Đông đảo các thầy thuốc của chúng ta đang ở tuyến đầu của cuộc chống dịch Covid-19 với những nỗ lực vượt quá sức của một người bình thường. Rất nhiều người phải làm việc và ăn ở tại bệnh viện hoặc trạm y tế dã chiến nhiều tháng liền với điều kiện sống kham khổ, mặc đồ bảo hộ 24/24, nhiều người thậm chí không thể đi vệ sinh mà phải dùng tả lót như em bé, không ít người cơ thể bị lở loét do bị trùm kín quá lâu, tình trạng thân thể các thầy thuốc không được bảo vệ để nhiễm bệnh và tình trạng kiệt sức dẫn đến tử vong không còn là cá biệt. Dân chúng yêu thương họ, truyền thông ca ngợi họ, chính phủ tặng bằng khen cho họ. Họ mặc nhiên trở thành những chiến sĩ quên mình vì nghĩa lớn, trở thành những người hùng, thành những hình ảnh đẹp.
Dù các thầy thuốc mang Lời thề Hippocrates khi trị bệnh cứu người, nhưng họ cũng là những con người bình thường như chúng ta. Họ cũng có cha mẹ vợ chồng con cái như chúng ta, họ cũng cần những nhu cầu sống và sinh hoạt như chúng ta, họ cũng cần những điều kiện làm việc bình thường như chúng ta. Nhưng đùng một cái, họ trở nên cao cả hơn bình thường, được chúng ta yêu thương tôn vinh ca ngợi hơn bình thường.
Đây có phải là phần thưởng tinh thần mà nhà nước và “cộng đồng” đang dành cho họ không ? Nhất định không. Lời thề Hippocrates đối với các thầy thuốc không phải là gánh nặng, đó là sự lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng sự yêu thương tôn vinh ca ngợi đột biến mà chúng ta dành cho họ mới là một gánh nặng quá sức. Chúng ta không coi họ là những người bình thường, chúng ta muốn họ phải ở vị trí “tuyến đầu”, họ phải mặc đồ bảo hộ 24/24 bất chấp cơ thể họ lở loét hay không, bất chấp họ có bị nhiễm bệnh bị kiệt sức bị tử vong hay không. Nhìn cảnh họ sống và làm việc ngày đêm trùm kín không như con người, nhìn cảnh họ kiệt sức chúng ta than khóc, nhưng nếu như họ rời khỏi vị trí “người hùng” đó để trở về làm người bình thường như chúng ta thì lập tức nhiều kẻ trong chúng ta coi họ là những tội đồ.
Chúng ta đề nghị nhà nước tặng bằng khen tặng huân chương phong anh hùng cho họ nhưng chúng ta không hề nghĩ lý do tại làm sao họ bị buộc phải mang một gánh nặng quá sức tưởng tượng như vậy. Chúng ta không hề nghĩ rằng nếu không có cuộc chống dịch cực đoan bất khả thi khiến cho hệ thống y tế của chúng ta bị quá tải như thế này thì các thầy thuốc của chúng ta vẫn hành nghề theo Lời thề Hippocrates nhưng vẫn được quyền sinh sống như những người bình thường chúng ta.
Các thầy thuốc của chúng ta mang một gánh nặng quá sức, không phải do Covid-19 đâu, mà do nhà nước của chúng ta giành độc quyền chữa trị Covid-19, rồi dồn hết gánh nặng độc quyền đó cho các thầy thuốc của chúng ta trong hệ thống y tế công. Đã có bằng chứng hơn 80% số người nhiễm dịch dương tính đối với virus Covid-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không cần điều trị hoặc chỉ điều trị bằng thuốc men thông thường thì khỏi, nhưng tất cả đều dồn vào các cơ sở y tế của nhà nước khiến cho hệ thống này quá tải, cho đến gần đây một số địa phương mới cho phép những người này điều trị tại nhà. Nếu cho phép sớm hơn thì hệ thống y tế của chúng ta không đến nỗi quá tải khủng khiếp như thế này.
Nhà nước không cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 cũng là nguyên nhân gây quá tải cho các cơ sở y tế công. Vì vướng luật. Luật quy định bệnh truyền nhiễm điều trị miễn phí, còn tư nhân thì làm sao điều trị miễn phí được. Sự vướng luật không hề khó xử lý, chỉ cần nhà nước chi trả tiền điều trị cho cơ sở y tế tư là xong, nhưng việc giảm tải này không ai nghĩ tới. Và cho đến hôm qua, 8/9, Chủ tịch UBND TPHCM mới ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị và đề xuất việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Đề xuất này trước đó đã được thành phố gửi đến Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Chưa biết đến bao giờ kiến nghị này mới được xử lý để cho các thầy thuốc của chúng ta đỡ bớt gánh nặng.
Do các thầy thuốc trong hệ thống công cũng là người như chúng ta, họ cũng cần được sống bình thường như chúng ta, cần chăm sóc cha mẹ vợ con như chúng ta, nên nhiều người không còn khả năng chịu đựng. Một số xin nghỉ việc, nhưng các địa phương thì không cho, một số thầy thuốc phải bỏ việc để có thể sống bình thường. Và Bộ Y tế đã ra một công văn thất đức, yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nếu thầy thuốc tự ý bỏ việc (Công văn 7330/BYT-KCB, ngày 4-9). Đừng nói chỉ có tự ý bỏ việc mới bị tước thẻ hành nghề, còn nghỉ việc được chấp nhận thì không. Chẳng địa phương nào đồng ý cho các thầy thuốc nghỉ việc cả, không chịu đựng nổi thì phải tự ý bỏ việc thôi.
Vậy là các người hùng của chúng ta vẫn phải tiếp tục làm người hùng cho đến khi kiệt sức để được than khóc. Ai không đủ sức tiếp tục làm người hùng nữa thì bị tước luôn quyền được sinh sống suốt đời.
Các thầy thuốc của chúng ta không cần được tôn vinh ca ngợi thương xót. Các thầy thuốc của chúng ta cần được sống bình thường như mọi người chúng ta. Nhưng họ không thể trở về cuộc sống bình thường như một con người được nữa, mọi người có biết không ? Trời xanh có biết không ?
HOÀNG HẢI VÂN