Trong đời mình, tôi vẫn luôn nhớ và tự nhắc sẽ phải viết đôi điều về chị- người mà tôi từng chịu ơn trong suốt bốn năm theo học Văn khoa Tổng hợp Hà Nội ngày ấy (1975-1979) và cả sau này trong những khốn khó của đời mình từng được chị góp phần “ giải cứu” như một đứa em trong gia đình! Chị chính là nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng Như Tâm – người đẹp một thuở – được mệnh danh là “Giai nhân khoa Ngữ Văn “ khoá 20 của chúng tôi ngày ấy!
Vốn là một nữ sinh Trường Múa Việt nam, ngay sau khi tốt nghiệp năm 1968, chị đã cùng nhiều bạn bè tuổi đôi mươi rời thủ đô vào phục vụ chiến trường miền Đông Nam bộ trong Đoàn Văn công Quân Giải phóng những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất, bỏ lại phía sau cả mối tình mộng mơ dang dở ngày ấy, giờ vẫn còn day dứt, xót xa trong mỗi câu thơ mà suốt bốn mươi năm qua nhiều bạn đọc từng thổn thức, đẫm lệ khi đọc bài thơ “Nghĩ lại về Pauxtopxki” của nhà thơ Bằng Việt viết năm 1969. Ít ai biết người được anh viết tặng bài thơ nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thơ truyền tay đó chính là nữ nghệ sĩ múa Như Tâm!
Trong một cuộc” trà dư tửu hậu “mới đây với nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, nhà báo Đỗ Quang Hạnh, hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, hoạ sĩ Lê Thiết Cương tại LACA quán, tình cờ có cả nhà thơ Bằng Việt tụ họp nhân anh sắp xuất bản tập thơ kỷ niệm nửa thế kỷ làm thơ của mình mang tên “Hoa tường vi”. Tôi sực nhớ và kể cho nhà thơ Bằng Việt một kỷ niệm nhỏ về bài thơ “Nghĩ lại về Pauxtopxki” mà có lần tôi từng đọc trong cuốn sổ tay của chị Như Tâm.
Một thoáng chút ngậm ngùi và xót xa, nhà thơ Bằng Việt gật đầu công nhận: hình bóng Nàng Thơ trong những “rung động đầu đời “ của anh chính là nữ nghệ sĩ múa xinh đẹp ấy. Vốn là một chàng sinh viên Luật khoa còn thấm đẫm văn hoá Nga với những câu chuyện lãng mạn đẹp như mơ của Pauxtopxki vừa du học về nước, nhà thơ Bằng Việt kể lại rằng chính anh cũng từng trải nghiệm bao cảm xúc đẹp, nên thơ với cô nữ sinh xinh đẹp Trường múa Việt Nam ở miền quê nơi sơ tán vùng trung du.
Rồi khi tốt nghiệp năm 1968, chị Như Tâm “khoá áo lính” vào chiến trường, nhà thơ Bằng Việt bảo tôi rằng, không hiểu duyên cớ làm sao mà anh cứ sớm có linh cảm về một cuộc “chia tay” mối tình đầy mong manh lãng mạn này khi nghe tin về cái chết của nhà văn Pautopxki (năm 1968) chính vào thời khắc xa nhau cách đây đúng 50 năm trước!
“Bặt vô âm tín“ không thể liên lạc được giữa hai người đằng đẵng suốt bảy, tám năm xa nhau trong tháng ngày còn chiến tranh, khi họ gặp mặt lại ở Hà Nội lúc đất nước được yên bình thì cả hai người đều đã “yên bề gia thất” với hạnh phúc gia đình riêng. Cả lớp Văn khoá 20 bọn tôi đều nhớ anh Vân chồng chị Như Tâm là một sĩ quan kỹ thuật tài năng mới tu nghiệp ở nước ngoài về, yêu thương vợ con nhất mực với nụ cười thật hiền hậu trên gương mặt mà cánh trẻ đều ngưỡng mộ mỗi lần chị mời anh đến dự họp lớp liên hoan ngày ấy!
