‘Lộc rừng’ trên dãy Trường Sơn!

10:27 | 16/03/2020

Chúng tôi rất ấn tượng khi lên vùng núi các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vào những ngày đầu năm này, bởi nhìn thấy cư dân đang tất bật hái đót, gùi đót, phơi đót nhộn nhịp hai bên đường và trước sân nhà Gươl. Cây đót chính là “lộc rừng” để người dân trên dãy Trường Sơn mưu sinh.


Người dân bó đót để đem bán ven Quốc lộ 14G ở Đông Giang, Quảng Nam. Ảnh: Tiên Sa

Đót (còn gọi là cây chít) là cây bụi mọc nhiều ở hai bên Quốc lộ 14G, kéo dài từ các triền sông, triền suối thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đến hết dốc Kiền giáp ranh với xã Ba (huyện Đông Giang)… và lên đến vùng cao các huyện Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam)… Hằng năm, đến giáp Tết, từ ngọn đót nở bông (hoa) dài, gọi là bông đót. Ăn Tết cổ truyền xong, từ đầu tháng Giêng, cư dân nơi đây và bà con ở các xã đồng bằng trong huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Điện Bàn, Đại Lộc… (Quảng Nam) lên đây để bứt đót, rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi đót. Mùa bứt đót kéo dài đến hết tháng Giêng.

Ông Phạm Văn Crới (66 tuổi, trú tại thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, công đoạn bứt đót khá vất vả, nhiều trường hợp đối mặt với hiểm nguy. Đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc (taluy) cao, muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, đồng thời, một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía đối diện… Bứt đót rất vất vả, nhất là vào thời điểm trời bắt đầu nắng gắt, mồ hôi tuôn ra như tắm, có người còn ra mồ hôi muối, trắng phau cả phần lưng áo. Đã thế, những lúc bứt đót già, “phấn hoa” bay, bu bám vào người, gây ra ngứa xót. Đó là chưa kể lũ côn trùng như ong vò vẽ bu bám, cắn ngứa, đau nhức… vô cùng…

Vừa phơi đót mới thu mua, chị Nguyễn Thị Vân (38 tuổi, trú tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Thanh niên trong vùng mỗi ngày bứt khoảng 40kg; phụ nữ thì ít hơn, khoảng 30kg. Cơ sở bình quân mua mỗi kg đót tươi với giá từ 6.500 đến 7.000 đồng. Mỗi ngày, chúng tôi thu mua khoảng 10 tấn đót tươi từ các xã của huyện Nam Giang đưa về. Năm nay, đót mất mùa do diện tích đót ngày càng thu hẹp vì người dân trồng keo lai”.

Chúng tôi vượt dốc Kiền đến thôn Aliêng, xã Ating (huyện Đông Giang, Quảng Nam), nơi có nhiều phụ nữ Cơ Tu đang gùi đót tươi về cân cho người thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Trước mắt tôi, gùi đót của chị Alăng Thị Nữ (59 tuổi) cân được 20kg; gùi đót của chị Alăng Thị Tám (53 tuổi) cân được 30kg; gùi đót của cô Jơ Zâm Thị Na (23 tuổi) cân được 30kg… Già làng thôn Aliêng – Bhriu Nga cho biết: Cứ vào đầu năm, dãy Trường Sơn đã hào phóng tặng cho cư dân nơi đây “lộc rừng”, mang lại thu nhập khá cao cho người dân, góp phần nâng cao mức sống. Tuy có vất vả, nhưng chị em phụ nữ rất vui vì có tiền trang trải chi phí trong gia đình vào những tháng đầu năm.

Chúng tôi tiếp tục lên huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Buổi sớm, khi màn sương trắng xóa còn bao phủ núi rừng Trường Sơn nhưng hai bên đường có những đồi đót đang mùa trổ hoa có màu xanh điểm pha sắc tím, báo hiệu một mùa thu hoạch đót lại về trên vùng đất Tây Giang. Dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Avương, Bhalêê, Atiêng, Lăng… đã thấy đót được phơi khắp ven đường, sân nhà… Trên đường, đồng bào Cơ Tu í ới gọi nhau mang gùi vào rừng bứt đót.

Đến gần trưa, tại các thôn như R’zượt, Ahu, Tà Vàng, Achinh, Rbượp (xã Atiêng) hay tại thôn Adốc, Aung, Tàlàng, Aruung (xã Bahlêê), chúng tôi bắt gặp những người già, lũ trẻ đang gùi, vác đót về nhà. Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến Azứt-Lăng, đâu đâu cũng có đót, mỗi ngày người dân nơi đây kiếm được khoảng 30kg đót, với giá bán bình quân 6.500 đồng/kg đót tươi cho các đại lý “di động” thu mua ngay trên đường hoặc mua tại thôn. Bình quân, hái đót thu nhập khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày/người.

Ông Bling Apú, nguyên Chủ tịch UBND xã Atiêng cho biết: “Đót là nguyên liệu để làm chổi dùng trong nội địa hoặc xuất khẩu. Người Cơ Tu gọi cây đót là atâng. Vùng núi Trường Sơn này có nhiều đót, là nguồn lợi lớn của cư dân nơi đây. Hằng năm, bà con khai thác đót từ cuối tháng Chạp ra hết tháng Giêng. Cây đót tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương…”.

 

Theo Bienphong

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng