Con người thực sự là sinh vật có khiếu trong việc kể chuyện. Không những thế, trí tưởng tượng của chúng ta còn vượt xa tất cả. Những huyền thoại, truyền thuyết, những câu chuyện bí ẩn cũng từ cái miệng bé xinh cùng óc tưởng tưởng phong phú của chúng ta mà ra.
Bạn biết không, Chúa tể của những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) – tiểu thuyết hư cấu huyền thoại đương đại vốn được tác giả Tolkien lấy cảm hứng từ “vòi phun lửa” Stromboli, một ngọn núi lửa tại Sicilia, được mệnh danh là “Ngọn hải đăng của Địa Trung Hải”.
Đó là minh chứng cho thấy không phải câu chuyện hư cấu nào cũng hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Và dưới đây là sáu truyền thuyết nổi tiếng, được thổi phồng, thi vị hóa và bí ẩn hóa từ những sự kiện lịch sử có thật.
1. Hồ Crater và Trận chiến của các vị Thần (The Battle of Gods)
Klamath – một bộ tộc bản địa ở Mỹ – tin rằng Hồ Crater ở Oregon đã từng là một ngọn núi cao có tên Mazama. Xưa kia, đây là nơi sinh sống của Llao, vị thần tối cao của âm phủ.
Sử thi của họ truyền tụng về trận chiến kinh hoàng giữa Llao và Skell – chúa tể của bầu trời. Trời đất khi ấy như rung chuyển, những lời giáng tội và nguyền rủa phủ khắp bầu trời vùng Mazama cùng khu vực gần núi Shasta.
Llao thua trận và chạy trốn xuống lòng đất. Skell đánh sập ngọn Mazama và giam cầm Llao mãi mãi, trước khi “trang trí” thêm một hồ nước xanh trong tuyệt đẹp trên đỉnh nhà tù hùng vĩ này.
Thực chất, truyền thuyết này là sản phẩm văn học dân gian lấy cảm hứng từ một vụ phun trào núi lửa từ cách đây 7.700 năm. Theo các nhà địa chất học, vụ phun trào này có sức công phá mạnh gấp 40 lần so với sự kiện nổi tiếng năm 1980 tại núi St. Helens. Một hồ chứa magma khổng lồ trong lòng đất đã thổi bay một phần vỏ Trái đất, tạo nên một miệng núi lửa to lớn mà sau này trở thành hồ Crater do nước mưa tù đọng trong thời gian dài.
2. Ramayana, đội quân Nhân Hầu (The Ape Army) và chiếc cầu Rama
Ramayana là một sử thi nổi tiếng của Ấn Độ với những mô-típ kinh điển.
Sita, vợ Rama, bị bắt cóc và đưa đến Vương quốc Quỷ trên đảo Lanka. Rama cùng anh trai Lakshman đã tập hợp được một đội quân nhân hầu (người khỉ) và xây dựng một chiếc cầu nổi (cầu Rama) bắc từ Ấn Độ đến tận Vương quốc Quỷ, đánh bại vua quỷ Ravana và giải cứu Sita.
Mặc dù câu chuyện nghe đầy tính hình tượng hóa và huyền ảo, cây cầu ấy thực sự tồn tại. Các cuộc thăm dò trên không cho thấy rõ có một dải đất đá vôi và cát dài 48km ngay dưới mặt nước nối liền hai vùng đất. Nhiều phần của chiếc cầu chỉ cách mặt nước vài mét.
Nó rõ ràng là điều truyền cảm hứng cho người Hindu cổ đại xây dựng nên một phần của sử thi. Cây cầu được cho là vẫn nổi trên mặt nước, mãi cho đến khi bị một trận cuồng phong kèm theo cơn bão khổng lồ ở thế kỷ 15 nhấn chìm.
3. “Khách Tinh” (The Guest Star): ngôi sao khách ghé thăm Trái đất rồi biến mất
Vào khoảng năm 1006, các nhà thiên văn học trên khắp thế giới đã phát hiện ra một ngôi sao mà họ gọi là Khách Tinh trên bầu trời Trái đất. Học giả người Ba Tư, Ibn Sina là người đã đưa ra mô tả chi tiết nhất về ngôi sao này.
Trong Kitab al-Shifa (Sách Cữu rỗi), ông đã mô tả một ngôi sao chỉ xuất hiện chừng vài tháng trên bầu trời, liên tục thay đổi màu sắc và phóng ra những đốm lửa trước khi biến mất.
Trong suốt một thời gian dài, vật thể này bị nghi ngờ là sao chổi. Tuy nhiên ngày nay ,ngôi sao đổi màu huyền bí đó chính là thứ mà chúng ta gọi là siêu tân tinh SN 1006.
Một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra cách đây 7.200 năm, và mãi đến thiên niên kỷ đầu tiên, ánh sáng của nó mới sượt qua trên bầu trời Trái đất. Mặc dù sau lần đó, các bước sóng khả kiến của nó đã biến mất khỏi tầm quan sát, nhưng tàn dư năng lượng mà SN 1006 phát ra hiện vẫn có thể quan sát được nhờ đài quan sát Chand Chandra của NASA.
Sự va chạm giữa hai ngôi sao tạo ra vụ nổ năng lượng siêu tân tinh, kèm theo đó là đủ loại màu sắc. Đây cũng chính là lời lí giải cho việc Khách Tinh biến sắc liên lục.
Những ghi chép của Sina không chỉ giúp chứng minh truyền thuyết này có thật, mà còn cung cấp dữ liệu giúp các nhà thiên văn hiện đại thu thập được nhiều thông tin về hiện tượng thiên văn này nhất có thể.
4. Atlantis – nền văn minh dưới đáy biển
Một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại chính là Atlantis – nền văn minh dưới đáy biển.
Huyền thoại Atlantis lần đầu được mô tả bởi nhà triết học nổi tiếng người Hy Lạp – Plato. Truyền thuyết kể về một nền văn minh rực rỡ bỗng chìm sâu và biến mất vĩnh viễn dưới những con sóng. Atlantis từng gây nên rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên, một số nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây dựng dựa trên sự sụp đổ của đế chế Minoan.
Khoảng 3.650 năm trước, một vụ phun trào núi lửa lớn đã làm rung chuyển Thera, hòn đảo ở miền nam biển Aegea nằm cách phía đông nam của đại lục Hy Lạp 200km, nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Santorini. “Con sóng” magma khổng lồ đã nhanh chóng quét sạch một cách tàn khốc phần lớn đảo, kéo theo đó là sóng thần từ biển Aegean tràn qua đảo Crete và nhấn chìm gần hết Thera.
Nền văn minh Minoan chìm dưới những con sóng và không còn bất kỳ tàn tích nào nữa.
5. Trận chiến Lôi điểu và cá voi
Một thần thoại khác của người Mỹ bản địa truyền tụng về Lôi điểu, sinh vật siêu nhiên có khả năng gọi sấm, loài thần thú đã giúp người dân Quileute tiêu diệt con cá voi độc ác – kẻ đang ngày ngày tước đoạt đi nguồn tài nguyên của bộ tộc.
Kẻ tám lạng, người nửa cân. Cuộc chiến nảy lửa giữa Lôi điểu và con cá voi diễn ra rất cam go. Những làn sóng dữ dội tạo ra từ cuộc chiến giữa trời và biển ập vào đất liền, tước đi sinh mạng của rất nhiều người.
Cuối cùng, Lôi điểu đã kết liễu con cá voi bằng cách cắp nó ra khỏi mặt nước – nơi nó có thể sử dụng sức mạnh lớn nhất – rồi thả nó từ trên cao xuống đất liền, tạo là một tiếng nổ lớn làm chấn động cả một vùng.
Trở lại thập niên 80 của thế kỷ 20, các nhà địa chất đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy một trận động đất lớn đủ để tạo ra sóng thần đã xảy ra vào năm 1.700 ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Con sóng thần không chỉ ảnh hưởng đến một phần duyên hải châu Mỹ, nơi bộ lạc Quileute sinh sống mà nó còn mạnh đến mức gây chấn động cả Nhật Bản.
Thêm vào đó, Aiornis, một loài chim khổng lồ thời tiền sử có thể là nguồn cảm hứng sáng tạo nên Lôi điểu của những cư dân Bắc Mỹ đầu tiên này. Loài chim có sải cánh dài lên tới 5m. Dù không thể nhấc bổng được hẳn một con cá voi và thả xuống đất liền, chúng thường sà xuống mặt nước để rỉa thịt từ các xác cá voi.
6. Đại hồng thủy
Tác phẩm thuộc nên văn minh Lưỡng Hà này có từ thế kỷ thứ 7 TCN. Nhiều vị thần đã toan tạo ra một trận lụt lớn và phá hủy thế giới. Một trong những vị thần, Ea, đã tiết lộ cho một người đàn ông tên Utu-napishtim và bảo ông ta đóng một chiếc thuyền để cứu lấy mình và gia đình cùng các loài động vật.
Câu chuyện là một phần của tác phẩm văn học vĩ đại đầu tiên trong lịch sử loài người, khá giống với câu chuyện được ghi chép trong kinh thánh. Vậy liệu rằng thật sự có trận Đại hồng thủy nào không?
Các hồ sơ địa chất cho thấy nước tan từ các dòng sông băng đã ngừng chảy ra Biển Đen (phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ) cách đây 11.500 năm, mà hướng ra Biển Bắc, khiến nước Biển Đen bắt đầu cạn dần. Trong cùng khoảng thời gian đó, lưu vực Địa Trung Hải liên tục được tiếp nước từ Đại Tây Dương.
Cuối cùng, lượng nước quá tải từ Địa Trung Hải tràn vào Biển Đen. Điều này tạo ra một dải trầm tích lớn giữa hai vùng biển. Bất kỳ ai ở thời điểm đó cũng có thể chứng kiến một lượng nước lớn gấp 200 lần thể tích nước ở thác Niagara (Mỹ) ầm ập đổ xuống lưu vực Biển Đen và lấp đầy nó chỉ trong một ngày. Một khu vực có diện tích tương đương quận Manhattan (New York – 87km2) có lẽ đã bị nhấn chìm.
Thần thoại thường là cái gì đó vô cùng mỹ lệ, phi thường và ngoạn mục đến mức khó tin. Ngược lại, khoa học chỉ đưa ra thông tin về những gì thật sự tồn tại. Thế nhưng, kỳ diệu thay, khoa học và thần thoại đôi khi lại không hề tách biệt.
Tuy ngược ngạo nhưng chúng lại bổ sung, hỗ trợ nhau khiến đôi khi khoa học chính là thần thoại và ngược lại, thần thoại chính là khoa học.
Tham khảo: Iflscience