Vào khoảng năm 1977, đã là năm thứ ba của khoá 20 Tổng hợp Văn, một bận tôi được chính chị Như Tâm xúc động cho xem bản chép lại bài thơ “Nghĩ lại về Pauxtopxki” rất nổi tiếng đang lưu truyền trong giới sinh viên Văn khoa thuở đó do chính nhà thơ Bằng Việt chép tặng chị với cái tên anh Bằng (tên thật của nhà thơ Bằng Việt) như một chút “‘lưu luyến “ làm tin giữa những người “tri kỷ tri âm” thời thanh xuân. Đến lúc ấy lần đầu tiên, chị mới được đọc trọn vẹn bài thơ do nhà thơ Bằng Việt viết tặng chị gần 10 năm trước…
Tôi nhớ đôi lần tình cờ gặp gỡ ở nhà cụ Văn Tâm nhân những lúc có cuộc đàm đạo về văn chương thế sự giữa các bậc cha chú như giáo sư Trần Quốc Vượng, họa sĩ Phan Kế Hoành, nhà văn Tô Hoài, hoạ sĩ Trọng Kiệm… cô Cam vợ thầy Văn Tâm thường hay kêu chị Như Tâm đến trợ giúp tiếp khách! Và một lần, bỗng dưng hoạ sĩ Trọng Kiệm dường như quá ấn tượng trước khuôn mặt rạng rỡ đằm thắm với một nụ cười, một đôi mắt yêu kiều đầy nét Hà nội xưa thanh lịch của chị Như Tâm lúc ấy, đã ngỏ ý với cụ Văn Tâm xin được vẽ chân dung chị.
Lúc ấy đã vào dịp cuối năm 1978, đám sinh viên Văn khoa bọn tôi bắt đầu chia nhóm để viết luận văn! Tôi và chị Như Tâm chọn làm đề tài Văn học Phương Tây cùng nhóm! Chị được thầy Đỗ Đức Hiểu Phó chủ nhiệm khoa hướng dẫn đề tài và tôi được cô Lê Hồng Sâm là người hướng dẫn. Ngoài các buổi sáng lên lớp, một tuần chị Như Tâm chỉ còn hai buổi chiều nhận lời đến nhà cụ Văn Tâm ngồi làm mẫu vẽ cho hoạ sĩ Trọng Kiệm!
Dạo ấy, chị đang ở chung với mẹ chồng ở phố Hàng Than ,bà cụ là người rất phúc hậu và thương cảm con dâu nuôi con vất vả xa chồng. Để cho cụ yên tâm tránh mọi chuyện điều tiếng về mình, mỗi bận đi đâu chị đều đèo theo con gái đi cùng ,kể cả ra thư viện hay đi chợ búa cho mẹ chồng yên tâm!
Tôi được chị thân quý và coi như một đứa em trong gia đình bởi hoàn cảnh neo đơn, sớm thiếu vắng cha ngay từ bé giống chị xa gia đình và mẹ cha từ rất sớm! Ngay cả sau này, khi tôi lâm vào tình cảnh bế tắc bị đình chỉ làm luận văn tốt nghiệp mất mấy tháng, chính chị là người luôn động viên và báo tin cho tôi biết khi có lệnh “giải toả” lúc tôi còn đang lang thang lận đận đâu đấy.
Tôi luôn hàm ơn chị cả những kiến thức lý luận văn chương mới mẻ, nhân văn mình thu lượm được qua hàng chồng sách quý dịch của Phương Tây mà hai chị em thường đến nhà cụ Trần Độ – thủ trưởng cũ ở chiến trường Nam Bộ của chị – mượn hàng tuần mang về “nghiền ngẫm “cả ngày lẫn đêm không biết chán mà chẳng phải bất kỳ ai trong khoa Văn cũng có cơ hội may mắn tiếp cận từ lúc đó. Tôi là người duy nhất chị tin cậy, được rủ đi cùng đến thăm và mượn sách ở nhà chú Trần Độ phố Trần Hưng Đạo trong lớp Văn khoá 20 ngày ấy.
