Nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã mất cách đây đúng nửa thế kỷ (ngày 8/3/1969), 50 năm đã qua sự hy sinh của chị vẫn khiến nhiều đồng nghiệp rơi nước mắt, xúc động ghê gớm. Nhà văn Nguyên Ngọc, thủ trưởng cũ của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý viết một câu như buột thốt tận đáy lòng: “Thật bất công nếu không gọi chị là một người Anh hùng”!
Tại chiến trường khu Năm, trong khi vừa làm rẫy, vừa đuổi lũ khỉ phá lúa, vừa viết, chị Quý đã để lại một truyện ngắn duy nhất, truyện “Hoa rừng”. Năm 2007, khi xét giải thưởng Nhà nước cho liệt sĩ-nhà văn Dương Thị Xuân Quý, có người trong ban giám khảo còn băn khoăn: “Tác phẩm của chị Quý còn “mỏng” quá!”.
Trời ơi, ngay sau khi viết xong truyện ngắn “Hoa rừng” ít ngày, chị Dương Thị Xuân Quý đã lao xuống chiến trường đồng bằng. Đó là chuyến đi chiến trường đồng bằng đầu tiên và cuối cùng của chị. Chẳng còn cơ hội để viết thêm một dòng chữ nào nữa, kể cả viết nhật ký. Tác phẩm văn học của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý không thể tính bằng số trang, mà phải tính bằng máu của tác giả. Nếu đã tính bằng máu, thì làm sao biết máu ấy “mỏng” hay “dày”, làm sao đo đếm từng giọt máu ấy?
Trong cuộc chiến tranh với Mỹ, chúng ta đã mất những con người đẹp đẽ, cao cả đến nhường nào! Nhất là khi những con người ấy là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ! Họ đã dồn chứa trong con người họ, tâm hồn họ bao nhiêu số phận những con người. Họ đã nói thay cho bao người cùng chịu đựng cuộc chiến đấu khốc liệt với họ. Họ đã nói thay cho nhân dân đau khổ mà anh hùng của chúng ta.
Bây giờ, khi cuộc chiến tranh với Mỹ đã lùi xa gần 45 năm, nhiều thế hệ đã sống qua thời gian khá dài ấy, nhưng sự hy sinh ngay trong ngày 8/3 của một nhà văn phụ nữ vẫn là một điều không thể quên được, không bao giờ quên được. Với một đất nước chịu đựng quá nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam.
Những thế hệ hôm nay cần phải được biết về sự hy sinh này, như một biểu tượng đau đớn và cao cả của một người Mẹ, khi nghiến răng rời xa đứa con đầu lòng mới hơn năm tuổi của mình để vào chiến trường, chấp nhận mức rủi ro cao nhất.
Tôi đã đọc “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”. Người Mẹ ấy trên đường Trường Sơn đã nhớ thương con với một tình thương đầy vò xé, đầy day dứt, và đầy thương cảm đến thế nào. Nếu không có những hy sinh kinh khủng như thế của hàng triệu con người, chúng ta làm gì có ngày 30/4/1975? Một danh hiệu hay một cái gì đó mà bây giờ truy tặng, thật không sao bù đắp hết cho những hy sinh như vậy. Đừng bao giờ đong đếm những hy sinh, một khi chúng ta là những người may mắn còn sống đến hôm nay.
Đọc tác phẩm Dương Thị Xuân Quý, nhiều khi phải đọc kỹ từng dòng, và ngẫm ngợi đến từng câu văn. Vì tác giả đã dồn hết tình yêu, tâm huyết của mình khi viết ra mỗi dòng chữ ấy. Nhìn gương mặt chị Quý trên ảnh, rất dễ nhận ra đôi mắt sáng trong đến kỳ lạ, và vầng trán dô đầy cá tính, rất bướng bỉnh. Người Mẹ ấy dám để con ở Hà Nội cho bà ngoại nuôi, lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường chỉ với một khát mong lớn nhất: được sống với nhân dân mình đang chiến đấu, được viết về nhân dân mình đang chiến đấu.
