Tô Vũ đi đến Bắc Hải, từ đó bắt đầu cuộc sống giam cầm kéo dài suốt 19 năm. Ở đó Tô Vũ không có lương thực, vừa đói vừa lạnh, đành phải nhổ rau dại ăn, đào hang chuột để lấy ngũ cốc dự trữ của chúng…
Tô Vũ chăn dê bên bờ Bắc Hải – nay là hồ Baikal là câu chuyện mà người dân Trung Quốc nào cũng biết, ông quyết giữ Hán tiết (Hán tiết là tín vật mà vua của nhà Hán đưa cho các quan ngoại giao khi đi sứ nước khác, Hán tiết là vật tượng trưng cho quốc gia, được làm bằng một cây tre dài khoảng 1,8 mét, trên cây tre có buộc ba bó tua rua làm bằng lông đuôi của bò Tây Tạng), trung thành với Hán triều suốt 19 năm không đầu hàng Hung Nô, danh tiếng mà ông để lại chính là ý chí thề chết tận trung, đến nay đã hai ngàn năm trôi qua, nhắc lại câu chuyện này vẫn khiến người ta vô cùng cảm phục.
Tô Vũ (140 TCN – 60 TCN), là con thứ trong gia đình, cha của ông là Tô Kiến. Sinh thời Tô Vũ cùng với anh trai Tô Gia và em trai Tô Hiền đều được làm Lang trung, về sau thăng chức làm Di trung cứu giám. Vào thời kỳ của Hán Vũ Đế, nhà Hán không ngừng chinh phạt Hung Nô, đôi bên nhiều lần phái sứ thần dò thám lẫn nhau. Hung Nô giam giữ đoàn sứ thần của nhà Hán tổng cộng mười mấy người gồm có Quách Cát và Lộ Sung Quốc, nhà Hán cũng giam giữ sứ thần của Hung Nô để tạo thế cân bằng.
Năm Thiên Hán đầu tiên (năm 100 TCN), Thiền vu mới – thủ lĩnh của các bộ lạc liên minh Hung Nô lên ngôi, lo sợ bị nhà Hán tấn công, vì thế nói rằng: “Thiên tử nhà Hán là trưởng bối của ta”. Sau đó đã thả tự do cho nhóm người của Lộ Sung Quốc và giao trả họ về cho nhà Hán. Để bày tỏ tình cảm hòa hảo, Hán Vũ Đế phái Tô Vũ dùng thân phận Trung lang tướng cầm Hán tiết đi sứ Hung Nô, Tô Vũ dẫn theo trợ thủ Trương Thắng và tùy tùng Thường Huệ, thống lĩnh hơn một trăm người mang theo rất nhiều của cải lên đường.
Không ngờ, sau khi Tô Vũ hoàn thành nhiệm vụ đi sứ, vào lúc Thiền vu phái sứ thần hộ tống đoàn người của Tô Vũ chuẩn bị quay về đất nước của mình, thì giữa các đại thần cấp cao của Hung Nô xảy ra nội chiến và kết cấu với phó sứ thần Trương Thắng, muốn bắn chết thân tín của Thiền vu là đại thần Vệ Luật, Tô Vũ vô tình bị liên lụy, bị giữ lại và yêu cầu đầu hàng. Tô Vũ rút đao ra tự vẫn: “Không hoàn thành sứ mệnh, dù có sống, cũng đâu còn mặt mũi nào quay về Hán triều!”, sau khi ông sắp tắt thở thì được cứu sống. Thiền vu khâm phục nghĩa khí của Tô Vũ, sớm tối đều sai người đi thăm hỏi. Vết thương của Tô Vũ dần dần khôi phục, Thiền vu phái Vệ Luật khuyên Tô Vũ quy hàng – Vệ Luật vốn là sứ thần của nhà Hán, nhưng đã quy hàng Hung Nô.
Đích thân Thiền vu cũng thuyết phục Tô Vũ quy hàng, hứa sẽ ban cho ông bổng lộc hậu hĩnh và một chức quan rất cao, nhưng Tô Vũ cương quyết từ chối. Hung Nô thấy thuyết phục không có tác dụng, khi ấy đang là lúc mùa đông vô cùng lạnh giá, trên trời rơi xuống những trận tuyết lớn. Thiền vu sai người nhốt Tô Vũ vào trong một hầm đất lộ thiên, không cho lương thực và nước uống, hy vọng làm như vậy sẽ có thể thay đổi được suy nghĩ của ông. Thời gian từng ngày trôi qua, Tô Vũ ở dưới hầm đất chịu đủ mọi sự dày vò. Lúc khát, ông sẽ ăn một cục tuyết, lúc đói sẽ gặm tấm da dê đang mặc trên người, lúc lạnh sẽ rúc vào một góc hầm sưởi ấm.
Nhiều ngày trôi qua, Thiền vu thấy Tô Vũ đang thoi thóp mà vẫn chưa chết, người Hung Nô cho rằng Tô Vũ là Thần linh, nên đành phải thả ông ra ngoài. Thiền vu biết rằng bất luận là mềm mỏng hay cứng rắn, thì đều không có hy vọng có thể thuyết phục được Tô Vũ đầu hàng, nhưng càng kính trọng khí chất của Tô Vũ thì lại càng không nhẫn tâm giết chết ông, tuy vậy lại không muốn thả Tô Vũ quay về đất nước của mình, vì thế Thiền vu quyết định lưu đày Tô Vũ đến Bắc Hải, cho ông đi chăn dê. Trước khi đi, Thiền vu gọi Tô Vũ đến nói: “Nếu như ngươi không đầu hàng, vậy thì ta sẽ cho ngươi đi chăn dê, khi nào dê đực sinh được dê con, ta sẽ cho ngươi quay trở về Trung Nguyên”.
