Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự. Kể từ khi cầm quân, các trận đánh từ nhỏ đến lớn, từ quy mô chiến thuật, chiến dịch, đến chiến lược, danh tướng Nguyễn Huệ chưa từng thua trận nào. Ông là tướng quân bách chiến bách thắng. Thật hiếm có trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới!
Chỉ cần nêu vài trận đánh lớn chống giặc ngoài, cũng đủ thấy tầm cỡ thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, kể cả ở chiến thuật, chiến dịch và tầm nhìn chiến lược.
Thứ nhất, đó là trận Rạch Gầm-Xoài Mút ở miền Tây Nam Bộ. Nguyễn Ánh cầu cứu người Xiêm (Thái Lan). Vua Thái Lan Ra-ma I liền sai binh hùng tướng giỏi khoảng hơn vài vạn tên, phối hợp với quân Nguyễn Phúc Ánh và Chân Lạp, ào ạt tiến quân thủy bộ chiếm một số vùng đất ở miền Tây Nam Bộ. Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tổ chức một trận quyết chiến chiến lược ở Rạch Gầm-Xoài Mút, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Chỉ trong một đêm (19, rạng ngày 20-1-1785), quân thủy bộ Tây Sơn phối hợp nhịp nhàng hỏa công, bộ binh, và pháo binh, tấn công tiêu diệt khoảng hơn 300 chiến thuyền của liên quân Xiêm-Nguyễn-Chân Lạp. Một trận đánh sấm sét. Liên quân đối phương tan tác. Quân Xiêm chỉ còn vài ngàn tên thừa sống thiếu chết, kinh hồn bạt vía chạy trốn về Xiêm La. Từ đó, người Xiêm sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp…
Trận quyết chiến chiến lược thứ 2, chỉ trong mấy ngày, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tiến công bất ngờ như thần binh từ trên trời đổ xuống, quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh ra khỏi Thăng Long, khiến thế giới kinh hoàng, khiến người Mãn Thanh mất vía! Vua Càn Long nhà Đại Thanh tím mặt, muốn dùng quân cả 9 tỉnh báo thù. Tuy nhiên, với nghệ thuật ngoại giao tài giỏi, nhóm sĩ phu Bắc Hà gồm Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn…đã hóa giải được một cuộc chiến tranh cực kỳ đẫm máu có thể xảy ra. Công lao ngoại giao ở giai đoạn mấy tháng cuối năm Kỷ Dậu (1789), thuộc về các ông Ngô Thì Nhậm (trưởng đoàn), Vũ Huy Tấn (Phó đoàn) và các ông Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn…Ngô Thì Nhậm đã 3 lần lên biên giới đàm phán quyết liệt với Phúc Khang An (Tổng đốc Lưỡng Quảng) và Thang Hùng Nghiệp (Tả Giang binh bị đạo, thống lý biên vụ Quảng Tây). Vũ Huy Tấn thì không dưới 7 lần như vậy. Cuộc ngoại giao ở thời Tây Sơn, sau khi đã đánh bại gần ba chục vạn quân Thanh, chính là một kỳ công hiếm có. Kiên quyết, bền bỉ mà mềm dẻo, ngăn chặn được ý đồ tàn bạo của đối phương lớn khỏe hơn mình hàng chục lần. Chiến công ấy, dân ta nào có mấy ai biết đến?
Tất cả những cuộc đàm phán, yêu cầu Càn Long phải phong Vương cho Quang Trung, do đó phải thừa nhận quyền tự chủ của Đại Việt, chấp nhận hòa hiếu giữa hai dân tộc, không phải là chuyện dễ dàng. Một khi Càn Long đã chấp nhận phong An Nam Quốc Vương cho Nguyễn Huệ, thì bọn Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) mấy ngàn người đang hóng hớt chờ đợi ở bên Tàu, đương nhiên bị bỏ rơi. Họ bị gọt đầu, biến thành người Mãn Thanh hết. Theo đó, những cựu quan nhà Lê còn mưu toan âm thầm mưu chống Tây Sơn như Trần Danh Án, Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Phạm Quý Thích… cũng phải thở dài bất lực. Cái lẽ hiển nhiên là vậy.
