Âu lo Mo Mường

9:24 | 04/01/2023

Hồ sơ quốc gia Mo Mường phải hoàn thành trong năm 2022 để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, do tiến độ xây dựng hồ sơ chậm trễ, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ không đạt được.


Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, hồ sơ quốc gia Mo Mường phải hoàn thành trong năm 2022 để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, do tiến độ xây dựng hồ sơ chậm trễ, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ không đạt được.

“Bộ bách khoa thư dân gian” của người Mường

Nói đến văn hóa dân gian của người Mường, không thể không kể đến Mo. Với khối lượng đồ sộ 115 roóng mo và hơn 44.000 câu thơ, Mo được ví như “bộ bách khoa thư dân gian” của người Mường; những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật… được tích hợp trong Mo vô cùng phong phú. Người Mường thực hành Mo trong 23 nghi lễ: Tết Nguyên đán, lễ Thanh minh, lễ cưới, lễ tế thành hoàng… Trong số đó, Mo lễ tang chứa đựng trong nó đầy đủ nhất những giá trị của loại hình di sản văn hóa này.

Theo nhà sưu tầm Bùi Thiện, một nghi lễ Mo đầy đủ, người Mường phải thực hành trong 23 ngày liên tục. Đặc biệt là, với khối lượng khổng lồ như vậy nhưng các ông mo diễn xướng hoàn toàn theo trí nhớ mà không cần dùng đến sách vở. Bao đời qua, lời Mo chỉ được truyền dạy theo lối truyền khẩu gắn liền với con người thực hành Mo và lưu giữ trong dân gian – đây là sự độc đáo mà ít dân tộc nào bảo tồn được.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh (bên trái) và nghệ nhân Bùi Văn Hải thực hiện nghi lễ Mo.

Mặc dù là một nghi lễ chứa đựng trong nó “đậm đặc” giá trị văn hóa Mường, nhưng những chuyển biến trong đời sống đã tác động không nhỏ đến sự biến đổi của Mo. Đã có thời gian dài, Mo bị coi là hủ tục lạc hậu, bị cấm đoán, nghi lễ mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong Mo bị mai một. Việc thực hành nghi lễ Mo ngày nay đã đơn giản hóa, rút gọn cũng đã khiến Mo tang ma của đồng bào Mường ít có cơ hội được bảo lưu và thực hành.

Theo Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, sự giản lược Mo, một mặt đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần người Mường, nhưng mặt khác cũng làm phai nhạt nhiều giá trị văn hóa Mường truyền thống được bảo lưu trong quá trình hành lễ Mo.

“Sự thiếu vắng một số lễ thức như Mo kể chuyện và các điệu múa kiếm, múa quạt, múa cờ trong quá trình diễn xướng Mo không chỉ làm mai một dần những triết lý sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh mà còn làm nghèo đi vốn văn học và vũ đạo dân gian Mường”, ông Bùi Huy Vọng đánh giá.

Bên cạnh xu hướng giản lược lễ thức và phai nhạt giá trị truyền thống thì một xu hướng khác cũng nổi lên gần đây là sự phục hồi một số hủ tục và thương mại hóa trong tổ chức thực hành Mo. Hiện nay có tình trạng tự xưng mo, xưng mỡi (đồng cốt), thật có, giả có. Nhiều “thầy mo đời mới” không thuộc lời mo nguyên gốc mà “chế” lại hoặc đọc sai lời làm biến dạng Mo. Chưa kể, nhiều ông mo vì đồng tiền đã nghĩ ra nhiều nghi thức quái lạ, mê tín hóa, không đúng với Mo để trục lợi.

Trước đây, các ông mo ghi nhớ hàng vạn câu Mo bằng trí nhớ nhưng gần đây, một số người đã dùng chữ quốc ngữ để ghi nội dung lời Mo, điều này khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc xuất hiện những ông mo đọc lời Mo bằng văn bản “giống như thầy cúng người Việt”.

Mo Mường được tái hiện tại lễ hội Khai Hạ Mường Bi, tỉnh Hoà Bình năm 2020.

