Mùa xuân năm 1921, để ghi nhớ công ơn của hoạ sĩ Nam Sơn với nền hội hoạ Việt Nam và với riêng thành phố Hà Nội, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên một đoạn phố mới ở khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) mang tên ông.
Hoạ sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Văn Thọ, sinh ngày 15/02/1890, mất ngày 26/01/1973, tại Hà Nội. Ông là hậu duệ của một dòng họ danh gia vọng tộc, có quê gốc ở đất Thanh Lãng, Vĩnh Phúc – một dòng tộc có truyền thống yêu nước và truyền thống thi thư. Ông cũng gắn bó với Hà Nội từ tuổi thơ cho đến lúc ra đi, nhà ở phố Nguyễn Du (Hà Nội). Họa sĩ Nam Sơn đã để lại cho hậu thế hơn 400 tác phẩm hội họa được thể hiện bằng nhiều chất liệu. Đặc sắc nhất, giới hội họa ghi công ông là người đầu tiên đưa nghệ thuật tranh sơn dầu (xuất phát từ Châu Âu) vào Việt Nam. Đặc biệt nhất, ông được ghi nhận là một trong hai sáng lập viên (cùng họa sĩ Pháp Victor Tardieu) thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ đầu thế kỷ 20, tạo ra con đường đi cho hội họa Việt Nam. Họa sĩ Nam Sơn không chỉ là người thảo đề cương tham gia xây dựng bộ máy đào tạo của nhà trường, tham gia tuyển sinh từ khóa đầu tiên (1925-1930), ông còn là người trực tiếp tham gia giảng dạy ở 18 khóa học ( từ 1925 đến 1945); góp phần đào tạo hơn 120 họa sĩ, nhà điêu khắc sau này là trụ cột, niềm tự hào của nền hội họa Việt Nam…
***
Ngày 6-10-2020, nhà đấu giá Sothebys nổi tiếng của Hồng Kong đưa ra đấu giá hai bức tranh của họa sĩ Nam Sơn (1890-1973). Đó là bức tranh sơn dầu “Nhà sư” và bức tranh “Khỏa thân” – tranh pastel. Khi tiếng búa gõ vang lên, bức tranh sơn dầu “Nhà sư” được chốt giá 478.000 HKD và bức pastel “Khỏa thân” được chốt với giá 220.000 HKD. Trước đó, hồi tháng 3-2018, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc Kỳ” của họa sĩ vẽ trong thời gian 1935-1936 đã được chốt giá 205.000 Euro (gần 6 tỷ đồng) tại sàn đấu giá nổi tiếng Aguttes Paris, Thủ đô nước Pháp. Sau đó không lâu, cùng trên sàn đấu giá nổi tiếng này, tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sĩ Nam Sơn đã được bán với giá 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng Việt Nam), tính cả phí là gần 15 tỷ đồng. Đây là tác phẩm có giá cao nhất của họa sĩ Nam Sơn trên thị trường giao dịch công khai của thế giới.
Nếu ai hiểu biết lịch sử hội họa Việt Nam và quan tâm đến vị trí nền hội họa Việt Nam trên trường quốc tế, hẳn sẽ biết: không phải bây giờ tranh của họa sĩ Nam Sơn mới nổi tiếng và các sáng tác của ông được truy tìm gay gắt trong giới sưu tầm và thưởng ngoạn hội họa thế giới. Bởi vì, vào những năm đầu của thế kỷ trước (thế kỷ 20), cái tên Nam Sơn thay mặt hội họa Việt Nam đã vang lên ở các cuộc triển lãm lớn ở Paris (Pháp), ở Roma (Iatlya) những năm 1930-1932. Tại triển lãm mỹ thuật quốc tế Paris năm 1932, bức tranh sơn dầu “Chân dung mẹ tôi” của họa sĩ Nam Sơn – họa sĩ đầu tiên của Việt Nam trên trường quốc tế đã nhận giải thưởng Huy chương Bạc. Cũng năm đó, tại triển lãm hội họa ở Roma tranh khắc gỗ “Cò trắng và Cá vàng” của Nam Sơn đã nhận bằng khen. Năm 1930, bức tranh “Chợ gạo bên sông Hồng” (mực tàu trên vải) dự triển lãm Hội họa Paris đã được nhà nước Pháp mua trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp, bên cạnh các họa sĩ nổi tiếng thế giới khác. Cho đến nay, ông vẫn là tác giả duy nhất có tranh đại diện cho hội họa Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng nổi tiếng này.
