Án lệ Covid

12:54 | 31/03/2020

Cố tình đi tiếp qua một người vừa bị mình tông, dù không biết họ còn sống hay đã chết, có phải là “Giết người” không? Câu hỏi tưởng rất dễ trả lời này hóa ra đã cần đến rất nhiều nỗ lực của xã hội.


Vào tháng 10 năm ngoái, một Thứ trưởng Bộ Công an đã phải than với Quốc hội rằng đang có “khoảng trống” trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, vận chuyển trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Đó là những loại vũ khí như súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải… có tính sát thương cao thường được tội phạm sử dụng  xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người nhưng lại “ngoài tầm xử lý của pháp luật”. Đây không phải lần đầu pháp luật hình sự Việt Nam có những “điểm mờ”.

Khi tôi còn học Đại học Luật, trong giờ học luật hình sự, chúng tôi đã thắc mắc với thầy giáo về việc tại sao ở Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định 2 tội: Tội mua bán phụ nữ và Tội mua bán trẻ em? Như vậy, việc mua bán nam giới trên 16 tuổi không bị xử lý hình sự.

Thời điểm đó, các cơ quan chức năng cũng rất lúng túng khi xác định tội danh cho hành vi này và thường xử lý theo tội Tổ chức cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc Ở lại nước ngoài trái phép. Nhưng giải quyết ra sao nếu một nam giới thành niên bị bán cho một chủ mỏ vàng lậu tại Quảng Nam?

Pháp luật bó tay không chỉ do thiếu luật. Có thể nói hệ thống pháp luật Việt Nam được đánh giá là “phức tạp bậc nhất thế giới”. Tuy nhiên không thể có một hệ thống pháp luật nào có thể bao quát mọi quan hệ phát sinh trong xã hội. Do vậy, ngoài các quy định của pháp luật, có thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật (trong luật dân sự) hay án lệ.

Hôm 30/3, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành một công văn hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản này có nhiều hướng dẫn mới trong đó có việc hướng dẫn về việc xử lý hình sự người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng trốn khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa gây thiệt hại từ 100 triệu đồng…

Hiểu theo nghĩa rộng, có thể gọi đây là “án lệ”. Theo nghĩa rộng, “án lệ” là bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự. Nói cách khác, án lệ là việc làm luật của tòa án khi công nhận và áp dụng các quy tắc mới trong quá trình xét xử.

Án lệ là sự bồi lấp những khiếm khuyết của pháp luật thông qua hoạt động xét xử thực tiễn.

“Án lệ” manh nha từ năm 2005 trong một nghị quyết của Bộ Chính trị với nội dung, TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, “phát triển án lệ”. Tuy nhiên, khi án lệ được chính thức nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2010, đề xuất này đã bị “đánh tơi tả” vì làm giảm sút quyền lực cơ quan tư pháp, pháp luật thay đổi nhanh, trình độ thẩm phán hay thậm chí là “các nước Đông Âu đã không thành công khi dung nạp án lệ”…

Phải đến năm 2015, án lệ được nhắc đầu tiên trong một văn bản pháp luật là Luật Tổ chức Tòa án. Cùng năm, án lệ được chính thức công nhận bởi Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo Nghị quyết này thì án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Nhưng trước đó, án lệ đã tồn tại không chính thức qua hình thức những bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán do TAND tối cao xuất bản hay xa xưa nữa là Báo cáo tổng kết năm của TAND tối cao. Hẳn bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Xin thưa, báo cáo này luôn có phần giải đáp cho tòa án cấp dưới, một dạng hướng dẫn nghiệp vụ gần như có tính bắt buộc.

Trở lại án lệ mà tôi đưa ra ở đầu bài. Trong vụ án này, bị cáo thừa nhận lái xe ô tô đè qua đầu nạn nhân, nhưng nại lý do luống cuống nên cài nhầm số, lẽ ra lùi xe, thì lại thành cho xe đi thẳng và “bị cáo không muốn nạn nhân chết”. Cả bị cáo lẫn cơ quan công tố cấp huyện đều cho rằng hành vi phạm tội này chỉ phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chứ không phạm tội “Giết người”.

Cơ quan xét xử cho rằng đáng lẽ giữ nguyên hiện trường, tìm cách đưa nạn nhận ra để cấp cứu thì tài xế tiếp tục cho xe chạy qua người nạn nhân gây ra cái chết. Đây là tội “Giết người”. “Bị cáo có đầy đủ năng lực nhận thức việc cho xe ô tô đi tiếp là rất nguy hiểm cho tính mạng của nạn nhân nằm dưới xe ô tô như nhiều lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra vụ án”.

Theo dư luận, có một thứ “luật ngầm” trong giới tài xế: Nếu nạn nhân nằm viện, bị tàn tật, tài xế phải chịu trách nhiệm trợ cấp cả đời, nếu nạn nhân chết số tiền bồi thường chỉ giới hạn. Nhưng từ nay, những tài xế cố tình cướp đoạt mạng sống của nạn nhân vụ tai nạn giao thông để “thà đền tiền một lần” sẽ chịu mức phạt nghiêm minh với tội danh “Giết người”.

Trong tiến trình cải cách tư pháp lấy tòa án làm trung tâm, đã có 430.706 bản án được công bố trên trang thông tin điện tử của TAND tối cao, 37 án lệ được thông qua nhằm hướng dẫn các cấp xét xử khi có “vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự” thì “phải được giải quyết như nhau”.

Hay nói cách khác, bằng việc áp dụng án lệ, một phán quyết của tòa án ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể, còn thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này. Nó tạo ra sự bình đẳng trong xét xử các vụ án giống nhau (mà không có trong luật thành văn). Áp dụng án lệ giúp tiết kiệm công sức của các thẩm phán và các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng cũng như yêu cầu các quan tòa “chịu khó” học hỏi, tìm hiểu. Xây dựng án lệ cũng đồng nghĩa với việc tòa án đang góp phần hoàn thiện và phát triển luật thành văn trong tương lai.

Quan trọng như vậy nhưng trong dự thảo báo cáo tổng kết năm 2019 của ngành tòa án, vấn đề án lệ được nhắc đến vỏn vẹn 167 chữ trong 14.462 chữ. Trong đó cho biết đã có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn án lệ. “Vận hành có hiệu quả Trang tin về án lệ với nhiều nội dung phong phú thu hút được sự tham gia góp ý, bình luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học với hơn 720.000 lượt truy cập”.

Trong khi thực tế, còn nhiều tâm tư của các vị cầm cân nảy mực về việc áp dụng án lệ trong thực tiễn: Không áp dụng thì khả năng án bị hủy là cao; mà áp dụng sai thì cũng dẫn đến hủy án và khả năng tái bổ nhiệm thấp. Thêm nữa, nhiều nhà khoa học cũng đang băn khoăn về thẩm quyền giải thích pháp luật của TAND tối cao. Hiến pháp chưa ghi nhận thẩm quyền này. Trong khi đó, việc tạo lập án lệ nói chung, án lệ hình sự nói riêng luôn hàm chứa việc giải thích pháp luật.

Án lệ là khoa học, là văn minh nhưng nếu các điều kiện kèm theo không vận hành kịp thì có khi án lệ chỉ là để lấy lệ.

 

Theo VNE

Video hay

Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”