Sự nghiệp tinh thần trao đất nước – Nhân kỷ niệm 100 năm sinh GS Trần Văn Khê (1921-2021)

17:27 | 03/06/2021

Như mọi năm, giao thừa năm Quý Mùi 2003, Trần Văn Khê lại khai bút tại tư thất Vitry-Sur-Seine và gửi đến đồng nghiệp, thân hữu:

Quý Mùi nguyên đán đợi xuân sang

Khai bút đầu năm thảo mấy hàng

Chúc bạn cuộc đời luôn hạnh phúc

Chúc mình sức khoẻ vẫn an khang

Quê nhà, về ở không do dự

Đất khách, rứt đi hết buộc ràng

Sự nghiệp tinh thần trao đất nước

Nâng đàn vui khảy tính tình tang

1-2-2003

Con người đã có một sự nghiệp lừng lẫy ở nơi từng được coi là thủ đô văn hoá của châu Âu, GSTS của Đại học lừng danh Sorbonne, từng được tặng Chương Mỹ Bội Tinh của Chính Phủ Pháp, từng được tháp tùng Tổng thống Pháp Mitterand thăm Việt Nam, Uỷ viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc thế giới của UNESCO, người thầy về dân tộc nhạc học được chào đón nồng nhiệt tại hơn 50 quốc gia, bước vào tuổi 83, đã thổ lộ trong bài thơ trên nguyện ước cuối cùng của cuộc đời: được rứt bỏ đất khách, được trở về quê nhà.

Nguyện ước ấy cũng là điều bình thường, dễ hiểu của một người con xa xứ trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, nhất là với Trần Văn Khê, con người hơn nửa thế kỷ mưu sinh nơi đất khách quê người vẫn mang một tâm hồn Việt thuần phác, vẫn ngày ngày “Dân ca luôn hát cao hơi vọng/ Quốc nhạc thường đàn rộn tiếng vang” (Thơ hoạ vận bài thơ của nhà nghiên cứu Mịch Quang tặng ông nhân dịp ông được nhà nước VN trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất).

Trần Văn Khê đã sống hơn nửa thế kỷ ở nước Pháp, rất thành công và được trọng vọng, nhưng ở đó, cho tới giờ, ông vẫn chỉ xem mình là khách. Với ông, vấn đề không phải là nơi cư trú mà là văn hoá. Trong một lần nói chuyện trên truyền hình TPHCM, ông từng nhắn nhủ thanh niên VN trước nguy cơ sùng bái văn hoá nước ngoài: “Người VN làm chủ đất nước mình đồng thời văn hoá VN cũng có địa vị văn hoá chủ. Văn hoá nước ngoài chỉ là văn hoá khách. Chúng ta hiếu khách mời khách đến nhà, nhưng phải lưu ý không đưa vào ở trong từ đường hoặc dẹp bàn thờ ông bà để khách ngồi chỗm chệ lên cho mình quỳ lạy”.

Trần Văn Khê sống ở Pháp nhưng ông thuộc về văn hoá VN nên chưa bao giờ thấy mình là “chủ” ở đây là phải lẽ.

Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921 trong một gia đình bốn đời theo nghiệp đờn ca tài tử ở làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Từ nhỏ, ông đã được sống trong không khí âm nhạc của gia đình và năm 6 tuổi, ông được cậu ruột Nguyễn Tri Khương (cháu nội của danh tướng Nguyễn Tri Phương), vốn là một thầy nhạc và nhà soạn tuồng hát có tiếng, dạy chơi đàn kìm, đàn cò. Từ đó hai cây đàn này chẳng hề rời ông nửa bước, kể cả khi ông trở thành một sinh viên trường Thuốc Đông Dương hay một giáo sư danh tiếng ở Paris. Năm 1941, Nhà hát Lớn Hà Nội đã chứng kiến sự kiện hy hữu: chàng sinh viên 20 tuổi Trần Văn Khê, được sự khích lệ của đồng môn Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ, đã cả gan đăng đàn diễn thuyết và biểu diễn hò “Cấy lúa Bến Tre”, hò “Mái nhì miền Trung” và “Cò lả xứ Bắc”. Cuối những năm 1940, Trần Văn Khê sang Pháp bắt đầu cuộc đời tự lập nơi đất khách quê người. Sau khi tốt nghiệp khoa Giao dịch Quốc tế, ông tiếp tục vừa làm, vừa theo học Đại học Sorbonne cho đến khi lấy được bằng Tiến sĩ (1958) với hai luận án: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” (chính) và “Âm nhạc và Khổng Tử” (phụ). Nhưng tấm bằng Tiến sĩ và chức vụ Giáo sư của Đại học Sorbonne ông đạt được khi 40 tuổi không phải là cái đích mà chỉ là bước khởi đầu một chặng đường dài Trần Văn Khê đã chọn: Sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Trần Văn Khê sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam không phải bởi thấy âm nhạc Việt Nam hay đẹp, độc đáo hơn các dân tộc khác mà đơn giản bởi ông yêu âm nhạc và ông là người Việt Nam. Với ông, đó là một thứ “Quốc hồn”, “Quốc túy”. Chính ông, năm 1949, khi đất nước đang trong khói lửa kháng Pháp, đã tự hào đem đàn Tranh và đàn Cò Việt Nam giới thiệu ở Festival Âm nhạc Thanh niên Thế giới tại Buđapest và giành được giải Nhì về biểu diễn nhạc cụ. Công trình “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” của ông cũng là công trình khoa học đầu tiên về nền âm nhạc Việt Nam thống nhất được giới thiệu trên thế giới khi đất nước còn chia cắt. Kể từ khi ông trở thành một GS TS ở Đại học Sorbonne, thế giới bắt đầu biết đến hình ảnh một người Thầy đờn Việt Nam độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ. Hơn nửa thế kỷ qua, Trần Văn Khê đi dạy nhạc trên khắp năm châu bốn biển theo cách của cậu Năm Nguyễn Tri Khương ở quê, ấy là luôn gắn học với hành, không chỉ trao kiến thức mà trao cả nhiệt huyết, trọng sự nhập tâm hơn kiểu học “vẹt”, không chỉ nói mà còn đàn, ca ngâm, hát, luôn biến các bục giảng khô khan thành nơi trình diễn nghệ thuật sinh động.