Cùng với cái tên Nam Sơn, nền hội họa Việt Nam nhiều năm gần đây được giới hội họa và các nhà sưu tầm thế giới rất chú ý, đặc biệt là các tác phẩm của các tác giả thuộc “trường phái Hà Nội” – các tác giả đi ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm nửa đầu thế kỷ trước như: Lê Phổ, Phạm Tăng, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm,..v.v… Có được thành tựu này, người ta luôn nhắc đến tên ông: Nam Sơn – Nguyễn Văn Thọ – người có công đầu tiên trong việc đưa nền hội họa phương Tây nổi tiếng thế giới vào Việt Nam – người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mở ra mùa xuân cho hội họa Việt Nam – điều mà hầu hết giới hội họa Việt Nam và các học giả đã công nhận…
Với những trang tư liệu có được trong tay và những câu chuyện thực tế do người con trai thân yêu của họa sĩ Nam Sơn là kỹ sư Nguyễn An Kiều (năm nay đã ngoài 80 tuổi) kể, người viết bài này đã lần giở lại những trang lịch sử của việc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – nơi bắt đầu của nền hội họa Việt Nam được đánh giá là khá chói sáng…
Ấy là vào đầu những năm 20 của thế kỷ 20, có một cuộc gặp gỡ vô cùng thiêng liêng như là một định mệnh dành cho hội họa Việt Nam đã xảy ra: cuộc gặp gỡ giữa họa sĩ nổi tiếng của nước Pháp là họa sĩ Victor Tardieu và một họa sĩ trẻ Việt Nam lúc đó chưa nổi danh là họa sĩ Nam Sơn, có tên khai sinh là Nguyễn Vạn Thọ. Lúc ấy, người họa sĩ tài hoa của nước Pháp sau bảy lần được giải thưởng của Nhà nước Pháp, trong đó có “Giải thưởng Đông Dương”, ông được thưởng một chuyến du lịch Đông Dương để lấy thực tế, cảm xúc sáng tác… Đến mảnh đất của “xứ An Nam thuộc địa”, với tâm hồn nghệ sĩ, người họa sĩ tài hoa bắt đầu yêu cái xứ sở nhỏ bé, yên bình, cảnh sắc tuyệt vời, con người nhân hòa.
Cũng vì yêu xứ sở này, họa sĩ Victor Tardieu nhận ở thêm thời gian để hoàn thành tác phẩm lớn là bức tranh tường ở Trường Đại học Y Khoa Hà Nội và một bức tranh lớn khác ở thư viện Quốc gia do chính quyền bảo hộ đề nghị. Một người bạn đã giới thiệu cho Victor Tardieu một cộng sự bản xứ, biết nghề hội họa, chàng tên là Nam Sơn. Đó là một thanh niên thông minh nhanh nhẹn, giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán. Qua tìm hiểu, ông thầy hội họa được biết: Nam Sơn kém ông 20 tuổi, con một gia đình có truyền thống thi thư, danh gia vọng tộc; đã tốt nghiệp trường Bưởi – một ngôi trường danh giá của nhà nước bảo hộ lúc ấy.