Tuy nhiên, trong đàm phán ngoại giao, Càn Long yêu cầu Quang Trung phải đích thân sang Yên Kinh (Bắc Kinh) dự lễ “Bát tuần đại khánh”, mừng thọ Càn Long tám mươi tuổi. Lý do là khi ấy, “Vạn quốc lai triều” (Hàng vạn nước phải đến Yên Kinh dự đại lễ). Đó là một điều khoản cực kỳ khó. Quang Trung chả dại gì đem thân đến miệng hổ đói. Sứ đoàn ta đã phải nhiều lần tranh biện, lấy lý do này nọ để chối từ yêu sách của người Thanh. Và với tư thế cứng cỏi của kẻ chiến thắng, vua Quang Trung sẽ không bao giờ chấp nhận hạ sách này. Tình thế buộc phải có giải pháp tích cực, phù hợp cho cả hai bên. Nếu Quang Trung không sang chầu, thì sẽ làm mất mặt Càn Long trước các chư hầu khác, như Lưu Cầu,Triều Tiên, Miến Điện, Mông Cổ, Nhật Bản v.v…
Để tháo gỡ khó khăn này, Phúc Khang An và Thang Hùng Nghiệp (thay mặt Càn Long) thỏa thuận việc cử người đóng thế Quang Trung. Việc này, tất nhiên chỉ có rất ít người biết. Theo Thang Hùng Nghiệp, thì chỉ 4 người được biết việc này. Quang Trung giả Phạm Công Trị , trưởng đoàn, kèm theo hoàng tử Quang Thùy (như một con tin) để đảm bảo sự tin cậy. Sứ đoàn ta, võ quan có Ngô Văn Sở. Văn quan gồm Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Danh Tiên…Tổng số thành viên cả đoàn gồm 159 người. 10 ca nữ xinh đẹp phục vụ việc múa hát vui vẻ. Hai thớt voi đực kiêu dũng được đưa đi làm quà tặng. Và tất nhiên, còn nhiều thứ quà tặng, cống phẩm khác nữa. Chưa từng có trong lịch sử ngoại giao một sứ đoàn rầm rộ đến như thế. Và cũng chưa từng có một cuộc đón tiếp sứ đoàn nước Đại Việt nào lớn đến như vậy. Nhà Thanh đã chi khoảng 800 000 (tám trăm ngàn) lạng bạc cho việc đón tiếp sứ đoàn nước ta…Nhưng, ở đời chả bao giờ có chuyện hào phóng ngẫu nhiên bất thường như thế cả. Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, một việt kiều tài giỏi sống ở Pháp, đã giành cả mấy năm trời điền dã ở Trung Quốc, nghiên cứu về thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, về Nguyễn Du, về các sự kiện lịch sử ở đời nhà Thanh có quan hệ với người Việt, đã viết rằng, cái việc sắm vai vua Quang Trung giả kia, ai cũng biết, “chỉ trừ có Càn Long không biết mà thôi”!…
Có thể TS Phạm Trọng Chánh mới chỉ thấy bề ngoài, chứ ông chưa hiểu rõ bản chất của sự việc. Bởi mấy lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, Càn Long nước Đại Thanh là một ông vua giỏi. Văn võ song toàn bậc nhất trong các vua nhà Thanh. Ông ta cáo già hơn như ta tưởng. Các bước đàm phán với sứ đoàn ta do Phúc Khang An và Thang Hùng Nhiệp tiến hành, chỉ là những bước đàm phán ban đầu mà thôi. Kết quả từng bước như thế nào, Phúc Khang An và Thang Hùng Nghiệp tất phải báo cáo với Càn Long và xin chỉ dụ tiếp theo. Do vậy, cuộc tổ chức lễ mừng thọ có mặt vua Quang Trung đã được thống nhất, lẽ nào Càn Long không biết? Ông ta mới chính là người chủ trương và quyết định mọi việc. Tỏ ra không nghi ngờ gì vua giả, Càn Long đã sắm vai diễn rất khôn khéo, kịch bản mà ông ta đã chuẩn bị trước, để lừa thỏ vào hang. Hãy nghe mật chỉ của Càn Long gửi Tôn Sĩ Nghị, quân Tây Sơn bắt được khi truy đuổi quân Thanh thì rõ. Mật chỉ viết: “…Việc quân nên từ đồ, không nên hấp tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh thế đi trước và cho các quan nhà Lê về nước cũ tập hợp nghĩa binh, tìm Tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến ai chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui. Ta nhân việc ấy mà sai Tự quân đuổi theo rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy mà nên được công to. Đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng người trong nước họ nửa theo đằng nọ, nửa theo đường kia thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư bảo đường phúc họa, xem nó đối đáp làm sao. Đợi khi nào thủy quân ở Mân (Phúc Kiến), Quảng (Quảng Tây) đi đường bể sang Thuận Hóa và Quảng Nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau thọ địch, thế tất phải chịu. Bấy giờ ta sẽ nhân đó mà làm ơn cho cả hai bên. Từ Thuận Hóa, Quảng Nam trở vào Nam thì giao cho Nguyễn Huệ; từ Châu Hoan châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, rồi sẽ xử trí về sau”….Xem thế đủ biết Càn Long thâm hiểm đến mức nào.
Thứ hai, chẳng phải ngẫu nhiên mà Càn Long cho chi tám trăm ngàn lượng bạc phục vụ sứ đoàn ta, bình quân mỗi ngày khoảng 4 ngàn lạng bạc. Đón tiếp cực kỳ long trọng, tốn kém chưa từng có bao giờ. Khi sứ đoàn ra về cũng tương tự như thế. Thiển nghĩ, đó chẳng qua chỉ là cái mẹo khôn khéo, để đánh lừa đối thủ Nguyễn Huệ mà Càn Long vừa sợ vừa căm hận đấy thôi.
Tại sao phải lừa đối phương? Dùng binh không thắng một trận quá đau đớn nhục nhã ê chề. Nếu dùng binh lần nữa, chắc gì đã thắng khi đối thủ là Nguyễn Huệ anh hùng tài lược. Có lẽ vậy, cho nên Càn Long mới dùng kế đầu độc bằng “ám khí”, đỡ tốn kém hơn nhiều mà hiệu quả rất lớn. Mặc dù thừa biết là Nguyễn Huệ giả, nhưng Càn Long vẫn “diễn” rất tròn vai. Ông ta không đón tiếp Quang Trung Giả ở cung điện Yên Kinh mà bỏ đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà, buộc Quang Trung giả phải đến đó. Tháng 11-1790, trước khi sứ đoàn Đại Việt về nước, Càn Long tỏ ra quý mến Nguyễn Huệ (giả), cho ngồi bên giường ngự, rồi lấy tay vỗ vai, ân cần an ủi.Sau đó, sai thợ vẽ một bức chân dung để tặng “vua Quang Trung”. Ngày 29-11 năm Canh Tuất, đoàn vua giả lên đường về nước, mang theo nhiều quà tặng quý hiếm…Về việc này, Phan Huy Ích đã chép trong sách TINH XÀ KỶ HÀNH của ông: “Chuyến đi này được vua (Càn Long) đặc cách cho quan Tổng đốc (Phúc Khang An) đi bạn tống (đưa tiễn). Thuyền, xe, cờ quạt quáng cả mắt người ta. Đi đến đâu, quan sở tại phải bôn tẩu đón tiếp đến đó. Mùa thu đến hành cung Nhiệt Hà, lại được theo xa giá về Yên Kinh, đi Tây Uyển. Luôn luôn tiến yến hàng tuần, được ơn trời âu yếm, ưu đãi khác thường. Từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc, chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế”!…
Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc là một quốc gia rất giỏi dùng “ám khí”, tức chất độc hóa học để tiêu diệt đối phương. Điều này đã từng diễn ra từ thời thượng cổ. Đến nay, kiểu đầu độc này vẫn còn diễn ra ở tầm cỡ lớn hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều. Đánh bại đối phương, thậm chí cả thế giới bằng cái mẹo ngọt ngào…Phần lớn nhân dân thế giới đều hiểu rằng ai đã sản xuất ra con vi rút Vũ Hán.