Là nhà văn và nhà báo, chị Quý nghĩ rằng mình sẽ thực hiện được mơ ước đó khi thực sự sống cùng nhân dân, sẻ chia với nhân dân tất cả những yêu thương đằm thắm nhất của mình, qua những trang viết. Có lẽ chỉ trừ Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chưa ở đâu mà những nhà văn nhà thơ nhạc sĩ lại xung trận nhiều như ở những cuộc chiến tranh Việt Nam, và hy sinh nhiều như ở những cuộc chiến tranh ấy. Mỗi tác phẩm dù nhỏ của những liệt sĩ-nghệ sĩ ấy để lại, là tài sản vô giá của một dân tộc biết cái giá phải trả cho Độc lập Tự do của đất nước mình.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại những câu thơ của Lê Anh Xuân, của Nguyễn Mỹ, những trang văn của Nguyễn Thi, của Dương Thị Xuân Quý, của Chu Cẩm Phong. Những dòng thơ và trang văn có lửa, có nhịp đập mãnh liệt của trái tim, có những lời thầm nhắn gửi tới những người mai sau.
Đừng bao giờ quên, “dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Như một tựa đề tiểu thuyết của một nhà văn xô viết nổi tiếng: “Hãy sống, và nhớ lấy!”, chúng ta hãy nhớ về một ngày Phụ nữ quốc tế 8/3 đúng 50 năm trước, một người Mẹ, một nữ nhà văn đã ngã xuống ngay căn hầm bí mật trong một khu vườn ở Duy Xuyên, với tiếng kêu cuối cùng “Con ơi!” thầm khẽ trong cổ họng. Người Mẹ ấy, nữ nhà văn ấy tên là Dương Thị Xuân Quý, xuất thân trong một gia đình trí thức lớn ở Hà Nội, và chết đúng ngày 8/3, khi vừa tròn 28 tuổi.
Bà sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Nội, quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông nội bà là cụ Dương Trọng Phổ, một nhà chí sĩ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Hai người bác ruột là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm đều là những nhà giáo danh sĩ nổi tiếng. Bản cha thân của bà là ông Dương Tụ Quán cũng từng là nhà giáo, sau đó chuyển sang nghề báo, từng cộng tác với tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Một người bác họ của bà là họa sĩ Dương Bích Liên, một trong Tứ kiện hội họa Việt Nam.
Trong các anh chị em họ của bà cũng có rất nhiều người thành danh như họa sĩ Dương Cẩm Chương, các giáo sư Dương Trọng Bái, Dương Thị Thoa, Dương Thị Cương, nhà báo Dương Linh…
Cuối năm 1946, bà cùng gia đình tản cư, về sống tại Thái Nguyên, thuộc chiến khu Việt Bắc. Tại đây, do ảnh hưởng của cha, bà sớm bộc lộ năng khiếu và lòng say mê văn chương từ năm 7 tuổi. Năm 1954, bà theo gia đình trở về Hà Nội và theo học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà tiếp tục theo học trường trung cấp mỏ tại Quảng Ninh.
Tuy nhiên, do năng khiếu văn chương, bà được giới thiệu theo học một khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Sau khi tốt nghiệp khóa học, bà được đưa về là phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Trong thời gian này, bà theo học thêm tại lớp ban đêm chương trình ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1965, bà tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 2 năm 1966, bà lập gia đình với nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tháng 12 năm đó, bà sinh con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly. Tuy nhiên, 5 tháng sau, chồng bà lên đường vào chiến trường miền Nam. Đúng một năm sau, vào tháng 4 năm 1968, bà cũng gửi cho lại cho mẹ là bà Hoàng Thị Tín trông nom, lên đường đi chiến trường. T
háng 7 năm 1968, bà vào đến chiến trường, nhận nhiệm vụ phóng viên tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung bộ (Khu 5). Đêm 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân Đại Hàn, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam[1] Sau khi bà hy sinh, do xáo trộn bởi chiến tranh nên không thể tìm ra hài cốt. Cha của bà cũng qua đời sau đó đúng 19 ngày.
Mãi đến ngày 3 tháng 8 năm 2006, nhà thơ Bùi Minh Quốc mới tìm được di cốt và di vật được cho là của bà, và đã cải táng tại khu tưởng niệm bà tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nhà thơ Thanh Thảo