Tuy không làm công việc chính của một họa sĩ (chàng làm ở Sở Tài chính Đông Dương), nhưng Nam Sơn nổi danh trong việc đã từng có nhiều tờ báo, tạp chí có tiếng đương thời mời cộng tác mỹ thuật. Đó là các báo, tạp chí như: Đông Dương tạp chí, tạp chí Viễn Á, Nam Phong tạp chí,… Nam Sơn cũng là người được Nha học chính Đông Dương (bộ Giáo dục) mời cộng tác làm các bộ sách giáo khoa nổi tiếng như: Quốc Văn giáo khoa thư, Sử ký địa dư khoa thư,… Đặc biệt họa sĩ trẻ rất được các học giả nổi tiếng đương thời như Trần Trọng Kim, Đỗ Thận…, cùng các nhà văn nổi tiếng tin tưởng, yêu quý và mời cộng tác. Victor Tardieu thích thú khi nhận ra ở người cộng sự trẻ ngoài kiến thức phong phú về hội họa phương Đông, phương Tây (nhờ được giáo dục cẩn thận qua việc học các nhà nho nổi tiếng và học qua chương trình Trường Bưởi, tự học qua tài liệu tiếng Pháp), Nam Sơn còn là một họa sĩ trẻ đầy khát vọng.
Qua những ngày cùng cộng tác hoàn thành những bức tranh tường lớn khi phụ việc cho ông, khi làm mẫu các nhân vật người Việt trong tranh, khi đưa ông đi thăm những cảnh đẹp, đình chùa, miếu mạo, chàng họa sĩ trẻ đã mạnh dạn nói với ông về khát vọng mở một trường dạy hội họa ở xứ An Nam này. “Mở trường ư?” – người họa sĩ tài danh nước Pháp ngạc nhiên hỏi lại. Ông yêu xứ sở này, yêu chàng họa sĩ cộng sự này, nhưng ý tưởng “mở trường” của chàng ở cái xứ An Nam nghèo khổ, là vùng trũng về văn hóa so với kinh đô Ánh sáng Paris của ông, nghe như là chuyện viển vông – trong ông vốn còn đó lòng kiêu bạc của một công dân xứ sở của những kẻ chuyên bảo hộ, chiếm thuộc địa… Mặt khác, về tình cảm riêng, ông không muốn xa Paris, xa người vợ tài sắc vừa nhận giải thưởng lớn của Nhà nước Pháp về âm nhạc và nhất là phải xa con trai lúc đó là một nhà thơ trẻ mới nổi như cồn, rất cần ông bên cạnh.
Đầu năm 1923, trong triển lãm tại Đấu xảo Hà Nội, Victor Tardieu đi xem triển lãm và ông vô cùng thích thú, ngạc nhiên khi người cộng tác của ông với tên Nam Sơn ký dưới những bức tranh khá đặc sắc. Đó là các bức tranh: “Sĩ phu Bắc Hà”, “Cô gái Bắc Kỳ”, “Tĩnh vật”,.. Trong đó đặc biệt nhất là bức sơn dầu “Sĩ phu Bắc Hà”. Trong tranh, người họa sĩ trẻ vẽ chân dung cụ cử Nguyễn Sỹ Đức – người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, người thầy đáng kính, đã dạy Nam Sơn văn hóa Hán học và cả hội họa phương Đông. Trong tranh gương mặt nhà nho với nét đau buồn mà cương nghị với đôi mắt rực sáng. Trên đầu cụ chít khăn trắng đó là ẩn ý cụ để tang phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục thất bại, nước mất nhà tan. Victor Tardieu thật sự khâm phục không chỉ vì đọc ra ý tưởng của người học trò yêu nước qua bức tranh mà còn thật sự thán phục nghệ thuật sử dụng sơn dầu của người nghệ sĩ. Nghệ thuật sử dụng màu trầm, cách sử dụng ánh sáng tinh tế trong việc miêu tả đặc sắc đôi mắt,chòm râu và gương mặt của người sĩ phu đã làm người họa sĩ tài hoa hiểu rằng người học trò xứ An Nam này đã nắm bắt được cái nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu của phương Tây một cách tài hoa và bí ẩn. Xứ sở An Nam này thật nhiều điều bí ẩn. Bí ẩn ấy còn được ông nhìn thấy khi Nam Sơn đưa ông đi xem những bức tranh chạm gỗ ở các chùa chiền, những bức chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ…
Một ngày đẹp trời, người họa sĩ tài hoa của nước Pháp đã đồng ý cùng người bạn nhỏ của mình tìm cách mở đường dạy hội họa ở xứ Đông Dương, mở ra những chương ánh sáng nghệ thuật cho xứ sở mà những người đồng hương của ông đã đến đô hộ. Trước đó nhà nước bảo hộ mới chỉ mở ở Đông Dương bốn trường đại học, nhằm đào tạo những người thực hành để phục vụ chính quyền bảo hộ, chưa có trường đào tạo nghệ thuật và khoa học xã hội.