Đáng nói là trong những năm gần đây, số lượng người làm Mo đang già hóa và giảm dần. Theo bà Vũ Thanh Lịch – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh hiện chỉ còn 12 ông mo biết và có thể thực hành Mo. Còn tại Hà Nội cũng chỉ còn 7 ông mo còn đang thực hành Mo thường xuyên. Riêng tỉnh Hòa Bình, nơi người Mường chiếm trên 63% dân số, cũng chỉ còn khoảng 200 thầy mo uy tín về thực hành di sản này.

“Các nghi lễ Mo tang ma tại Ninh Bình đã mai một khoảng trên 20 năm nay, nhiều thầy từ lâu không còn được “mo” nữa do người Mường không còn duy trì phong tục cúng như xưa. Bên cạnh đó, sự ra đi của các ông mo lớn tuổi mà chưa có “truyền nhân” đã khiến các bản Mo không được lưu giữ. Việc truyền dạy Mo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, luật tục, tâm linh khiến số người nắm giữ ngày càng ít”, bà Vũ Thanh Lịch nói.

Ngày Mo Mường được công nhận – kỳ vọng mong manh

Đứng trước nguy cơ bị mai một, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. 7 tỉnh, thành phố cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắk Lắk.

Ông mo thường là người có uy tín và rất được tôn trọng trong cộng đồng người Mường
Theo kế hoạch, di sản Mo Mường dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nộp hồ sơ tới UNESCO vào năm 2023, phấn đấu được ghi danh vào năm 2025. Về tiến độ cụ thể, các tỉnh phải hoàn thành hồ sơ vào tháng 12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định xong trước ngày 31/1/2023 và nộp hồ sơ cho UNESCO trước ngày 31/3/2023.

Để thực hiện xây dựng bộ hồ sơ Mo Mường, các tỉnh phải tổ chức kiểm kê, thu thập bản cam kết của cộng đồng nắm giữ di sản; tiến hành sưu tầm, tư liệu hóa các nghi lễ Mo Mường. Ngoài ra, theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa, cùng với làm hồ sơ UNESCO, các tỉnh còn phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Mo Mường của tỉnh là Di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12/2022. Đây là khối lượng công việc không nhỏ, thêm vào đó, có nhiều khó khăn khác đã khiến tiến độ xây dựng hồ sơ khá chậm.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Hòa Bình, việc tư liệu hóa các nghi lễ Mo Mường khó hơn nhiều so với các di sản khác như hát xoan hay xòe Thái, bởi không gian diễn xướng Mo Mường phải gắn liền với đám tang ở nhà sàn truyền thống. Trong khi đó, để có được không gian này không dễ do phần lớn đồng bào đã chuyển sang ở nhà xây và hơn nữa không phải ai cũng sẵn lòng cho quay phim, chụp ảnh nơi thiêng liêng của gia đình mình.

Mặt khác, không phải tiến độ xây dựng hồ sơ ở tỉnh nào cũng như nhau, nếu có địa phương làm chậm thì nơi làm nhanh cũng vẫn phải… chờ. Thế nhưng, có tỉnh đến quý IV năm 2022 vẫn chưa bố trí được kinh phí cho công việc này.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh thực hành nghi lễ Mo tại nhà sàn truyền thống của người Mường

Hồi tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã lưu ý việc xây dựng hồ sơ Mo Mường triển khai chậm. Tuy nhiên, sau đó tiến độ triển khai vẫn chưa có sự bứt phá đáng kể nào. Hiện mới chỉ có tỉnh Hòa Bình đã có trong tay quyết định công nhận Mo Mường là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia (từ năm 2016). Cho nên, việc chạy đua về tiến độ của các tỉnh còn lại để đạt mục tiêu này trong năm 2022 gần như là bất khả thi.

Do các tỉnh quá khó khăn để đảm bảo tiến độ xây dựng hồ sơ Mo Mường, đơn vị chủ trì là tỉnh Hòa Bình và đơn vị tư vấn là Viện Âm nhạc đang tính đến việc lùi lại kế hoạch đã định. Đánh giá về việc này, một số chuyên gia cho rằng, đây là điều đáng tiếc, tuy nhiên, việc “chậm lại một nhịp” để đảm bảo chất lượng hồ sơ, thay vì làm nhanh mà hồ sơ bị chỉnh sửa nhiều hoặc không đạt yêu cầu cũng là vấn đề nên được đưa ra cân nhắc.

T.Toàn

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/au-lo-mo-muong-post229128.html

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024