Cánh đồng nhạc Trịnh với ca sĩ Ánh Tuyết

22:32 | 04/04/2021

Trịnh Công Sơn từng nói: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…” và “Tên hát rong” kỳ tài này đã viết hơn 600 ca khúc, tạo ra những áng thơ huyền diệu của âm nhạc VN. Gần 60 năm qua, nhạc Trịnh đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Có thể nói, mọi người Việt dù từ phía nào đều đã hát nhạc Trịnh và soi thấy bóng mình trong đó, gặp ở đó phận mình, lòng mình, tìm thấy ở đó sự đồng cảm, thấu hiểu, những an ủi, sẻ chia thăm thẳm.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tuy vậy, với nhạc Trịnh, đã diễn ra một nghịch lý: loại âm nhạc mà mọi người Việt, mọi ca sĩ Việt ai cũng mê đắm hát này lại có rất ít ca sĩ chuyên nghiệp thành danh với nó. Từ lúc Thanh Thúy, Hà Thanh, Khánh Ly giới thiệu những sáng tác đầu tay của Trịnh Công Sơn với công chúng những năm 1958 – 1959 thế kỷ 20 cho đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, rất nhiều tên tuổi lừng danh nhiều thế hệ của làng ca sĩ Việt đã trình diễn nhạc Trịnh nhưng rồi cuối cùng chỉ có một người gắn được tên tuổi mình với nhạc Trịnh, được coi là người duy nhất hát nhạc Trịnh thật hay thật ra nhạc Trịnh. Đó là ca sĩ Khánh Ly.

Ánh Tuyết hiểu rõ điều đó nên dù sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi nghe chị hát nhạc Văn Cao đã nhiều lần đề nghị Tuyết hát và làm CD nhạc của ông nhưng chị vẫn do dự. Hát nhạc Trịnh với tư cách một ca sĩ chuyên nghiệp, Tuyết thấy cần phải chuẩn bị thật kỹ càng. Trong ngày tiễn Trịnh Công Sơn đi xa, Tuyết tự hứa là sẽ thực hiện chương trình biểu diễn và làm CD nhạc Trịnh Công Sơn thật xứng đáng với ông.

Để chuẩn bị cho công việc này, chị âm thầm tìm hiểu và nhận thấy: hầu hết các ca sĩ được đào tạo bài bản, có kỹ thuật thanh nhạc vững vàng ít người thành công với nhạc Trịnh. Văn Cao từng nhận xét về nhạc Trịnh: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca bởi ở Sơn nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.

Nhận xét của Văn Cao làm Tuyết hiểu ra: nhạc Trịnh như một thứ dân ca Việt hiện đại, như sự ngân rung kỳ diệu của tiếng Việt, hồn Việt. Nó là những lời tâm tình, tự tình hồn nhiên chân thành chứa đựng những bừng thức bất ngờ về phận người, tình đời, lẽ đời trong huyền vi của tạo hóa, trong bi kịch của nhân sinh. Và Tuyết ý thức rõ rằng: đến với nhạc Trịnh, chị phải từ bỏ những ưu thế nổi trội đã làm nên đẳng cấp giọng hát mình: âm vực rộng, khả năng xứ lý những bài hát có độ khó cao về kỹ thuật từng được ca ngợi khi hát nhạc Văn Cao, Văn Phụng, Phạm Đình Chương hay Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Trị An âm vang mùa xuân của Tôn Thất Lập…

Muốn thành công với nhạc Trịnh, phải quên hết kỹ thuật trường quy, phải hát rất thật rất mộc như hát dân ca vậy.
Còn nữa: Trịnh Công Sơn từng nói nhạc Văn Cao như những đỉnh núi còn nhạc của ông chỉ là một cánh đồng. Đây không hề là sự khiêm tốn giả tạo, mà là một nhận xét tinh tế. Núi có cái cao xanh khó vươn tới nhưng cánh đồng thì có thể xa rộng vô chừng. Tuyết đã trèo được lên đỉnh núi chót vót Văn Cao, giờ quay trở lại cánh đồng bình lặng nhưng mênh mông hư ảo Trịnh Công Sơn, sẽ không hề dễ dàng, rất dễ mất hút trong cái mênh mông hư ảo đó.

