NSND Thuý Mùi, Đạo diễn chèo

9:57 | 18/01/2023

Một trong những điểm đáng mừng nhất của Liên hoan chèo toàn quốc 2022 tại Hà Nam là sự xuất hiện và khẳng định tài năng của đội ngũ đông đảo những đạo diễn vốn là những nghệ sĩ lừng danh của làng chèo như NSND Thanh Ngoan, các NSƯT: Lê Tuấn Cường, Lê Thanh Tùng, Đoàn Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam), Tự Long (Nhà hát chèo quân đội),  NSƯT Lê Tuấn, NSƯT Trần Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội); NSND Trương Hải Thọ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), NSƯT Nguyễn Quang Thập (Ninh Bình), NS Đỗ Duy Thông (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định)…Trong đó, bất ngờ nhất là sự xuất hiện của NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, ở tư cách đạo diễn với 4 vở diễn có chất lượng cao, hấp dẫn, mang đậm bản sắc chèo là Những vì sao không tắt, Khóc giữa trời xanh (Trong  tâm Văn hóa Hà Nam), Vang bóng một thời (Đoàn chèo Hải Phòng) và Ván cờ oan trái (Nhà hát chèo Hưng Yên)…


Thực ra, từ 10 năm trước khi còn là Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, NSND Thúy Mùi từng dàn dựng không ít vở chèo cho nhà hát. Đáng nhớ nhất là vở chèo lịch sử “Vương nữ Mê Linh” Thúy Mùi dàn dựng năm 2012, tạo nên một sự kiện sân khấu lớn. Tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2013, ở Hải Phòng, “Vương nữ Mê Linh” giành nhiều giải thưởng lớn: Huy chương Vàng cho vở diễn; huy chương vàng cho các diễn viên: Quốc Anh, Hoài Thu, Quốc Phòng; Huy chương Bạc cho các diễn viên Minh Nhan, Thu Hòa, Thảo Quyên. Đặc biệt, đạo diễn, NSNDThúy Mùi đã giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất của Liên hoan.

Tuy vậy, từ thành công lớn của vở chèo “Vương nữ Mê Linh” năm 2013 đến trước năm 2022, trong hơn 9 năm, NSND Thúy Mùi không còn làm đạo diễn chèo ở bất cứ đâu dù chị vẫn thường xuyên làm đạo diễn các lễ hội ở Hà Nội và các địa phương phía Bắc. Trong thời gian rất dài đó, chị vẫn thường xuyên cho ra các CD hát chèo và ngâm thơ rất đẳng cấp nhưng đạo diễn chèo thì không. Rồi chị được bầu là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN. Những tưởng công việc bận rộn của người đứng đầu Hội sẽ khó có điều kiện cho chị trở về với nghề đạo diễn chèo.

Nhưng thật bất ngờ khi trong Liên hoan chèo toàn quốc 2022, NSND Thúy Mùi đã trở lại với vai trò đạo diễn tới 4 vở chèo nói trên.

Trước hết phải nói đến hai vở chèo NSND Trịnh Thúy Mùi dựng cho Đoàn chèo thuộc Trung tâm Văn hóa Hà Nam.

“Những vì sao không tắt” là vở chèo về những liệt nữ Hà Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Câu chuyện về 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ xảy ra trước chuyện 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc và 12 nữ liệt sĩ Truông Bồn nhưng sau 50 năm ngày họ hy sinh, câu chuyện về họ mới được nói đến. Trận địa phòng không nơi họ hy sinh đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ đã được xây dựng. Một phòng trào sáng tác văn học nghệ thuật về các liệt nữ được phát động. Bây giờ một vở chèo theo kịch bản của Lê Chí Trung và Tạ Tuấn Minh đã được hoàn thành và diễn khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc tại quê hương Hà Nam. Dù còn một số khiếm khuyết, bất cập, nhưng “Những vì sao không tắt” là một vở chèo đề tài chiến tranh cách mạng rất chân thực, giản dị, xúc động, một phác thảo đầy triển vọng của một tượng đài sân khấu có sức sống lâu bền về một huyền thoại linh thiêng và đáng tự hào của quê hương Hà Nam. Không có gì lạ khi “Những vì sao không tắt” chỉ được huy chương đồng Liên hoan nhưng được lãnh đạo và nhân dân Hà Nam đánh giá rất cao, coi đây là tác phẩm rất có giá trị trong giáo dục lịch sử truyền thống tỉnh nhà.

