“Đấu trí” là phim thuộc dòng chính luận, do Nguyễn Danh Dũng đạo diễn, khai thác những đại án tham nhũng, tiêu cực gây rúng động dư luận thời gian qua
“Đấu trí” được phát sóng vào lúc 21 giờ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần trên VTV1, bắt đầu từ ngày 18-7. Những yếu tố thời sự đã tạo sức hút ngay từ đầu cho phim.
Chờ đợi cao trào
Trong những tập đầu, phim tập trung khai thác quanh việc đại tá Trần Giang (NSND Trung Anh đóng) – Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cùng cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ sai phạm của Công ty Khải Tuấn trong việc đẩy giá sinh phẩm kit test lên cao.
Cảnh trong phim “Đấu trí”. (Ảnh chụp từ màn hình)
Tuấn với biệt danh Tuấn “nháy” (Doãn Quốc Đam) – Giám đốc Công ty Khải Tuấn, liên tục đi CDC (trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) khắp các tỉnh, thành để chốt hợp đồng cung cấp sinh phẩm kit test. Để công việc thuận lợi, Tuấn “nháy” vung tiền gửi tặng các giám đốc CDC dưới nhiều hình thức như tặng tủ lạnh đầy tiền, hộp rượu bên trong đầy tiền… Tuấn “nháy” trở thành đối tượng mà Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tập trung điều tra ở nhiều khía cạnh. Song song với cuộc điều tra, những lát cắt đời sống sinh hoạt của Tuấn “nháy” và của các chiến sĩ cảnh sát trẻ cũng được đề cập để giảm sự khô khan cho phim.
Nhiều ý kiến khán giả khen phim đi thẳng vào vấn đề ngay từ tập đầu, không lòng vòng quanh co như các phim điều tra khác. Việc hối lộ và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các CDC được đề cập một cách thẳng thắn. Song vẫn có khán giả chưa hài lòng cho rằng những tập đầu của phim nặng tính minh họa những gì công chúng đã biết.
Với những người theo dõi đại án thì chưa tìm được sự hấp dẫn và chờ đợi cao trào những tập tiếp theo. Họ cũng cho rằng mạch phim quá nhanh, phía cơ quan điều tra trót lọt, dễ dàng, chưa có những giằng co đúng nghĩa “đấu trí”. Nhân vật Tuấn “nháy” gây khó chịu cho khán giả vì nháy mắt quá nhiều mỗi khi xuất hiện.
“Phim khai thác vùng cấm nhưng có cảm giác không bị gò bó hay sợ đụng chạm, nhà làm phim dám nhìn thẳng, nhìn thật vào thực tế và đưa lên màn ảnh nhỏ rất khéo. Đây là đại án dây dưa nhiều, mạng lưới rộng nên tôi nghĩ nghiệp vụ điều tra, đấu đá, thủ đoạn sẽ dần lộ diện ở các tập tiếp theo, phải đi tuần tự từng bước để không bị lộ” – nhà báo Văn Tuấn nhận xét.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng phim làm kịp thời, nắm bắt thời sự, diễn viên diễn xuất tốt nhưng qua những tập đầu thấy nội dung còn hời hợt, nặng minh họa nên chưa hấp dẫn nhiều. Việc họp hành, lãnh đạo chỉ đạo nhiều cũng gây nhàm chán cho người xem.
Vun đắp niềm tin
“Đấu trí” gây tò mò bởi nội dung phim lấy cảm hứng từ các đại án tham nhũng gây chấn động công luận và vẫn chưa kết thúc quá trình điều tra.
“Khán giả cần những phim khai thác đề tài thời sự như “Đấu trí” nhưng họ muốn được giải đáp những câu hỏi sau khi đã xem nhiều tình tiết về vụ án thật trên các phương tiện truyền thông như sự móc nối, hối lộ như thế nào? Những thủ đoạn qua mặt các cơ quan quản lý để thực hiện hành vi phạm tội? Sự lỏng lẻo ở khâu nào?… Đây là thử thách không dễ dàng với nhà làm phim” – nhà báo Cát Vũ nhận định.
Nhà báo – nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long đồng quan điểm, cho rằng những phim truyền hình mang tính thời sự như “Đấu trí” là cần thiết, tăng sự phong phú cho “món ăn tinh thần” của khán giả. Tuy nhiên, việc giữ sức hấp dẫn cho phim là thử thách không dễ với ê-kíp thực hiện.
Theo ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), “Đấu trí” là thách thức với ê-kíp làm phim vì phải sáng tạo, đi sâu phân tích tâm lý tội phạm. Phim mở đầu bằng một vụ việc chống tham nhũng mà mọi người đã biết rõ trên báo chí, đoàn phim phải thu hút khán giả bằng sự sáng tạo, diễn xuất.
Làm thế nào để phim không bị khô cứng, chỉ có thông tin báo chí mà phải nói về thân phận con người, kể cả những người bảo vệ luật pháp hay những người trong vòng lao lý. Tất cả đều có tâm tư, uẩn khúc, lý do vì sao họ làm như vậy và việc khắc họa thế nào để khán giả hiểu rõ không phải là điều dễ dàng.
Khán giả và người trong giới đặt nhiều kỳ vọng vào “Đấu trí” với mong muốn sẽ có nhiều phim khai thác đề tài thời sự, đề cập thẳng thắn những vấn đề nóng như tham nhũng ra mắt khán giả kịp thời như thế.
Trước đây, những phim lấy cảm hứng từ các vụ án cũng có nhưng đa phần được phản ánh ở thời điểm khá xa sau đó. Bởi nhà biên kịch còn phải chờ phía nhà sản xuất và nhà đài đồng ý đầu tư rồi theo tiến trình sản xuất mất thêm khoảng thời gian khá lâu. Vì thế, các phim này đều trở thành “món nguội” khi đến với khán giả. Một “món nóng” kết hợp đầy đủ sự sâu sắc về kịch bản, diễn xuất, sự đầu tư bối cảnh chắc chắn sẽ góp phần giúp phim truyền hình phát triển, vun đắp niềm tin nơi khán giả.
Theo các nhà chuyên môn, phim truyền hình không phải là dạng phim tài liệu mà cần có các tình tiết sáng tạo, hư cấu, mang đến sự mượt mà, cuốn hút trong câu chuyện, thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. Có như thế, phim mới đủ khả năng chinh phục hoàn toàn khán giả, giảm ý kiến trái chiều, mở đường cho các phim truyền hình khai thác đề tài nóng, thời sự một cách nhanh chóng, kịp thời cũng như tránh tình trạng phim làm nhanh, làm vội, kịch bản thiếu chiều sâu, chỉ tạo được tò mò ban đầu.
MINH KHUÊ
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/dau-tri-thu-hut-khan-gia-2022072220592348.htm