Sau năm 1975, khi trở về Việt Nam với tư cách Chủ tịch Hội đồng âm nhạc Thế giới, một chuyên gia hàng đầu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông không ngần ngại nói với bạn bè trong nước: Do ở xa đất nước, dù là một người thầy về âm nhạc Việt Nam trên khắp thế giới, thực ra vốn hiểu biết của ông về âm nhạc đất nước còn rất hạn chế, phiến diện. Ông không ngần ngại thừa nhận công khai rằng công trình khoa học làm nên tấm bằng Tiến sĩ của ông, công trình “Âm nhạc truyền thống VN”, thực ra còn nhiều thiếu sót, hạn chế vì được làm trong hoàn cảnh ở xa đất nước. Bởi vậy, từ năm 1976 đến năm 2000, gần như năm nào ông cũng về nước và đã làm trên 40 cuộc nghiên cứu trên khắp đất nước, ghi âm, ghi hình được trên 500 bài dân ca, dân nhạc các loại, gặp gỡ kết thân với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân ở khắp ba miền. Từ năm 1976 đến nay, tôi đã nhiều lần gặp ông, lúc ở TPHCM, khi trên Tây Nguyên, lúc tại Hà Nội, bao giờ cũng thấy vị GS TS lỉnh kỉnh những máy ghi âm, máy ảnh, camera như một sinh viên đi điền dã…

Với trí nhớ tuyệt vời được tạo hóa ban tặng, sự nhạy cảm của một tinh nhân, với phương pháp của một nhà khoa học, với sự kiên nhẫn và chuyên cần của một con kiến nhỏ, Trần Văn Khê hôm nay đã trở thành một thư viện sống, một bách khoa thư sống về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mà hình như không chỉ là âm nhạc mà còn về tất cả những gì có liên quan tới văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Hôm gặp gỡ chia tay ông trước khi ông về lại Pháp ở phòng khách của khách sạn Phú Gia đầu tháng 11 vừa qua, khi NSND Đàm Liên hát tặng ông một câu hát Tuồng, Trần Văn Khê đã đáp lễ bằng việc biểu diễn vài điệu trong 36 điệu cười tuồng của NSND Nguyễn Lai làm chúng tôi bàng hoàng như thầy Nguyễn Lai tái sinh.

Gặp Trần Văn Khê và trò chuyện cùng ông giữa những ngày ông về nước để giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế và mở lớp đào tạo giáo viên dạy nhạc bậc tiểu học, mới thấy nguyện ước về nước với ông gấp gáp, khẩn thiết như thế nào. Trần Văn Khê cho biết, trong suốt hơn 50 năm rong ruổi năm châu bốn biển, ông đã gom góp được rất nhiều sách báo, băng, dĩa ghi âm, ghi hình, trong đó có những tư liệu quí hiếm về âm nhạc VN cũng như những nền âm nhạc châu Á mà trong sử sách không có. Những tư liệu này chiếm phần lớn diện tích căn hộ chung cư của ông ở Vitry-Sur-Seine. Ông ước ao trong lúc còn sống được cùng với cái gia sản mà ông gom góp cả đời đó về nước để làm công việc phân tích, sắp loại và sao chép cho các thư viện hay bảo tàng trong cả nước sử dụng trong việc tìm hiểu âm nhạc dân tộc. Ngoài ra, với những kiến thức, tâm đắc, kinh nghiệm mà ông tích trữ được trong mấy chục năm lặn lội năm châu bốn biển để sưu tầm nghiên cứu âm nhạc mà ông chưa có dịp viết ra thành sách, ông muốn khi trí nhớ còn đầy đủ, đầu óc còn minh mẫn, ông có cơ hội được trực tiếp truyền lại cho sinh viên, học sinh trong nước. Trần Văn Khê còn mơ ước trong những năm cuối đời, ông được góp phần hình thành chương trình dạy nhạc truyền thống VN trên cấp đại học, một chương trình quốc gia đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ theo những qui chuẩn của âm nhạc VN. Ông rất buồn khi hiện nay, sinh viên VN muốn thi lấy bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ âm nhạc dân tộc lại phải theo những qui chuẩn của âm nhạc phương Tây.