Đầu năm 1792, Đoàn vua giả đang trên đường về nước thì vua Quang Trung đã cử một sứ đoàn tiếp theo, do Đô đốc Vũ Văn Dũng, quê Thanh Miện (Hải Dương) làm Chánh sứ lên đường sang Yên Kinh. Mục đích chuyến đi này là thăm dò thái độ của Càn Long, thăm dò nội tình nước Thanh, đồng thời nghiên cứu địa hình địa vật, để chuẩn bị đối phó với nhà Thanh, một khi cuộc chiến lại xảy ra. Vũ Văn Dũng mang theo 2 tờ biểu sang gặp vua Càn Long. Nội dung tờ biểu thứ nhất là “xin đất” (Lưỡng Quảng) để đóng đô. Thực ra là đòi lại đất Lưỡng Quảng của nước Nam Việt có từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà). Thứ hai là xin cưới công chúa Đại Thanh để kết nối hòa hiếu lâu dài. Hai tờ biểu này chắc do Ngô Thì Nhậm viết, lời lẽ rất mềm dẻo, tình lý đầy đủ, hiện còn lưu trong sách BANG GIAO HẢI THOẠI của Ngô Thì Nhậm.
Chỉ dụ của Quang Trung cho Đô đốc Vũ Văn Dũng (bấy giờ đang ở Hải Dương) nội dung như sau: “Sắc truyền cho Hải Dương Đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ Quốc công, được gia phong chức Chánh sứ đi nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và dò ý cầu hôn một vị công chúa để chọc chơi. Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy!Kính thay sắc này”!
Thông tin từ chỉ dụ của vua Quang Trung cho Đô đốc Vũ Văn Dũng, cho chúng ta biết rằng vua Quang Trung đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công nhà Thanh, nếu chiến tranh lại xảy ra. Đội quân chủ lực đi tiên phong sẽ do Đô đốc Vũ Văn Dũng chỉ huy. Gia phả họ Vũ ở Hải Dương còn chép cụ thể cho biết Vũ Văn Dũng đã đến Yên Kinh và được vào bệ kiến Càn Long. Ông đã hoàn thành cả 2 nhiệm vụ xin đất làm đô và cầu hôn. Quan trọng nữa là ông đã làm nhiệm vụ thăm dò nội tình nhà Thanh. Sau khi nghe lời tâu xin của Vũ Văn Dũng, Càn Long giao vấn đề này cho đình thần bàn xét. Ngày hôm sau, Vũ Văn Dũng lại được vào bệ kiến Càn Long ở Ỷ LƯƠNG CÁC. Vua Càn Long đã đồng ý trao đất Quảng Tây cho Quang Trung dựng đô và gả công chúa cho Quang Trung. Vua giao cho bộ Lễ chuẩn bị việc đưa một công chúa nhà Thanh về kết duyên với vua trẻ Quang Trung. Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì Vũ Văn Dũng nhận được tin Quang Trung mất tháng 7 nhuận, năm Nhâm Tý. Họ Vũ ngao ngán ôm hận trở về.
