Được đánh giá là bộ óc thiên tài, chỉ thích giải những bài khó nhất nhưng ở Harvard, Bill Gates đã gặp những người giỏi toán hơn mình.
Cũng như Gates từng muốn hội nhập với bạn bè lúc ở trường Lakeside tại Seattle, anh cũng muốn hội nhập ở Harvard để tham gia cộng đồng sinh viên. Nhưng bản chất của anh không hợp với điều đó.
Mặc dù đã kết giao với anh chàng Ballmer hoạt bát, Gates là người rất đơn độc, chỉ giao du với một nhóm nhỏ bạn bè. Sự nhút nhát khiến anh sống tách biệt.
“Thầy đã sai, em sẽ chỉ cho thầy”
“Bill và Steve là hai thái cực” – Braitermen kể – “Bill thực sự không phải dạng người bặt thiệp. Anh ta không phải dạng người giao du rộng rãi. Tôi không có ý nói anh ta không bặt thiệp theo nghĩa không thân thiện với mọi người hay gì khác. Có điều anh ta rất kém hoạt bát. Steve thì hoạt bát”.
Ballmer không có quá trình đam mê máy tính hay kỹ thuật như Gates nhưng anh cũng say mê toán. Ballmer đang lấy bằng đại học về toán ứng dụng. Có lúc khi còn học trung học, Gates đã nghĩ đến chuyện trở thành nhà toán học. Đó là một trong nhiều khả năng nghề nghiệp.
Giờ đây, tại Harvard, anh đang suy nghĩ lại điều đó khi đánh giá những đối thủ của mình. Nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi học phần toán đại học trong năm thứ hai.
“Bill thường ngồi trong lớp, không một mảnh giấy, hai tay chống cằm”, lời kể của Henry Leitner, người học cùng môn toán với Gates trong phần lý thuyết tính.
“Trông anh ta chán nản, thế rồi sau nửa giờ nghiền ngẫm phần chứng minh trên bảng, Bill bỗng giơ tay và buột miệng: ‘Thầy đã sai, em sẽ chỉ cho thầy’. Rồi anh ta chỉ ra chỗ sai. Anh ta thường thách thức giảng viên. Dường như anh ta thích thú điều đó”.
Leitner, nay là một giảng viên cao cấp về khoa học máy tính tại Harvard, lúc ấy là sinh viên đại học. Anh và Gates thường ngồi cạnh nhau trong lớp và cộng tác giải các bài tập về nhà. Nhưng Leitner không sao thuyết phục được anh chàng Gates nhỏ tuổi giải những bài tập mà anh ta cho rằng phí thời gian. Gates chỉ thích đương đầu với những bài toán khó nhất.
“Tôi thường thắc mắc không biết mình làm sao học chung với anh chàng này” – Leitner kể – “Anh ta thường chỉ làm khoảng 20% bài tập. Nhưng chúng đáng để làm. Chỉ cần vài phút qua điện thoại, anh ta đã chỉ ra cho tôi cách giải đối với một bài toán phức tạp. Anh ta đúng là một tài năng”.
Ở Lakeside, Gates từng là học sinh giỏi nhất trường về toán. Ngay cả ở Harvard, anh vẫn là một trong những sinh viên giỏi toán nhưng không phải giỏi nhất. Anh đã gặp nhiều sinh viên giỏi toán hơn mình, trong đó có Fred Commoner, con trai của văn sĩ – khoa học gia Barry Commoner.
Nếu không giỏi nhất, việc gì phải đâm đầu vào?
Cuối cùng, Gates từ bỏ ý định trở thành nhà toán học. Nếu anh không thể trở thành người giỏi nhất, việc gì phải đâm đầu vào?
“Tôi đã gặp nhiều người ở khoa toán giỏi hơn mình rất nhiều về môn này” – Gates kể – “Điều đó đã làm thay đổi quan niệm của tôi về việc đi vào lĩnh vực toán. Ta vẫn có thể kiên trì trong lĩnh vực toán để thực hiện những cú đột phá bất ngờ, nhưng có lẽ tôi đã ngã lòng. Phải mất rất lâu tôi mới có thể làm được điều gì đó mang tầm cỡ thế giới”.
“Tôi buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện ấy: Này nhé, tôi sẽ phải ngồi trong phòng, nhìn bức tường suốt năm năm và cho dù tôi nghĩ ra điều gì đó, có ai hay biết. Chuyện ấy đã khiến tôi suy nghĩ liệu toán học có phải là thứ tôi muốn đi vào hay không, trong khi lại có quá nhiều sự lựa chọn.
Đầu óc tôi khá mở mang. Tôi nghĩ luật cũng hay. Tôi nghĩ tâm lý sinh lý học – nghiên cứu về não – cũng hay. Tôi nghĩ làm về trí tuệ nhân tạo cũng hay. Tôi nghĩ khoa học lý thuyết máy tính cũng hay. Tôi thực sự chưa nhắm vào một lĩnh vực nào cả”.
Gates đã có một đóng góp nhỏ đáng ghi nhận về toán học khi học ở Harvard nhưng không được nhiều người biết, ngoại trừ vài giáo sư của anh. Anh đã góp phần đề xuất lời giải cho một bài toán đố được đặt ra đã lâu. Chưa có ai nghĩ ra được một cách giải dứt khoát […].
Gates giải bài toán này (bài toán được gọi là “xếp bánh kếp” – pv) dưới sự giúp đỡ của giáo sư Christos Papadimitriou ở Harvard lúc ấy, người dạy môn khoa học máy tính.
Gates nhận thấy bài toán rất giống với loại thách đố mà anh gặp phải khi làm việc với một chương trình máy tính phức tạp mà anh phải thiết kế thuật giải để giải quyết một vấn đề cụ thể.
“Đây là bài toán đơn giản nhưng tỏ ra rất hóc búa” – Papadimitriou kể – “Bill đã tuyên bố có một cách giải hay hơn mọi người và tôi đã kiên nhẫn nghe lời giải thích dài và khéo léo của anh ta”.
Sau đó, Papadimitriou quyết định công bố cách giải của Bill, nó đã được đăng tải năm 1979 trong tạp chí Chuyên toán. Cú đột phá của Gates về bài toán đã tồn tại chơi vơi trong ngành này suốt mười mấy năm qua, theo lời Papadimitriou, hiện giảng dạy tại Đại học California ở San Diego.
Vị giáo sư này thỉnh thoảng lại đưa bài toán cho một số sinh viên của mình và bảo họ rằng nếu họ giải được, ông sẽ nghỉ việc để làm việc cho họ. “Đúng ra tôi đã làm việc với Bill”, ông nói.
Theo Zing