Vâng, dù sắp bước vào tuổi 84, sau gần một đời bôn ba “chân trời góc bể”, Trần Văn Khê quyết tâm trở về nước không phải là để ngơi nghỉ hay chỉ để được “thác về” nơi chôn nhau cắt rốn. Ông muốn về là để được đóng góp nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước. Còn nhớ mùa xuân 1999, sau 50 xuân tha hương, lần đầu tiên được một người hâm mộ mời ông “về quê ăn tết”. Trần Văn Khê thấy “vui và ấm cúng hơn nhiều những lần đón tết lạnh lẽo và cô quạnh bên trời Tây”. Nhưng ông cũng rất phiền vì ở VN người ta ăn tết “dài quá”, nên ông phải vội vã trở về Pháp sớm hơn dự định để được trở lại làm việc.

Đã ba năm nay, Trần Văn Khê không nhận lời đi giảng tại các trường đại học nước ngoài nữa mà tập trung thời gian, tâm sức cho việc giảng dạy trong nước, đặc biệt là ở đại học dân lập Hùng Vương TPHCM, nơi đã lần đầu tiên cho ông “thoả mộng bình sinh”: được dạy nhạc VN, bằng tiếng VN, cho sinh viên VN, trên đất nước VN. Trần Văn Khê đặc biệt thiết tha với những cơ hội được tiếp xúc và trao lại những hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ. Lần này ra Hà Nội, như mọi lần, ông lại được Viện Âm nhạc VN mời đến trao đổi kinh nghiệm với các nghiên cứu viên trẻ. Tuy đang cảm, ông vẫn nhận lời và cuộc trao đổi lần này kéo dài hơn dự định những 2 tiếng đồng hồ làm ông mệt lử và khan cả tiếng bị bà bạn già, nhà văn Tường Vân, “săn sóc viên” tình nguyện hàng chục năm nay của ông ở Paris, quở trách, nhưng Trần Văn Khê lại cười đùa như vừa làm được một việc gì quan trọng lắm. Ông nói với Tường Vân: “Mệt thêm một chút vì các cháu cũng đáng lắm. Biết đâu, đây là cơ hội cuối cùng”.

Trong đời Trần Văn Khê đã từng có những vinh dự lớn như việc được chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo khoa học tầm cỡ thế giới, được Chính phủ Pháp tặng Chương Mỹ Bội Tinh, được tháp tùng Tổng Thống Mitterant thăm Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, nhưng ông nói may mắn lớn nhất là những năm cuối đời ông được bà con trong nước theo dõi, nhận biết được những chuyện ông đã làm mà lấy tình ruột thịt, tri kỷ đối đãi với ông. Gặp ông đi ngoài đường, chị hàng rong cũng đứng dậy hỏi: “Giáo sư về hồi nào?”. Anh xích lô thì mời: “Giáo sư lên xe em chở đi một vòng chơi”. Đến đâu, ông cũng nhận được lời chào thân thiện và niềm nở của mọi người. Trần Văn Khê không bao giờ quên buổi gặp gỡ cuối cùng với NSND Quách Thị Hồ, khi đến chúc mừng cụ 90 tuổi tại tư gia. Khi ông vào, mọi người dẫn ông tới bên và hỏi cụ: “Cụ còn nhớ GS Trần Văn Khê không?”. Cụ không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ khẽ nhìn ông và cất giọng ngâm:

Vô duyên đâu dễ chăng là

Có duyên nên khiến dù xa hóa gần

Đẹp lòng gặp lại cố nhân

Rồi cụ nắm chặt tay ông và lặp đi lặp lại ba chữ: “Cố nhân ơi! Cố nhân ơi! Cố nhân ơi!”.

Được nhân dân, đất nước của mình nhận biết, tâm đắc với những công việc thầm lặng của một “con kiến cặm cụi tha từng hạt gạo”, GS TS Trần Văn Khê tâm sự rằng, đó chính là phần thưởng lớn nhất giúp ông hăng say làm việc, đóng góp tới hơi thở cuối cùng…

Nhật Ánh

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học