Địa vị cao hay thấp của một người không được quyết định bởi tài phú, mà là do mức độ cao hay thấp của đạo đức và học vấn quyết định. Một người muốn nâng cao đạo đức và học vấn của mình thì phải không ngừng học tập. Sách Luận Ngữ viết: “Ba người đi cùng tất có người là thầy của ta”, chính là dạy con người phải nhìn đến chỗ khuyết thiếu của mình, thừa nhận mỗi người đều có ưu điểm và sở trường, mỗi người đều đáng giá để người khác tôn trọng và học tập.
Trong Nam Hoa Kinh có ghi lại một câu chuyện ngụ ngôn đại ý thế này:
Xưa có một bậc thầy đi chu du qua rất nhiều quốc gia. Trong quá trình này, từng có rất nhiều người tìm đến để mong được bái làm thầy mình. Trong đó có một người nước Lỗ tên gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Thúc Sơn Vô Chỉ vì vi phạm pháp luật nên bị xử tội chặt một chân. Sau khi gặp đoàn xe của bậc thầy kia, anh ta một mực đi theo sau, mong muốn được bái kiến.
Sau khi Thúc Sơn Vô Chỉ được bái kiến, bậc thầy ấy nói với anh ta rằng: “Anh làm việc không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt mất một chân. Cho dù hiện tại anh tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được tội ấy, thế thì có ích lợi gì?”.
Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý nên mới mắc sai lầm để bị tội, bị chặt mất một chân. Hiện giờ tôi tìm đến ngài, là bởi vì tôi vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, tôi muốn bảo toàn nó. Trời không nơi nào là không che phủ, vạn vật đều được đất nâng đỡ. Tôi vốn coi ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ ngài lại có thái độ như thế này”.
Bậc thầy kia nghe xong lời ấy thì vô cùng xấu hổ. Ông nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Ta thực sự là nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, ta sẽ vô cùng nghiêm cẩn lắng nghe”.
Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến bậc thầy kia nữa, mà lặng lẽ bỏ đi.
Bậc thầy kia tiếc nuối nói với các đệ tử: “Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước đây của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người giống như Thúc Sơn Vô Chỉ, mắc phải sai lầm bị chặt mất một chân, vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân, huống chi là người chưa từng mắc sai lầm nào!”
Trang Tử sử dụng câu chuyện ngụ ngôn không có thật trên để cho thấy rõ một đạo lý: Bất cứ ai cũng có thể làm thầy của ta. Cho dù một người khuyết điểm đầy mình, thì ta vẫn cần dùng thiện tâm để nhìn vào ưu điểm của người ấy, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể làm cho bản thân mình không ngừng tiến bộ.
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, một người cũng đều cần dụng tâm quan sát lời nói và việc làm của người khác để học tập, cầu sự tiến bộ. Những người bên cạnh mình nhất định sẽ có chỗ cho mình học tập, tham khảo. Một người chỉ có khiêm tốn, dụng tâm học tập người khác mới có thể lấy cái sở trường của người mà bổ khuyết cho sở đoản của mình, thúc đẩy bản thân không ngừng hoàn thiện và nâng cao được đạo đức của chính mình.
Liên quan đến chuyện nhìn ra ưu điểm của người khác và nhận ra khuyết điểm của mình, còn có một câu chuyện về người đánh xe của Yến Tử như thế này:
Yến Tử là tướng quốc ba triều vua Tề là Tề Linh Công, Tề Trang Công và Tề Cảnh Công. Ông là vị quan tài ba, đức hạnh được người đời rất kính trọng.
Lúc Yến Tử làm tể tướng thời vua Tề Cảnh Công, có một ngày ông đi ra khỏi nhà bằng xe ngựa. Khi xe ngựa của Yến Tử đi qua nhà của người đánh xe thì vợ người đánh xe ở trong nhà lén nhìn chồng mình, thấy ông ta đánh xe với bộ dạng kiêu ngạo tự mãn, dương dương tự đắc.
Sau khi người đánh xe trở về nhà, thấy vợ mình có vẻ mặt không vui, thậm chí còn muốn rời khỏi nhà, ông ta bèn dò hỏi. Người vợ đáp: “Yến Tử mình cao chưa đến sáu thước, lại làm tể tướng nước Tề, danh tiếng vang khắp thiên hạ, các quốc gia chư hầu đều biết đến ông ấy, kính trọng và tôn sùng ông ấy. Hôm nay tôi nhìn thấy ông ấy có vẻ mặt vừa khiêm nhường lại vừa như đang đăm chiêu lo toan. Còn mình thân cao tám thước, chỉ là phu xe của người ta mà vẻ mặt lại dương dương tự đắc, kiêu ngạo tự mãn.”
Sau khi nghe xong lời nói của vợ, người đánh xe cảm thấy xấu hổ, bắt đầu thay đổi thái độ của mình, lúc nào cũng giữ vẻ khiêm tốn, hòa ái với mọi người. Yến Tử sau khi nhận thấy sự thay đổi của người đánh xe thì cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi nguyên nhân và được người đánh xe kể lại sự tình.
Cho rằng người có thể sửa lỗi như vậy rất đáng quý trọng, nên Yến Tử đã tiến cử ông ta. Sau này ông ta thật sự trở thành quan đại phu của nước Tề.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rất nhiều điều. Vợ người đánh xe không vì chồng mình đánh xe cho tể tướng mà cao ngạo. Người đánh xe khi phát hiện ra lỗi lầm của mình thì học theo sự khiêm nhường của Yến Tử mà hoàn thiện đạo đức bản thân. Yến Tử ở nơi cao, lại không cảm thấy người đánh xe là hạng hèn kém, thậm chí còn quý trọng và tiến cử ông ta. Đây chính là có thể dùng thiện tâm mà thấy ưu điểm của người khác.
“Ba người đi cùng tất có người là thầy của ta”, khi một người có thể buông bỏ thành kiến, xóa bỏ quan niệm tự cho mình là đúng, nguyện ý bù đắp chỗ thiếu sót của bản thân thì thường thường kết quả mà người ấy đạt được là nhiều hơn, thậm chí có thể thay đổi và rút ngắn được con đường dẫn đến thành công của mình.
Theo VisionTimes