Chiều 10/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 17/6/1991, là tổ chức chính thức của những người yêu nước bị địch bắt, tù đày trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Sau 22 năm hoạt động, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp được hơn 98% cựu tù vào tổ chức (9.870/11.000 người). Ban Liên lạc đã nhận được 20 Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và của Thủ tướng Chính phủ, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh đoàn ra thăm Hà Nội; bày tỏ vui mừng, xúc động đón đoàn tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những kết quả hoạt động Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong 22 năm qua; đồng thời nhấn mạnh, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức không chỉ cần thiết cho các thành viên, mà còn cần cho Đảng, cho đất nước và cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hình thức tập hợp, giáo dục truyền thống rất sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực.
Ban xây dựng được Quỹ Nghĩa tình đồng đội với hơn 8 tỷ đồng để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng cho con các cựu tù, nhà nghèo, học giỏi và các cháu học sinh khác; phối hợp giải quyết hơn 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao việc Ban Liên lạc đã viết, biên soạn, sưu tầm, in 6 đầu sách về tù, nhà tù, kỷ yếu ảnh về hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh; trong đó có tập sách Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh – Nhân vật và sự kiện (ra mắt tháng 12/2013) với hơn 1.500 trang, nội dung chính là hình ảnh cá nhân của gần 9.000 nhân vật từng là tù chính trị hoặc tù binh thời kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là hình thức đặc biệt, giúp Đảng, Nhà nước nói chung và cấp ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua những tấm gương tiêu biểu; là tư liệu quý giá do chính người trong cuộc viết, nên tính toàn diện, chân thực và giá trị lịch sử không gì so sánh được.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực hỗ trợ giải quyết hơn 1.000 hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng.
Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho đại biểu. Ảnh: TTXVN.
Giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề Đảng, Nhà nước ta rất trăn trở, vì có nhiều trường hợp không có giấy tờ chứng minh, không có nhân chứng. Mấy năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng đã tập trung tối đa giải quyết vấn đề hồ sơ người có công còn tồn đọng. Chủ tịch Quốc hội đã nêu cách làm của một số nơi, trong những trường hợp chưa được Nhà nước cấp chứng nhận, có thể bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương tôn vinh theo hình thức kết hợp giữa Nhà nước và xã hội hóa, để bà con có chế độ bằng những trường hợp đã được xác nhận.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phương châm của chúng ta là “Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, nên phải cố gắng ở mức cao nhất để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng”.
Nhấn mạnh dân tộc ta có truyền thống đạo lý rất tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm tới công tác Đền ơn đáp nghĩa, không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, mà ở bất cứ đâu có điều kiện, bất cứ khi nào có thể làm được việc gì cho người có công, Nhà nước cũng đều đầu tư nguồn lực chăm lo; chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đều quan tâm.
Với 69 đại biểu trong đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi đồng chí là một câu chuyện sống động, một “pho lịch sử sống” gắn với những sự kiện của lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng. Trước mắt sẽ rà soát để sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để tôn vinh nhiều trường hợp xứng đáng được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng, hay tôn vinh những trường hợp là Việt kiều tự nguyện về nước tham gia cách mạng trước đây…
Ghi nhận các kiến nghị của các cựu tù chính trị, tù binh Thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây đều là những ý kiến xác đáng; trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin; các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cách điều trị, thuốc chữa bệnh, chế độ chính sách, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
N.Hường
Nguồn: congluan.vn
https://www.congluan.vn/dang-nha-nuoc-nhan-dan-ta-luon-quan-tam-toi-cong-tac-den-on-dap-nghia-post243057.html