Sau này , khi tốt nghiệp ra trường nhờ lá thư giới thiệu của nhà văn Đỗ Chu, tôi được chú Đình Quang nhận về làm giảng viên văn học Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh dịp cuối năm 1980, còn chị Như Tâm được phân công về giảng viên Mỹ học ở Trường ĐH Văn hoá cũng trong năm ấy lúc cụ Trần Độ vẫn còn đang là Thứ trưởng Bộ VH TT! Năm 1986, hoạ sĩ Trọng Kiệm từ bức ký hoạ chân dung chị Như Tâm năm xưa ở nhà cụ Văn Tâm mới nảy ý định vẽ bức tranh sơn dầu khổ lớn “Hoạ sĩ và người mẫu“ khi ông tình cờ gặp lại chị thường đến Trường ĐH Văn hoá để giảng dạy ngay gần xưởng vẽ của hoạ sĩ trong Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp nằm sát đấy.
Cuộc trùng phùng giữa hoạ sĩ và nữ nghệ sĩ múa năm xưa được thể hiện trên bức tranh sơn dầu khổ lớn mang tên “Hoạ sĩ và người mẫu“ là một trong mười hoạ phẩm nổi tiếng ở hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước của hoạ sĩ Trọng Kiệm. Mới đây, tình cờ được giám đốc Quốc Hùng của Nhà đấu giá tranh Chọn Auction House cho biết rằng bức tranh “Hoạ sĩ và người mẫu” của hoạ sĩ Trọng Kiệm vẫn còn đang được lưu giữ tại nhà con trai cụ ở Đại học Mỹ Thuật công nghiệp, tôi bèn gọi điện thoại xin được đến thăm và nhìn lại tác phẩm nổi tiếng ấy.
Dù chưa hề quen biết nhau, nhưng nghe qua câu chuyện tôi kể trong điện thoại, hoạ sĩ Trần Minh – con trai cụ Kiệm – đang là giảng viên của Trường ĐH MTCN cũng đồng ý ngay cho tôi đến thăm nhà anh thắp hương trên ban thờ hoạ sĩ Trọng Kiệm, xin phép cụ được nhìn và chụp lại bức tranh nổi tiếng này. Và tôi ko dám đưa nguyên vẹn ảnh chụp bức tranh quý trị giá hàng trăm ngàn đô la lên facebook của mình như đã hứa với gia đình hoạ sĩ bởi sợ nạn sao chép tranh lậu đang tàn phá các di sản mỹ thuật Việt Nam.
Hai năm sau ngày đến xưởng vẽ của hoạ sĩ Trọng Kiệm làm mẫu cho bức tranh, khi gia đình chị Như Tâm chuyển vào Nam với công việc mới tại Saigonconcert, một tai nạn giao thông thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của hai vợ chồng chị vào ngày 28 tháng 6 năm 1988 – năm mà cả nước cũng bàng hoàng ghi nhận một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng sau đó hai tháng của gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và cháu Mí vào ngày 29-8.
Bài thơ viết về chị “Nghĩ lại về Pauxtopxki” mới được in lại trong tập thơ “ Hoa tường vi” của nhà thơ Bằng Việt vừa xuất bản còn thơm mùi mực, bức tranh nổi tiếng “Hoạ sĩ và người mẫu “ của danh hoạ Trọng Kiệm với gương mặt thánh thiện nhân hậu của “người đẹp một thuở” Như Tâm sẽ còn mãi trong cõi nhân gian này.
Đành phải tin rằng cái câu thơ lưu truyền hàng trăm năm nay trong dân gian vẫn luôn mãi đúng chăng ?
“ Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu “ !
Viết tại Sinhgapor ngày khám bệnh ở Parkway Center 22-8-2018 đầy mong manh phận người ….
Nghĩ lại về Pautopski
1
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”,
Có tiếng chuông rung và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
2
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều…
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!
3
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!
Pauxtốpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi…
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
1969
Cônxtantin Pauxtốpxky (1892–1968): Nhà văn Nga, thần tượng của tuổi trẻ nước ta một thời, với những truyện ngắn nổi tiếng như: “Lẵng quả thông”, “Chuyến xe đêm”, “Tuyết”… và nhiều tác phẩm khác, có phong cách lãng mạn cao thượng, có bút pháp phóng túng, tràn đầy lòng cảm thương và trân trọng con người, cũng như những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người.
Trương Nhuận/VHVN