Tô Vũ đi đến Bắc Hải, từ đó bắt đầu cuộc sống giam cầm kéo dài suốt 19 năm. Ở đó Tô Vũ không có lương thực, vừa đói vừa lạnh, đành phải nhổ rau dại ăn, đào hang chuột để lấy ngũ cốc dự trữ của chúng. Tô Vũ ôm Hán tiết chăn dê, đi đứng nằm ngồi đều cầm Hán tiết, đến nỗi toàn bộ lông trên Hán tiết đều rơi xuống hết.
Năm sáu năm trôi qua, em trai của Thiền vu là Ư Hãn Vương đi đến Bắc Hải săn bắn. Thấy Tô Vũ biết đan những tấm lưới săn bắn, biết sửa cung nỏ, Ư Hãn Vương rất xem trọng ông, bèn cung cấp quần áo và lương thực cho ông. Rồi lại ba năm trôi qua, Ư Hãn Vương bệnh nặng, ban cho Tô Vũ ngựa, gia súc, đồ đựng rượu, lều… Sau khi Ư Hãn Vương chết, thuộc hạ của ông đều chuyển đi nơi khác. Mùa đông, người Đinh Linh đến cướp dê và ngựa của Tô Vũ, Tô Vũ lại một lần nữa rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống như vậy cứ hết ngày tháng này qua ngày tháng khác, hết năm này sang năm khác, râu tóc của Tô Vũ đều biến thành màu trắng.
Mãi cho đến năm 85 TCN, Thiền vu của Hung Nô qua đời, Hung Nô xảy ra nội chiến, phân chia thành ba quốc gia. Thiền vu mới không đủ sức mạnh để đánh nhau với nhà Hán, lại sai sứ thần đi cầu hòa. Khi đó Hán Vũ Đế đã qua đời, con trai ông là Hán Chiêu Đế lên kế ngôi. Hán Chiêu Đế phái sứ thần đến Hung Nô, yêu cầu thiền vu thả Tô Vũ về nước, Hung Nô nói dối rằng Tô Vũ đã chết rồi, sứ thần tưởng là thật nên đã tin lời Hung Nô.
Bởi vì Tô Vũ sinh sống ở Bắc Hải nhiều năm, cho nên ông hiểu rất rõ về sinh thái và khí hậu của Hung Nô, hơn nữa Hung Nô còn cưới một người vợ cho Tô Vũ. Ngoài ra, điều mà người Hung Nô không muốn nhìn thấy nhất chính là sau khi một sứ thần đã nắm rõ Hung Nô trong lòng bàn tay quay trở về nước của mình, sẽ mang quân Hán đến tấn công Hung Nô, một nhân vật kiệt xuất như Tô Vũ thì càng không phải nói. Chính vì vậy mà Hung Nô phải nói dối là Tô Vũ đã chết.
Lần thứ hai, sứ thần nhà Hán lại đến Hung Nô lần nữa, tùy tùng của Tô Vũ năm xưa là Thường Huệ khi ấy vẫn còn ở Hung Nô, Thường Huệ âm thầm đi gặp sứ thần nhà Hán, khuyên sứ thần nói rằng: “Thiên tử nhà Hán bắn được một con đại nhạn trong Thượng Lâm Uyển, trên chân đại nhạn có cột một tấm lụa, trên đó viết rằng: Tô Vũ chưa chết và ông ta đang ở gần một cái hồ nào đó thuộc Hung Nô”. Thiền vu vô cùng kinh ngạc, sau đó, Thiền vu triệu tập thuộc hạ của Tô Vũ, ngoại trừ những người đã đầu hàng và đã chết, tổng cộng có 9 người, cho theo Tô Vũ về nước. (Đại nhạn ở đây là ngỗng thiên nga, một loài chim di cư vào mùa đông).
Mùa xuân năm Thủy Nguyên thứ 6 (năm 81 TCN) thời Hán Chiêu Đế, Tô Vũ quay trở về đến Trường An (nay thuộc Tây An, Thiểm Tây). Hán Chiêu Đế ra lệnh cho Tô Vũ mang theo một phần lễ vật đi bái tế Vũ Đế tại viên miếu. Hán Chiêu Đế ban cho Tô Vũ chức quan Điển thuộc quốc, bổng lộc hai ngàn thạch; ban hai trăm vạn lượng, hai khoảnh ruộng quan, một căn nhà để ở. Thường Huệ, Từ Thánh, Triệu Chung Căn đều được làm quan Trung lang, ban thưởng hai trăm thước tơ lụa các loại. 6 người khác còn lại vì tuổi đã cao nên được hồi hương, mỗi người được ban thưởng mười vạn lượng bạc, miễn thuế cả đời.
Năm Nguyên Bình đầu tiên (năm 74 TCN) thời Hán Chiêu Đế, Hán Tuyên Đế lên ngôi. Hán Tuyên Đế phong cho Tô Vũ làm Quan nội hầu, thưởng ba trăm hộ thực ấp. Tô Vũ sống đến tám mươi mấy tuổi, qua đời vào năm Thần Tước thứ 2 (năm 60 TCN) thời Hán Tuyên Đế.
Theo Sound Of Hope