Rồi học trò Nam Sơn thảo đề cương thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thầy Victor Tardieu sửa, bản đề cương được gửi tới toàn quyền Đông Dương. Trong bản “Đề cương mỹ thuật Việt Nam” do Nam Sơn thảo, V.Tadieu duyệt và gửi về chính phủ Pháp có đoạn viết: “Lập nên một trường đại học để đào tạo lớp nghệ sĩ có tài, duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền mỹ thuật Đông phương có cá tính Việt Nam”.
Tháng 10 năm 1924 có quyết định của vị Toàn quyền Đông Dương và Bộ Giáo dục Pháp đồng ý lập trường. Cuối năm ấy, họa sĩ Victor Tadieu trở lại Pháp để chuẩn bị những điều kiện cơ bản nhất cho việc thành lập trường và tuyển giáo viên. Cùng đi với ông là họa sĩ Nam Sơn.
Trong thời gian gần một năm trên đất Pháp, ở giữa thủ đô của những nền nghệ thuật hiện đại, Nam Sơn đã được người bạn lớn giới thiệu vào hai trường mỹ thuật nổi tiếng nhất của nước Pháp để bổ trợ vốn kiến thức chàng đã có về hội họa. Đó là Trường Mỹ thuật quốc gia Pháp và Trường Nghệ thuật trang trí quốc gia Pháp. Các buổi tối Nam Sơn học thêm điêu khắc. Cuộc gặp gỡ những họa sĩ nổi tiếng của nước Pháp và các họa sĩ từ nhiều nước đến tu nghiệp (trong đó có họa sĩ Từ Bi Hồng ở Trung Quốc nổi tiếng thế giới về vẽ ngựa) đã giúp Nam Sơn hoàn thiện vốn kiến thức hội họa, giúp chàng vững vàng trong vị thế mới là người cộng sự đắc lực, người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với họa sĩ V.Tadieu.
Năm 1925, Nam Sơn trở lại Việt Nam, chuẩn bị cho lễ khai giảng. Chuyến trở về không may ông thầy Victor Tadieu bị ốm, Nam Sơn cùng với ông thầy thứ hai là họa sĩ nổi tiếng Joseph Inguim Berty (1896 – 1971). Hai họa sĩ thay mặt VictorTadieu đã làm rất tốt việc tuyển sinh khóa 1: Tổ chức thi cho gần 300 thí sinh ở toàn cõi Đông Dương, nhưng chỉ có 10 người trúng tuyển khóa đầu. Cứ thế 17 khóa học tiếp theo đã được mở. Còn Victor Tadieu hoàn toàn bị thuyết phục bởi những người học trò ham học, tài hoa và đặc biệt là người đồng nghiệp giỏi của ông. Người họa sĩ tài hoa của nước Pháp ngoài việc giảng dậy, truyền nghề cho các lớp học trò, ông còn có công lớn trong việc gìn giữ để ngôi trường được hoạt động liên tục, chống lại các ý kiến về việc giải tán trường nhiều lần. Ông đã cùng các cộng sự hoàn thành việc giảng dậy cho 13 khóa học và trút hơi thở cuối cùng ở chính mảnh đất mà ông gắn bó 13 năm (năm 1937), mảnh đất Hà Thành. Sự nghiệp của ông đã được người cộng sự số một là Nam Sơn và các cộng sự khác hoàn thành xuất sắc. Ông cùng họa sĩ Nam Sơn còn có công trong việc hoàn thiện các chính sách và hệ thống giảng dậy mỹ thuật tại Việt Nam. Ông cũng có sáng kiến thành lập Hội Nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam, do Victor Tadieu làm chủ tịch.
