Năm 1992, sao la được phát hiện gây chấn động thế giới, từ đó các nhà khoa học và bảo tồn kiên trì đi tìm loài thú bí ẩn này.
Cuối tháng 5, đoàn công tác của Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) lội suối, băng rừng đến vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam. Sau vài giờ, đoàn dừng lại dựng lán ở cho hành trình hai ngày một đêm. Đây là công việc thường xuyên của WWF để kiểm tra công tác giám sát bảo tồn đa dạng sinh học mà tổ chức này tài trợ hơn 20 năm qua.
Tham gia chuyến đi, tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF tại Việt Nam, đã kể về hành trình tìm kiếm sao la – một trong những loài thú hiếm nhất thế giới.
Tháng 5/1992, sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang trong một chuyến khảo sát của Bộ Lâm nghiệp và WWF. Việc khám phá ra loài đã gây chấn động thế giới, vì giới khoa học cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là “chuyện khó có thể xảy ra”.
Sau này, sao la được tìm thấy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào. Do là loài đặc hữu, chỉ sinh sống trên dãy Trường Sơn miền Trung Việt Nam và phía Nam nước Lào, sao la có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và trong sách đỏ của Việt Nam.
Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis hay còn gọi là kỳ lân châu Á. Con trưởng thành dài từ 1,3 đến 1,5 m, cao 0,9 m, nặng khoảng 100 kg, có bộ lông màu nâu sẫm, sừng dài và mảnh dẻ, hướng về phía sau hơn 50 cm để tự vệ. Giới khoa học đánh giá, sao la là một trong những loài chỉ thị của cánh rừng nguyên sinh, chưa bị con người tác động. Do chúng rất nhạy cảm, cặp sừng dài dễ bị đe dọa nên không thể sống ở khu rừng bị xâm hại.
Năm 1996, người dân Hà Tĩnh bắt được một con sao la chuyển về Viện Điều tra quy hoạch rừng ở Hà Nội nuôi nhốt để nghiên cứu, nhưng 6 tháng sáu thì chết. Hai năm sau, WWF có một dự án đầu tư ở Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh nghiên cứu để bảo tồn, nhưng nhiều năm không phát hiện thêm con nào. Từ đó đến nay tại Vườn quốc gia Vũ Quang chưa ghi nhận thêm sao la.
Tại Thừa Thiên Huế, năm 1998 người dân bắn chết một con sao la mẹ, chỉ để lại một con hơn tháng tuổi. Chúng được đưa về nuôi nhốt ở Vườn quốc gia Bạch Mã, nhưng sau 3 tháng thì chết. Các chuyên gia tiếp tục đặt bẫy ảnh ở nhiều khu rừng nhưng không ghi nhận thêm cá thể nào.
Năm 1999, kết quả nghiên cứu ADN cho thấy sao la thuộc phân họ trâu bò (Bovinae), nếu nhìn thoáng qua thì rất ít có điểm giống nhau. Họ hàng gần của sao la là chi bò (Bos) và bò rừng bison.
Sau 15 năm không ghi nhận thêm thông tin mới, giới nghiên cứu bảo tồn tưởng chừng sao la đã tuyệt chủng thì chúng lại xuất hiện. Tấm ảnh đen trắng từ máy ảnh cảm biến được WWF và Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam đã ghi lại hình ảnh một con đang đi ăn.
Bẫy đặt dưới gốc cây bên con suối giữa rừng già, nơi có nhiều cây môn thục mọc – thức ăn ưa thích của sao la. Cũng trong ngày phát hiện sao la 27/9/2013, ông Thịnh đang tham dự hội nghị thường niên của tổ chức WWF toàn cầu, tổ chức tại Thụy Sĩ. Ông đã công bố với lãnh đạo của gần 200 quốc gia: “Việt Nam chính thức tái phát hiện sao la qua bẫy ảnh tại vùng rừng sâu của tỉnh Quảng Nam”.
Chia sẻ của ông Thịnh khiến cả khán phòng lặng đi, phải một lúc sau tiếng vỗ tay mới vang lên. Một hy vọng mới, một kỳ vọng về việc bảo tồn loài động vật đặc hữu quý hiếm này lại được thắp lên, song song với việc hồi sinh những cánh rừng Trung Trường Sơn ở Việt Nam và Lào. Nhiều tạp chí, tờ báo nổi tiếng thế giới đã cử người đưa tin sự trở lại của loài. Có nhiều phóng viên quốc tế đến Quảng Nam ăn ở trong rừng làm phim.
Tuy nhiên, từ 2013 đến nay, các nhà nghiên cứu, bảo tồn chưa ghi nhận thêm thông tin mới về sao la ở Việt Nam. Dưới sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của WWF, hai khu bảo tồn sao la được thành lập ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam – nối liền vùng rừng nguyên sinh hơn 30.000 ha. Việc nối liền những cánh rừng là mục tiêu tham vọng của WWF và đối tác nhằm tạo ra sinh cảnh liền mạch cho các loài hoang dã, hài hòa cuộc sống của con người với thiên nhiên.
Thời gian tới, WWF tiếp tục hỗ trợ mở rộng và nối liền các hệ sinh thái để các cá thể sao la có cơ hội tiếp xúc với nhau tạo một quần thể đủ lớn để sinh sản và phát triển. “Bảy năm qua chưa phát hiện lại, tuy nhiên chúng tôi hy vọng rằng quần thể sao la vẫn nằm trong khu bảo tồn được bảo vệ nghiêm ngặt. Mong muốn trong tương lại sẽ ghi nhận lại để có một phương án bảo vệ tốt hơn”, ông Thịnh nói.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, cho biết từ ngày thành lập khu bảo tồn đến nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của sao la dần phục hồi và tốt lên. Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu sự tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác gỗ, lâm sản.
Theo VNE