Thế nghĩa là đoàn vua giả sang Yên Kinh đã về nước trước khi Quang Trung mất đột ngột, ở tuổi bốn mươi sung sức. Quà tặng của Càn Long vua giả đem về, tất phải được kiểm đếm, giao lại cho Quang Trung thật. Trong số đó, có chiếc áo cẩm bào tuyệt kỹ. Có thể Quang Trung đã nhận và mặc thử áo cẩm bào đã tẩm thuốc độc một cách rất tinh vi. Độc dược ngấm qua lỗ chân lông, vua Quang Trung vã mồ hội gục xuống…
Với các sứ đoàn nước ta, họ cũng đã nhiều lần triệt hạ những viên sứ thần tài giỏi mà khí tiết cứng cỏi. Có khi họ mổ bụng moi gan tại chỗ, như sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh chẳng hạn. Việc giết sứ thần tại chỗ, dẫu sao vẫn là hạ sách, người ta thấy ngay bản chất tàn bạo của “thiên triều”, sinh oán hận, không lợi cho hình ảnh “thiên triều” quang minh rực rỡ, văn hiến, văn hóa tốt đẹp. Thế nên, việc dùng “ám khí”, chất độc hóa học vẫn là thượng sách, tối ưu. Các món “quà tặng” hấp dẫn, bao giờ cũng là cái mẹo rất thành công. Phần lớn các sứ thần được tặng quà của “thiên triều”, đều tỏ ra sung sướng lấy làm vinh dự lớn.
Xin nhắc một sự kiện, về cái chết của sứ thần nổi tiếng Quách Hữu Nghiêm. Quách Hữu Nghiêm tỏ ra rất cứng cỏi trong ngoại giao. Kết thúc chuyến ngoại giao, vua nhà Thanh hỏi Quách rằng: “Sông nào lớn nhất”? Không hề e ngại, Quách tiên sinh trả lời ngay: “Côn Giang lớn nhất”! Ví thử, nếu Quách Hữu Nghiêm trả lời Hoàng Hà (của Trung Quốc) lớn nhất, thì chắc sẽ không có chuyện gì. Nhưng Côn Giang lại là con sông ở quê hương Quách Hữu Nghiêm, nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hôm sau sứ đoàn chào vua “thiên triều”. Vua tặng Quách Hữu Nghiêm cái hộp quý, cực kỳ xinh đẹp, còn niêm phong, dặn rằng khi về nước hãy mở. Cụ Quách nhà ta về nước, vua Lê cho về nghỉ phép ít ngày. Đoàn thuyền hộ tống quan đại thần Quách Hữu Nghiêm về đến Côn Giang (sông Côn) gần nhà, cụ Quách mở hộp quà tặng ra xem, thấy mảnh giấy có ghi mấy chữ “Côn Giang đại lão”. Khí độc bốc lên, Quách Hữu Nghiêm gục xuống chết tại chỗ.
Trở lại thời Tây Sơn, các cuộc đàm phán ở biên giới, nhà Thanh cũng gửi quà tặng cho vua Quang Trung. Tất nhiên, đây là những món quà rất hấp dẫn. Càn Long cũng chả dại gì sử dụng “ám khí” ngay ở đây. Có lẽ là còn phải khiến đối thủ tin tưởng vào tấm lòng “chân thành” của thiên triều. Việc ấy, sẽ phải diễn ra vào năm 1890, khi sứ đoàn Đại Việt sang chầu, mừng thọ Càn Long. Nhà Thanh cũng tặng nhiều món quà quý cho các thành viên chủ chốt của sứ đoàn. Khoảng tháng 5-1792, đoàn vua giả về tới quê nhà. Ngày 29-7-1792, Quang Trung mất đột ngột.
Xâu chuỗi các tư liệu lịch sử, kết nối các sự kiện, chúng có thể tìm ra nguyên nhân cái chết bất thường của vua Quang Trung.
Quang Trung mất, nhận được tin này, vua Càn Long tỏ ra thương xót lắm. Nhưng ai biết trong bụng ông ta nghĩ gì?
Vũ Bình Lục