Đúng kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh, Ánh Tuyết tự tin thực hiện liveshow xuyên Việt và bộ CD “Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn” sau nhiều năm thử nghiệm hát nhạc Trịnh tại sân khấu ATB của chị.

Ca sĩ Ánh Tuyết trong liveshow xuyên Việt của mình.

Và chúng ta đã lặng người khi nghe nhạc Trịnh qua tiếng hát Ánh Tuyết. Tuyết như đang trò chuyện chia sẻ với chúng ta những chiêm nghiệm, dằn vặt, thao thức, nhớ quên, vui buồn, đắng ngọt, nỗi cô đơn nhức buốt, sự tuyệt vọng sâu hút, tình yêu và hy vọng nhẫn nại của người nhạc sĩ thiên tài. Tha thiết nồng nàn với Diễm xưa, Phôi pha, Như cách vạc bay, Gọi tên bốn mùa, Cuối cùng cho một tình yêu, đau đáu suy tư với Cát bụi, Phúc âm buồn, Ướt mi, Tình xa, Còn tuổi nào cho em, Xin trả nợ người, bơ vơ trống trải với Ru ta ngậm ngùi, Có một ngày như thế, Rùng xưa đã khép, Hãy khóc đi em, Thương một người, rồi bùng cháy thiêu đốt với Vết lăn trầm, Dấu chân địa đàng, Xin mặt trời ngủ yên…

Ánh Tuyết đã từ tồn, thong thả, chầm chậm đưa những áng thơ nhạc Trịnh đến với trái tim chúng ta vừa dịu nhẹ rành rõ vừa phiêu linh ngây ngất. Không chỉ sử dụng những tiết điệu chậm buồn như Slow, Blues hay Boston. quen thuộc, Ánh Tuyết thêm một chút jazz trong Phúc âm buồn, Vết lăn trầm, đẩy nhanh một chút tiết tấu, đưa tiết tấu nhạc trẻ và thêm phần vocal trong Cát bụi, Còn tuổi nào cho em là những xứ lý làm mới nhạc Trịnh rất thành công của chị.

Và ta nghe thấy dòng suối thơ nhạc Trịnh trong tiếng hát Ánh Tuyết có một điều gì đó mới mẻ không thấy trong tiếng hát “liêu trai” của Khánh Ly. Tận dụng ưu thế âm vực rộng hiếm có của giọng hát, Ánh Tuyết còn hát nhạc Trịnh ở cả ba cữ giọng soprano (nữ cao), mezzo – soprano (nữ trung) và alto (nữ trầm), tạo sự ngạc nhiên thú vị cho người nghe. Tôi đặc biệt thích hai sáng tác cuối đời đậm chất Thiền của Trinh Công Sơn là “Tiến thoái lưỡng nan” và “Đường xa vạn dặm” được Ánh Tuyết hát tự do, bỏ nhịp, không nhạc đệm. Có lẽ chị là người đầu tiên phát hiện ra rằng chỉ co hát không nhạc đệm, những thông điệp nhân sinh sâu sắc của Trinh Công Sơn trong hai ca khúc này mới có thể đến hết được với người nghe.

Nhập thần vào thế giới nhạc Trịnh một cách mê đắm và nghiêm cẩn, có lẽ Ánh Tuyết sẽ không dừng ở liveshow và bộ CD đầu tiên “Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn”. Với người ca sĩ ham tìm tòi sáng tạo này, chăc chắn chúng ta sẽ còn được tiếp tục thưởng thức những liveshow và CD nhạc Trịnh nhiều thú vị bất ngờ nữa…

(Đã in trên báo Văn hóa và tạp chí Văn hiến VN năm 2011)

 Nguyễn Thế Khoa

Video hay

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN