Văn học đã từng có những tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng về đề tài nông thôn. Nhưng theo thời gian, số lượng sáng tác mảng đề tài này ngày càng ít. Phải chăng đề tài nông thôn đã không còn đủ sức hấp dẫn đối với người cầm bút trên cánh đồng văn chương?
Bức tranh văn học nông thôn nhạt nhòa
Thực tế, hiếm có người Việt Nam yêu văn chương nào lại không biết đến những tác phẩm văn học rất nổi tiếng về đề tài nông thôn của các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… cùng hàng loạt tác phẩm đậm đà hương vị miền Tây Nam Bộ của các nhà văn phía Nam như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam…
Đó chính là những tượng đài góp phần kiến tạo nền văn học Việt Nam, khiến nền văn chương nước ta trở nên nổi tiếng ở cả chiều dài và chiều sâu trong dòng chảy của lịch sử văn hóa, đất nước, con người xứ Việt.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, các tác phẩm như “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng” (nhà văn Lê Lựu”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (nhà văn Nguyễn Khắc Trường), “Bến không chồng” (nhà văn Dương Hướng), “Mưa mùa hạ” (Ma Văn Kháng), “Cù Lao Chàm” (Nguyễn Mạnh Tuấn), “Thương nhớ đồng quê” (Nguyễn Huy Thiệp), “Khách ở quê ra” (Nguyễn Minh Châu), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư)… không chỉ là những cuốn sách gối đầu giường của độc giả nhiều thế hệ mà còn là nguồn chất liệu phong phú cho các nhà biên kịch chuyển thể thành những bộ phim điện ảnh, truyền hình hấp dẫn.
Nhưng gần đây, số lượng đầu sách viết về nông thôn mỗi năm lại ít đi, số lượng nhà văn trẻ “chuyên trị” đề tài nông thôn có thể đếm trên đầu ngón tay của 1 bàn tay gồm Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Ngọc Tư.
Sau khi các cuộc thi, phát động sáng tác văn học đề tài nông thôn thường xuyên được tổ chức; những hội thảo khoa học, các chuyên trang, chuyên đề với rất nhiều bản trình bày, bài viết về hiện trạng văn học đề tài nông thôn như một lời kêu gọi thúc đẩy các nhà văn hãy cho ra đời nhiều hơn nữa những tác phẩm về làng quê, đã có một vài sáng tác văn học đề tài nông thôn đáng chú ý gần đây, như “Xứ Đoài mây trắng” (Nguyễn Sơn Đỗng), “Cách trở âm dương” (Vũ Huy Anh), “Họ vẫn chưa về” (Nguyễn Thế Hùng), “Thần thánh và bươm bướm” (Đỗ Minh Tuấn)… nhưng vẫn chỉ như muối bỏ bể. Bức tranh văn học về nông thôn dường như vẫn đang rất nhạt nhòa trong dòng chảy chung của văn học nghệ thuật cả nước.
Nhà văn trẻ sớm “ly nông – ly hương”
Phải chăng, nông thôn, làng quê với những câu chuyện giàu nét văn hóa truyền thống từ ngàn xưa đã không còn chiếm vị trí quan trọng trong nhu cầu tìm hiểu, học hỏi thưởng thức của độc giả? Phải chăng các nhà văn cũng đã mệt mỏi và không còn hứng thú với ba chuyện cấy cày?
Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho độc giả hiện nay chỉ biết hướng ngoại, lười đọc những câu chuyện về làng quê, mà dường như chính các nhà xuất bản, người sáng tác cũng đang chịu sự tác động lớn của cơn lốc thị trường, thương mại hóa. Sách dịch hay những cuốn truyện hiện đại nói về con người, cuộc sống nơi thị thành đang là đề tài “hot”, hấp dẫn giới trẻ nên bán chạy hơn. Đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo các nhà xuất bản không lỗ vốn.
Đây cũng là căn nguyên khiến mảng đề tài này ngày càng thiếu vắng những tác phẩm đích thực phản ảnh cuộc sống phong phú đẹp đẽ, sâu lắng nơi miền quê, dẫn đến lỗ hổng ngày càng sâu trong thị hiếu của độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi.
Mặt khác, về phía lực lượng sáng tác, có thể thấy rằng các nhà văn ngày nay ngay sau khi trưởng thành cũng nhanh chóng rời khỏi làng quê tới thành phố sinh sống và học tập, làm việc.
Vì vậy, họ thiếu sự am hiểu, thiếu những kỷ niệm về quê hương và nhất là thiếu tình yêu thực sự với nơi họ đã sinh ra. Các nhà văn trẻ vừa không có trải nghiệm, vốn sống về nông thôn phục vụ cho công việc sáng tác của họ, vừa không cảm nhận được sức hấp dẫn của đề tài này.
Sở dĩ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng ở mảng đề tài này vì vùng sáng tác của chị liên quan đến nông thôn, cụ thể là miền Tây Nam Bộ – nơi chị trưởng thành và sinh sống ở đó liên tục. Còn một số đồng nghiệp của chị, dù có tâm huyết, có vắt kiệt sức mình cho nó thì họ cũng phải đối mặt với áp lực kiếm sống, với vấn đề thương mại, thị trường, nhu cầu độc giả, nên cũng đành phải nén lòng chiều ý nhà xuất bản mà gác tình yêu của mình sang một bên.
Dĩ nhiên, một tác phẩm viết về nông thôn có nội dung hấp dẫn, hay, được độc giả săn lùng, sách bán đắt như tôm tươi là điều mà nhà văn và nhà xuất bản đều muốn. Nhưng công việc sáng tác nghệ thuật có đặc thù riêng, những tinh hoa như thế có khi chỉ xuất hiện một lần trong sự nghiệp của người sáng tác, cho nên đòi hỏi có số lượng lớn những tác phẩm văn học như thế là điều khó xảy ra.
Vun xới lại “cánh đồng” văn chương màu mỡ
Việt Nam có tới 80% dân số sống, trưởng thành và làm việc ở nông thôn, nói như nhà văn Nguyễn Hiếu – tác giả của một số truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình đề tài nông thôn: “Một nhà nhân chủng học nổi tiếng đã nhận xét bằng hình ảnh hóm hỉnh. Đó là cứ thử lật bất kỳ tấm áo của một trí thức nào ở Việt Nam, ở mọi danh hiệu, cấp bậc, người ta đều nhận ra vết lằn giây chạc trên lưng của thời chăn trâu thuở nhỏ. Một hình ảnh thực sự khái quát cho đặc điểm người Việt Nam với nền văn minh lúa nước”.
Nhưng đề tài nông thôn trong văn học trong 2-3 thập niên gần đây không trở thành một đề tài quan trọng, trung tâm, nếu không muốn nói là bị lãng quên, xem nhẹ. Rõ ràng, đây là một mất mát lớn cho chính đội ngũ sáng tác và độc giả. Ai cũng nhìn thấy điều đó, hiểu được tác hại của lỗ hổng này, nhưng tìm được giải pháp vẫn là một câu chuyện dài trong cả chặng đường dài phía trước.
Cuối thập niên 1980 đã có cuộc một cuộc thi sáng tác văn học nông thôn cũng từng được tổ chức và thu được thành công lớn với hàng loạt truyện ngắn có sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Việc tổ chức các cuộc thi, vận động các nhà văn sáng tác và tạo điều kiện cho các nhà văn có sân chơi, môi trường sáng tác cũng là một trong những giải pháp tức thời để đưa dòng văn học nông thôn trở lại.
Những cuộc thi viết về người nông dân, về làng quê Việt sẽ như một cú huých, khuyến khích các nhà văn quay về một đề tài lớn, vốn rất quen thuộc đối với họ, đang bị lãng quên.
Sự thức tỉnh này cũng là một phát hiện cho các nhà văn vì chính làng quê, nông thôn hôm nay, qua thực tế nóng bỏng với các diễn biến gay gắt về ruộng đất, sự thay đổi về bản chất người “nhà quê”, tình làng nghĩa xóm… thực sự đang là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn “cày xới”.
Chúng ta luôn rất cần và mong chờ các nhà văn thật sự đam mê và có cơ hội nuôi dưỡng niềm đam mê của họ với đề tài hấp dẫn này, để mảng văn học về nông thôn, làng quê và người nông dân lại trở lại trở rực rỡ, ghi đậm dấu ấn trên văn đàn Việt Nam.
Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo NTNN xuất bản số báo đầu tiên (7.5.1984 – 7.5.2019). Cuộc thi sẽ diễn ra từ năm 2019 – 2021, nhằm tìm kiếm, chọn lọc và trao giải cho các truyện ngắn xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; Tôn vinh người nông dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo ở nông thôn mới; Bảo vệ, phát huy các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê, nông thôn, đồng thời phê phán những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa đối với làng quê Việt Nam…
Thành phần Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi gồm có đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban Biên tập Báo NTNN/Dân Việt cùng các nhà văn nổi tiếng, có uy tín và có tiếng nói, sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Ban tổ chức
Theo Danviet