Trong suốt những ngày diễn ra lễ giỗ Tổ, điệu hát xoan như một “lễ vật” đặc trưng dâng lên Vua Hùng, cũng là “món quà” dành cho khách thập phương khi đến vùng đất Tổ.
Cho đến nay, hát xoan đã tròn 3 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chỉ vỏn vẹn 3 năm, nhưng nhiều người phải mừng rỡ khi thấy “bộ mặt” của hát xoan đã nhuận sắc hơn.
Lịch sử ra đời hát xoan không dễ xác định, có quá nhiều tích dân gian để giải thích. Nhưng đa số đều đồng ý khoảng thời gian ra đời của hát xoan là vào thời Hùng Vương. Những câu chuyện ở làng Cao Mại, An Thái, về nàng Quế Hoa, công chúa Xuân Nương… mang đầy tính huyền thoại và hư cấu.
Mặc dù vậy, bóc tách những yếu tố huyễn hoặc, chúng ta có thể thấy tính khoa học về nguồn gốc hình thành và quá trình tồn tại của hát xoan mấy nghìn năm qua.
Trước những năm 2010, rồi cả sau thời gian hội nghị lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Bali (Indonesia), hát xoan cứ mai một dần và đứng trước nguy cơ biến mất.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng các nhà chức việc xác định lý do khiến cho hát xoan rơi rụng bởi lớp nghệ nhân cao tuổi ra đi, lớp trẻ ít mặn mà. Rồi kinh phí duy trì cho các phường hát không có, giao lưu hát xoan giữa các làng rời rạc, chính quyền ít quan tâm vun vén.
Trước ngưỡng cửa hát xoan biến mất, vào tháng 12/2017 – UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, hát xoan như hạt giống bật mầm giữ mùa xuân. Để rồi trong suốt thời gian lễ giỗ Tổ diễn ra, hát xoan trở thành nét văn hóa đặc sắc nhất, cổ xưa nhất của vùng đất Phú Thọ.
Tìm nguyên nhân khi văn hóa mai một thì dễ, nhưng thấy lý do khi nghệ thuật khởi sắc lại rất khó. Vẫn với cách thức truyền dạy ấy, vẫn với chính sách hỗ trợ như vậy, nhưng năm nay diện mạo hát xoan đã hoàn toàn khác. Có người nói rằng, bởi các nghệ nhân ý thức được tầm quan trọng của di sản, bởi thế hệ trẻ thấy được giá trị của văn hóa.
Chẳng biết có thật vậy không, nhưng thấy các “Trùm phường xoan” truyền dạy cho nghệ nhân kế cận và lớp trẻ một cách bài bản, mới thấy giá trị của di sản to lớn cỡ nào. Đặc biệt trong một số trường học ở Phú Thọ, các câu lạc bộ hát xoan theo từng khối, lớp được hình thành.
Giao lưu giữa các câu lạc bộ hát xoan trong trường, đưa học sinh đến các phường xoan gốc để học hỏi. Đó là những việc làm thiết thực, đúng hướng chứ không phải những khẩu hiệu mang tính hô hào, càng không mang tính phong trào thời vụ.
Thế mới thấy, khi thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa cũng như việc gìn giữ di sản, thì dù trong hoàn cảnh nào di sản cũng mãi tồn tại. Thế hệ trẻ là những “món quà” dành cho tương lai di sản, nhưng chính người trẻ cũng có thể biến di sản thành những “món quà” đầy ý nghĩa và giá trị.
Theo GD&TĐ