“Khóc giữa trời xanh” là kịch bản của tác giả Lê Chí Trung viết về vụ án oan nổi tiếng của thái sư Lê Văn Thịnh thời vua Lý Nhân Tông với thông điệp: mọi oan khuất trong lịch sử sớm muộn cũng sẽ được sáng tỏ, không thế lực nào bằng bất cứ lý do nào có thể che đậy được. Mặc dù các hư cấu của tác giả đều rất gần với sự thật lịch sử nhưng để tránh rắc rối Lê Chí Trung vẫn cẩn thận khi để các nhân vật Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan, Thượng Dương Hoàng Thái hậu, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh…đều mang tên giả. Điều đáng khen đầu tiên của người dựng vở này cho Đoàn chèo Hà Nam là đã mạnh dạn là trả lại tên thật cho tất cả nhân vật. Có thật nắm vững lịch sử mới có thể đưa đến quyết định quan trọng này. Tên thật giúp khán giả tin vào sự thật lịch sử họ được xem hơn. Đạo diễn như muốn nhấn mạnh câu chuyện kịch là chuyện từng diễn ra ở đời vua Lý Nhân Tông trong một triều đại được coi là thịnh trị trong lịch sử nước ta. Thời thiên hạ thịnh trị vua sáng tôi hiền được ca ngợi ấy vẫn có chuyện tranh quyền đoạt vị vu oan giá họa hết sức bi thảm như việc Nguyên phi Ỷ Lan cùng phe cánh vu cho Thượng Dương Hoàng Thái hậu tội giết vua nên đã giết bà ta cùng 72 cung nữ, làm nên vụ thảm sát cung đình lớn bậc nhất nước ta. Tội ác ấy bị Lý Đạo Thành phát hiện, can gián nhưng không ngăn được tham vọng của Ỷ Lan, đành gạt nước mắt cam chịu. Lê Văn Thịnh sau khi đỗ trạng nguyên khai khoa rồi lên chức thái sư đã phát hiện ra sự thật đau đớn ấy nên quyết  tìm cách vạch trần sự thật. Lê Văn Thịnh coi việc giải oan cho Thượng Dương Hoàng Thái hậu như trách nhiệm đương nhiên của một trí thức một vị quan đầu triều dù biết ông sẽ phải trả giá rất đắt cho việc này. Người ta thà chấp nhận một sự giả đối cho triều đại êm đẹp hơn là vạch trần sự thật cho thấy bên trong sự thịnh trị, triều đại ấy còn bao oan khiên thối nát. Bởi vậy, thay vì giải oan được cho cựu Hoàng thái hậu, Lê Văn Thịnh cũng phải chịu cái án oan giả hổ giết vua trên hồ Dâm Đàm do bọn nịnh thần tạo ra. Lê Văn Thịnh phải “khóc giữa trời xanh” và tự cắn vào thân mình là vì nỗ oan tày trời đó. Tinh thần ấy đã được đạo diễn Thúy Mùi cùng ê kíp sáng tạo làm thấm nhuần vào từng nhân vật, từng cảnh diễn, từng chi tiết của vở chèo, tạo nên một sự cảnh tỉnh lớn. Với “Khóc giữa trời xanh”, chèo Hà Nam đã có một vở chèo lịch sử hoành tráng, rất chững chạc, bề thế về tư tưởng, rất tinh tế hấp dẫn về nghệ thuật, xứng đáng đứng vào hàng những vở hay nhất và đã đạt huy chương vàng tại Liên hoan. Đây là lần đầu tiên Đoàn chèo Hà Nam đoạt giải thưởng vinh dự này. Giải thưởng cho thấy sự tiến bộ lớn của thế hệ nghệ sĩ trẻ của chèo Hà Nam trên con đường bắt kịp các trung tâm chèo lớn của đất nước.

“Vang bóng một thời” được NSND Thúy Mùi dàn dựng cho Đoàn chèo Hải Phòng theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu phỏng theo tập truyện cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Kịch bản này một năm trước đã được đạo diễn, NSUT Bùi Như Lai dựng rất thành công trên sân khấu kịch Lệ Ngọc. Thúy Mùi tiếp nhận kịch bản từ Đoàn chèo Hải Phòng, chị nhận ra trong kịch bản nhân vật Huấn Cao, nhân vật mà có người nói Nguyễn Tuân cảm tác từ hình tượng nhà thơ Cao Bá Quát, còn thiếu phần trực tiếp mô tả những việc làm đầy nhân nghĩa của nhân vật này. Chị yêu cầu tác giả Nguyễn Hiếu bổ sung phần này với hai cảnh diễn mới là  Huấn Cao sửa bài thi cho một nhân tài để người này đỗ cao làm quan giúp nước và cảnh Huấn Cao lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Hai cảnh diễn đó vừa làm đậm thêm tính chất thiên lương và sức chinh phục mạnh mẽ của hình tượng trung tâm của vở diễn, một người luôn coi thương mọi danh phận hay quyền chức. Đạo diễn Thúy Mùi ý thức rõ nội dung vở diễn chứa đựng nhiều xung đột, diễn biến tâm lý của các nhân vật sẽ tạo nên sự phong phú trong diễn xuất của các nghệ sĩ và chị cùng ê kíp sáng tạo đã thành công trong việc giúp các nghệ sĩ chèo Hải Phòng thể hiện xuất sắc sự phong phú đó.  “Vang bóng một thời” giúp Đoàn chèo Hải Phòng, một đơn vị chèo rất mạnh trong làng chèo đất nước, lần đầu tiên sau 37 năm, đoạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc.