Những đóng góp của Victor Tadieu đều có Nam Sơn bên cạnh. Trong cuốn “Các trường mỹ thuật Đông Dương” xuất bản tại Hà Nội năm 1937, vị Toàn quyền Đông Dương đã viết: “Ông Nam Sơn giáo sư chuyên nghiệp bậc 2, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, dậy hình học và trang trí …”
***
Năm 1998, tại triển lãm mỹ thuật “Mùa xuân Việt Nam” ở Paris do Tòa Thị chính Paris hợp tác cùng Bộ Văn hóa Việt Nam tổ chức, ba tác phẩm của họa sĩ Nam Sơn đã được trưng bày. Sau đó, cuốn tạp chí Voyagen Magazine (Paris – 1998) đã giới thiệu triển lãm này và bức tranh “Chân dung người nông dân” của Nam Sơn với lời bình rất trân trọng ghi bên cạnh tranh: “Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị quên lãng, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng” Lời để tặng này là niềm tự hào chung của nền hội họa, giới hội họa hiện đại Việt Nam.
Họa sĩ Nam Sơn mất ngày 26/1/1973 tại chính ngôi nhà 68 Nguyễn Du, bên bờ hồ Thiền Quang, Hà Nội – nơi đã ghi dấu bao kỷ niệm của người họa sĩ từ khi thảo những nét bút đầu tiên trên bản Đề cương thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi ông tiếp bao thầy trò của trường, nơi ông ngồi vẽ những bức tranh để lại cho hậu thế … Sau hơn 50 năm vừa giảng dạy vừa sáng tác, ông đã để lại một gia tài hội họa khá khổng lồ với hơn 400 tác phẩm, hiện còn những tác phẩm chưa được công bố và giới sưu tầm luôn truy lùng.
Với uy tín của mình, họa sĩ Nam Sơn đã được bầu là ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam liên tiếp trong nhiều khóa, từ khi Hội thành lập năm 1957 đến khi họa sĩ qua đời năm 1973 (83 tuổi). Họa sĩ cũng là một trong số ít họa sĩ có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Tuy nhiên khi nói về họa sĩ Nam Sơn, người ta nhấn mạnh trước hết là những đóng góp của ông cho sự nghiệp đào tạo những lớp họa sĩ hiện đại đầu tiên cho nền hội họa Việt Nam từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng người thầy, người bạn lớn Victor Tadieu. Những họa sĩ tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ấy sau này tỏa đi khắp Việt Nam, đi khắp thế giới, làm nòng cốt cho hội họa kháng chiến và sự nghiệp đào tạo các lớp họa sĩ sau này. Những người học trò làm vang thêm tên ông ở Việt Nam cũng như thế giới. Đó là các tên tuổi như: Lê Phổ, Mai Trọng Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Công Văn Trung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Trần Đình Thọ, Phạm Tăng, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liêm, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An …
Và Hà Nội – Hà Nội thành phố thân yêu nơi ông sinh ra và cống hiến trọn cuộc đời mình cho hội họa, đã tặng ông một cái tên đường phố. Ông thật xứng đáng.
Hà Nội, tháng 5 năm 2021
Phạm Hồ Thu