Trong 2 ngày tồn tại ngắn ngủi, công việc chính của nội các Dương Văn Minh oái oăm thay lại là vận động vị Tổng thống này đầu hàng.
Thay người vác cờ trắng
Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống, Trần Văn Hương lên thay. Trong khi quân giải phóng đang ngày đêm áp sát Sài Gòn thì trong chính trường Sài Gòn, các chính khách sa lông vẫn ảo tưởng và tranh giành nhau cái hư danh. Bên cạnh đó là những làn người chạy từ các tỉnh phía Bắc về cùng những làn người tháo chạy ra nước ngoài. Tất cả tạo nên một bức tranh Sài Gòn rối ren trong lúc giao thời.
Ngày 28/4, Tổng thống Trần Văn Hương bị buộc phải đọc diễn văn từ chức để trao quyền cho tướng Dương Văn Minh sau một phiên họp lưỡng viện đầy sóng gió. So với nhiều chính khách khác của Sài Gòn, Dương Văn Minh đại diện cho xu hướng hòa giải, thương lượng với quân Giải phóng để chấm dứt chiến tranh. Những cộng sự thân tín của Minh, có đến ba phần tư là những người đã quan hệ với Mặt trận Giải phóng hoặc là cán bộ cách mạng rồi. Đó là các ông như chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Diệp, Thẩm phán Triệu Quốc Mạnh…
Theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, từ khi đảo chính Diệm thành công, Dương Văn Minh đã ngỏ ý muốn thương lượng theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng để đi đến tuyển cử tự do, thành lập một chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam. Cũng chính vì lý do này, ông đã bị Mỹ hậu thuẫn cho Nguyễn Khánh lật đổ.
Với quan điểm như vậy nên vào những ngày đầu tháng 4/1975, Dương Văn Minh và nhóm của ông đã quyết tâm giành lấy quyền lực để kết thúc chiến tranh bằng các biện pháp: hoặc thương lượng hoặc bàn giao hoặc đầu hàng…
Trong hồi ký của dân biểu Lý Quí Chung – Tổng trưởng Thông tin trong nội các của Dương Văn Minh, ông này cho biết: Từ giữa tháng 4/1975, nhóm Dương Văn Minh đã quyết tâm ra nắm chính quyền với mục tiêu tìm mọi cách chấm dứt cuộc chiến, nếu cần phải cầm cờ trắng đầu hàng.
Điều này được củng cố thêm nữa khi Dương Văn Minh hỏi ý kiến Thượng tọa Thích Trí Quang. Trong cuốn sách Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4 của Nguyễn Hữu Thái, tác giả trích hồi ức của Thượng tọa Trí Quang nói rằng: “Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì một ngày mà có người ba lần đến vận động tôi đừng chống đối việc ông Dương Văn Minh đứng ra, vì chính quyền của ông ấy sẽ có bảy phần mười là người tiến bộ.
Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí Thủ nói, rằng chim cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp cứu. Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí Thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng!”
Hai lần tuyên bố trên đài Phát thanh
Số đông sách báo chỉ nói đến việc tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên sự thực là trong buổi sáng 30/4/1975, tiếng của ông Dương Văn Minh đã hai lần phát trên sóng phát thanh Sài Gòn. Lần đầu là do ông cho gọi nhân viên nhà đài đến Phủ Tổng thống thu âm còn lần sau là ông đến Đài để thu.
Theo tài liệu đã nói ở trên của Nguyễn Hữu Thái, vào sáng 30/4, khi quân Giải phóng áp sát và bịt kín mọi lối thoát ở Sài Gòn, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng Trung tướng Nguyễn Hữu Có đến Dinh hoa lan gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Tướng Hạnh nói: “Tình hình rất nguy ngập, xin Đại tướng quyết định gấp, chúng ta không thể trì hoãn, rất có hại”.
Ông Minh hỏi: “Bây giờ Toa muốn gì?”. Tướng Hạnh trả lời: “Chuyện chính trị Đại tướng giải quyết thế nào là quyền của mình, nhưng về quân sự thì phải giải quyết gấp, tình hình nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa”. Ông Minh suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi để tôi bàn thêm với ông Huyền và ông Mẫu, các toa ngồi đây đợi”.
Sau đó họ cùng đến Phủ Thủ tướng để gặp ông Huyền (Phó Tổng thống) và ông Mẫu (Thủ tướng). Hồi ký của ông Lý Quí Chung cho biết ông Minh đã nói: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho chính phủ Cách mạng lâm thời”.
Sau đó, ông Minh nói với các thành viên tân nội các: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi, hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín vẫn còn đậu ở cảng”.
Lúc 9h sáng hôm đó, Dương Văn Minh cho gọi nhân viên đài phát thanh đến thu âm bản tuyên bố ngừng bắn. Vào lúc 9h30, bản thu âm này đã được phát đi phát lại trên đài phát thanh Sài Gòn. Nội dung của nó như sau: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Sài Gòn hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ CMLTCHMNVN ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Cùng với tuyên bố của Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng thay mặt Tổng tham mưu trưởng thảo một nhật lệnh yêu cầu tướng tá và binh sĩ chế độ Sài Gòn thi hành lệnh của Tổng thống ngay tức khắc.
Ghi âm xong ông Minh cùng một số thành phần Nội các về Phủ Tổng thống và khoảng 1 giờ sau thì xe tăng quân Giải phóng tiến vào đánh dấu thời khắc cuối cùng của cuộc chiến như mọi người đã biết.
Khánh Nam
Theo Kienthuc