“Ván cờ oan trái” của Nhà hát Chèo Hưng Yên  là vở chèo thứ tư NSND Thúy Mùi đạo diễn tham gia Liên hoan chèo toàn quốc 2022  theo kịch bản của tác giả Bùi Vũ Minh. Đây là một kịch bản dựa theo truyền thuyết dân gian ở vùng đồng băng sông Hồng. Câu chuyện kịch kể về chàng Trọng Kỳ con quan tổng trấn vì quá mê cờ bạc đã làm cha vì nhục và uất mà chết, mẹ và vợ đến cảnh khốn cùng. Cuối cùng nhờ tình yêu chung thủy và sự hiếu thảo, hy sinh của người vợ tên Nhị Khanh thức tỉnh, Trọng Kỳ đã chăm chỉ học hành, thi đỗ trạng nguyên, cầm quân dẹp giặc cứu nước rồi trở về quê trừng trị bọn cường hào và bọn cờ bạc bịp, đoàn tụ với mẹ và vợ. Kịch bản đã xây dựng nhân vật Nhị Khanh rất đẹp, điển hình cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ VN. NSND Thúy Mùi đã dàn dựng vở này theo đúng phong cách chèo truyền thống, kết hợp khéo léo hai yếu tố bi hài, tạo nên một vở chèo nhẹ nhàng mà sâu sắc, rất hấp dẫn với công chúng chèo. Không hiểu vì sao “Ván cớ oan trái” không được giải thường nào của Liên hoan. Nhưng Nhà hát chèo Hưng Yên không vì thế mà buồn, bởi  họ đã có huy chương vàng Liên hoan cho vở chèo “Nguyễn Đình Nghị”, còn “Ván cờ oan trái” đã trở thành vở diễn thu hút rất đông đảo khán giả ngay khi mới ra đời. Chính khán giả sẽ trao huy chương vàng cho nó.

Từ danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 đế 4 vở chị đạo diễn tham gia Liên hoan chèo toàn quốc 2022 được đánh giá cao, NSND Thúy Mùi đã được như một đạo diễn xuất sắc của làng cheo đất nước. Một trong những đặc điểm rất đáng quý là trong các vở chị dàn dựng dù là về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, chiến tranh cách mạng hay hiện đại dù đã có những cách tân nghệ thuật táo bạo đến mấy bao giờ cũng rất đậm chất chèo. Nhà hát chèo Hà Nội nhờ những vở Thúy Mùi đạo diễn từ chỗ bị làng chèo coi rất ít chất chèo đã được công nhận là đã đậm chất chèo. Chất chèo là cái gì không thể gọi rõ đã ăn sâu vào tâm thức Thúy Mùi, chị có thể cảm nhận rất rõ khi dàn dựng cái gì là chèo cái gì là không chèo. Nếu coi chất chèo đậm nhất nằm ở sự phong phú gần như vô tận của làn điệu chèo thì các vở diễn của Thúy Mùi được sử dụng rất phong phú, rất đắc địa. Là một giọng hát chèo xuất sắc bậc nhất làng chèo đất nược, chị luôn tổ chức các cao trào ca hát cực kỳ hấp dẫn, lay động lòng người. Khi biết bám rất sát vào âm nhạc chèo, đặc trưng lớn nhất của chất chèo, thì mọi cách tân đổi mới sẽ không bao giờ đi xa chèo. Những vở diễn rất cách tân mà cũng rất truyền thống của Thúy Mùi ta có thể rút ra kết luận này.

Sự đổi mới phá triển của nghệ thuật chèo hiện nay rất cần NSND Thúy Mùi vai trò đạo diễn. Mong chị phân phối thời gian, sức lực hợp lý để có thể vừa làm tốt trọng trách Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN vừa có thể luôn trở lại tốt nhất với chèo ở vai trò cần thiết trên…

Nhật Ánh (VHVN)

Cùng chuyên mục

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”