là người không đồng tình chọn nghệ sĩ nào thì họ sẽ phải đứng lên phát biểu lý do tại sao không chọn.
Còn bỏ phiếu kín sẽ dẫn đến không minh bạch và gây ra sự bất công cho những người bị đánh trượt mà không hiểu tại sao mình bị trượt. Nam nghệ sĩ chia sẻ nếu việc bình chọn không rõ ràng và công bằng dễ gây sự tổn thương cho các nghệ sĩ lớn bị đánh trượt, khiến nhiều nghệ sĩ đã đạt danh hiệu NSƯT, NSND cảm thấy thiếu sự tôn trọng. Nghệ sĩ Thanh Tuấn cũng nhấn mạnh cả ông và nghệ sĩ Minh Vương đều sẽ không làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND thêm một lần nào nữa.
Với nghệ sỹ Minh Vương, đây là lần thứ 3 ông bị đánh trượt danh hiệu NSND. Đượt biết, nghệ sĩ Minh Vương thiếu vài phiếu trong tổng số 15 phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước năm nay, trong khi quy định là phải đạt 90% phiếu thuận. Nghệ sĩ Minh Vương cho biết bản thân đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, kể cả khi đã về hưu. Tuy nhiên, 3 đợt xin xét tặng danh hiệu NSND đều bị đánh trượt nên rất buồn.
Trong buổi họp quý 2-2018 của Bộ VH-TT&DL mới đây, trước thắc mắc của báo giới về việc NSƯT Trần Hạnh dù không đủ một số điều kiện theo quy định nhưng vẫn được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND từ Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, trong khi các nghệ sĩ cải lương gạo cội, trong đó có nghệ sĩ Thanh Tuấn và Minh Vương lại bị trượt danh hiệu NSND, ông Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ Thi đua – khen thưởng cho biết, một trong những tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là thời gian hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định 89 quy định, thời gian hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ được tính từ khi họ tốt nghiệp các trường nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống, trong đó cải lương thường không qua trường lớp đào tạo mà học theo kiểu truyền nghề và hoạt động tại các đoàn nghệ thuật từ rất sớm.
Trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước họp bầu chọn các hồ sơ nghệ sĩ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bộ VH-TT&DL đã báo cáo chi tiết trước hội đồng về các trường hợp mang tính “đặc thù” của các nghệ sĩ phía Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ cao tuổi trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên, kết quả bầu chọn hoàn toàn phụ thuộc vào hội đồng. Một số nghệ sĩ phía Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương không đạt được con số 90% số phiếu đồng ý từ các thành viên của hội đồng. Vì thế, họ không có trong danh sách đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này.
Về việc không công khai danh sách 15 thành viên của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ông Cẩn chia sẻ hội đồng không phải là tài liệu mật nhưng cũng không phải tài liệu đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một trong những lý do được ông Cẩn đưa ra là rất khó tìm người ngồi vào vị trí của Hội đồng. Mọi người không muốn ngồi vì mỗi khi kết quả không như ý muốn của nghệ sĩ và nhân dân là công chúng lại “ném đá” họ.
Về trường hợp của các NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, ông Phùng Huy Cẩn cho biết Bộ VH-TT&DL muốn lắng nghe ý kiến các nghệ sĩ, nhân dân và các cơ quan truyền thông trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Sau khi việc lấy ý kiến nhân dân kết thúc vào ngày 12-7, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo cơ quan có trách nhiệm và có những đề xuất cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Ông Cẩn nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ có những điều chỉnh tích cực, trên nguyên tắc sẽ thay đổi những tính toán cứng nhắc để làm sao danh hiệu thể hiện được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến của các nghệ sĩ.
Danh hiệu NSND là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành tặng cho những công lao của người nghệ sĩ đối với sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất trong các lần xét tặng danh hiệu NSND từ trước đến nay là nhiều nghệ sĩ gạo cội bị đánh trượt vì thiếu huy chương.
Trong khi các nghệ sĩ đều đã cao tuổi, họ không có điều kiện tham gia các cuộc thi thì lấy đâu ra đủ huy chương? Cho dù, sau ngày 12-7, hai nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Tuấn được sự ủng hộ của giới nghệ sĩ, truyền thông, khán giả và được tặng danh hiệu NSND đi nữa thì với họ, chắc chắn niềm vui, hạnh phúc cũng chẳng thể nào trọn vẹn.
Theo PLXH