Trên đời này còn có một thứ quý giá hơn cả kim cương

17:34 | 19/12/2019

Warren Edward Buffett – một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện người Hoa Kỳ từng nói rằng: “Giá cả là thứ mà bạn bỏ ra, còn giá trị là thứ mà bạn nhận lại được”.



Có người sẵn sàng bỏ ra 500 đôla mua một tấm vé thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng. Sau khi xem xong nước mắt lưng tròng, xúc động không thôi, tâm thái đổi thay, cảm thấy tương lai ngập tràn hy vọng. Như vậy, 500 đôla này là giá cả, còn cảm xúc thăng hoa tự nội tâm chính là giá trị.

Cặp mắt này của chúng ta, rất nhiều khi là đang nhìn vào giá cả mà sống qua ngày, rất ít khi có thể nhìn được sâu hơn, nhìn được xa hơn, vậy nên càng khó nhìn thấy được giá trị của sự vật.

Hôm nay xin kể với mọi người hai mẩu truyện ngắn của tác giả Lâm Thanh Huyền, chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút về sự khác nhau một trời một vực giữa giá cả và giá trị nhé!

Câu chuyện thứ nhất: Kim cương sống

Có một cậu bé hỏi tôi: “Chú ơi, trên đời này có thứ gì giá trị hơn cả kim cương hay không?”.

Tôi hỏi nó: “Sao con lại hỏi như vậy?”.

Cậu bé đó nói: “Bởi cháu thấy trên trang tạp chí có đăng một người mẫu mặc một bộ lễ phục khảm đầy kim cương, nghe nói giá trị của bộ lễ phục đó phải hơn 3 tỷ đồng chứ không phải ít!”.

Tôi nói: “Có đấy! Hết thảy kim cương sống trên thế giới này đều quý và có giá trị hơn cả kim cương”.

“Kim cương không phải là khoáng sản sao? Sao lại có kim cương sống được?”, cậu bé thắc mắc.

Tôi trả lời: “Phàm là những vật có giá trị, có sự sống và sinh trưởng, chúng ta đều có thể gọi nó là kim cương sống. Ví như chúng ta có thể nói những bông hoa kia chính là kim cương sống, tình cảm giữa người với người là kim cương sống, trí huệ là kim cương sống, một đứa trẻ cũng là kim cương sống”.

Tôi đưa tay sờ sờ đầu cậu bé, nói: “Cháu cũng là kim cương sống đấy nhé. Nếu phải dùng cara để tính toán, giá trị của cháu còn hơn cả chục tỷ ấy chứ không ít đâu”.

Cậu bé dường như không dám tin, từ trong ánh mắt nó, tôi nhìn thấy sự thắc mắc rối loạn. Nhưng giá trị quả thật đã bị con người làm cho rối loạn như vậy. Rất nhiều người đã lầm tưởng rằng giá trị của đá quý là chân thật, vậy nên không dám tin rằng thế gian còn có rất nhiều thứ mà giá trị của nó còn hơn cả kim cương.

Cũng giống như ma túy vậy, mỗi lần khi cảnh sát phá án tịch thu được một lượng lớn ma túy hay các chất gây nghiện khác, các trang tin thường nói: “Lượng ma túy thu giữ được lần này giá trị lên đến cả chục tỷ đồng”. Điều này khiến cho chúng ta đọc xong không khỏi cảm thấy khó hiểu, bởi vì trong con mắt của những người không hút hít ma túy mà nói, thì chúng căn bản là không đáng một xu, thậm chí gây hại đến sức khỏe, sao lại có giá tiền cao đến như vậy được?

Kim cương tuy không phải là ma túy, tuy nhiên giá trị và giá tiền của nó rất đáng để ta suy nghĩ. Kim cương là một loại đá, giá trị của nó là trung lập, nó chỉ thật sự có giá trị qua những điều ý nghĩa mà nó mang đến.

Nếu kim cương được dùng để biểu đạt tình yêu vĩnh hằng không đổi, kim cương sẽ trở nên có giá trị.

Nếu kim cương chỉ được dùng để phô trương thói xa hoa của bản thân, thì kim cương đó thật không đáng một đồng.

Nếu như lấy kim cương để tham gia từ thiện, cứu trợ những mảnh đời bất hạnh đang phải sống trong cảnh nghèo khổ kia, thì kim cương sẽ trở nên có giá trị.

Nếu như đem kim cương cất giấu trong cái tủ sắt, thậm chí không thể nhìn thấy ánh mặt trời, thế thì kim cương đó thật sự không đáng một đồng.

Có giá trị tốt đi kèm theo khiến cho kim cương như là vật sống hữu dụng. Còn nếu biến thành món đồ hư vinh chỉ để khoe khoang, kim cương đó chẳng khác chi món đồ vô dụng đã chết.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Không chỉ kim cương, hết thảy vàng bạc châu báu, kỳ trân dị bảo không có sinh mệnh khác cũng đều là như vậy, ngọc thạch, phỉ thúy, chân trâu, hổ phách, lưu ly, vàng ròng, san hô… chúng đều vốn không có giá trị chân thực.

Giá trị của một vật là được xác định bởi “ý nghĩa”, ý nghĩa lại được xác định bởi “tâm thái”. Nếu như chúng ta thật sự có thể lấy tâm làm chủ để kéo dài ý nghĩa và giá trị của đời người, thì sẽ hiện rõ thành ý của sinh mệnh, khiến mọi điều của cuộc sống đều được yêu thương trân trọng. Mỗi một bông hoa, mỗi một quan điểm, mỗi một quá trình đều sẽ trở thành “kim cương sống”, mỗi một lần yêu thương, mỗi một lần tư duy, mỗi một lần trưởng thành đều là lấy cara để đo lường.

Trong thế giới vô thường này, mỗi một bước đều hướng về cõi hư không. Điều quan trọng là “sự sống”, chứ không phải là “kim cương”. Mỗi một giờ, mỗi một khắc đều là sống, đều là hướng đến mục tiêu sống, đều có sự sống hoàn thiện. Mỗi một khoảnh khắc đều tràn đầy yêu thương, chân thành, quan tâm, che chở. Thế thì, sinh mệnh chính là sẽ có được vẻ đẹp và ánh hào quang lấp lánh của kim cương.

Tâm thái của chúng ta sẽ xác lập vị trí cho con người và sự vật, cũng xác định giá trị cho bản thân chúng ta. Sinh mệnh của con người nếu muốn có giá trị vĩnh hằng, thì cần phải có phẩm hạnh đoan chính mới được.

Câu chuyện thứ hai: Đôi mắt là giá trị nhất

Vào những ngày nghỉ, bản thân tôi rất thích đi dạo xung quanh những nơi bán đồ cổ, vì như vậy sẽ gặp được rất nhiều người am hiểu đồ cổ, đôi lúc cũng gặp được những món đồ mình thích.

Lâu dần, bản thân tôi cũng chợt nhận ra rằng, người mua đồ cổ nhiều lúc còn thạo đồ cổ hơn cả người bán. Có những người bán đồ cổ thậm chí không hiểu biết chút gì về đồ cổ cả, chỉ xem nó như là một món hàng bình thường.

Ví dụ, có một ngày tôi dừng chân ở một quầy hàng bán ấm trà cổ, nhìn thấy ấm trà phỏng chế theo phong cách của Thời Đại Bân (tác giả ấm tử sa nổi tiếng nhất triều đại nhà Minh của Trung Hoa). Cái ấm trước mắt đó tuy chỉ là hàng nhái, nhưng lại vô cùng tinh mỹ.

Tôi hỏi: “Ấm này bao nhiêu tiền vậy?”.

Chủ sạp nói: “Ba nghìn tệ”.

“Hàng giả mà cũng bán đắt như vậy ư?”

“Hàng giả gì chứ? Đây là hàng thật chính hiệu đấy!”.

“Thời Đại Bân là ai, anh có biết không?”.

“Đương nhiên là biết rồi, cái ấm này là đích thân ông ấy bán cho tôi đấy”.

Chủ sạp nói mà mặt không chút biến sắc. Mỗi khi gặp phải chủ hàng đồ cổ như vậy, tôi chỉ còn biết im lặng, chứ chẳng biết nói gì hơn.

Bởi vậy, người mua đồ cổ, trong mắt chỉ có đồ cổ, không để ý lắm đến giá tiền, còn người bán đồ cổ, trong mắt chỉ có tiền, chứ họ không quan tâm đến giá trị của đồ cổ.

Có một lần, tôi và một người bán đồ cổ ngồi ở trước sạp nhỏ nhìn một bức tượng Phật bằng đồng thời Ngụy Tấn, bỗng ông nghiêm túc nói với tôi rằng: “Nói thật, con mắt chúng ta là thứ đáng tiền nhất!”.

Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”.

Ông ấy nói: “Bởi vì chỉ có con mắt mới có thể phân biệt được thật giả, phân biệt được niên đại, phân rõ ra đẹp xấu, vậy nên, những người mua đồ cổ, cần phải luyện tập đôi mắt của mình, chỉ khi có được cặp mắt tinh tường, thì mới không dễ bị mắc lừa”.

“Con mắt của chúng ta là đáng tiền nhất”, câu này nói quả là hay, người khác có khi phải bỏ ra hàng trăm triệu mới có thể mua được món đồ cổ, còn chúng tôi chỉ bỏ ra chục triệu đã mua được rồi, nhãn quan lần đó của chúng tôi, giá trị gần cả trăm triệu. Thử hỏi có món đồ cổ nào đáng tiền hơn không?

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Do vậy, mỗi lần chúng tôi đi dạo quanh khu chợ đồ cổ, thường xem đây là một cách để huấn luyện con mắt, chính là từ trong đống sắt vụn, trong đống phế liệu tìm kiếm đôi mắt đáng tiền mà chúng ta đã vô tình đánh mất.

Cuộc sống cũng giống như vậy, chúng ta chẳng phải cũng đang tìm kiếm những thứ có giá trị vĩnh hằng hơn trong thế giới phàm tục này, không phải cũng là đang tìm kiếm đôi mắt đã bị thất lạc đó sao? Chỉ cần tìm lại được con mắt đáng tiền kia, thì không chỉ có thể tìm được những món cổ vật tốt nhất, mà cũng có thể nhìn thấu được chân tướng của sinh mệnh.

Trước đây, có một chàng trai trẻ xin được làm môn hạ của lão thiền sư, mong rằng lão thiền sư có thể cho anh biết được chân tướng của đời người. Nhưng lão thiền sư hàng ngày chỉ dạy anh quét dọn, pha trà, tiếp đãi khách khứa, những lúc nhàn rỗi thì dùng vào việc tĩnh tâm tọa thiền, ngắm nhìn thế giới này.

Mấy ngày sau, chàng trai trẻ hỏi lão thiền sư: “Sư phụ này! Đến khi nào người mới cho con biết chân tướng đích thực của đời người đây?” Đợi cả hồi lâu không thấy câu trả lời càng khiến anh thêm sốt ruột, liền hỏi: “Sư phụ này! Rốt cuộc con phải đợi đến khi nào người mới cho con biết ý nghĩa chân thật của cuộc đời này đây?”

Lão thiền sư đi vào trong phòng, lấy ra một viên đá sáng lấp lánh đưa cho anh, nói: “Con hãy mang viên đá này ra chợ định giá, con hãy nhớ kỹ là chỉ cần biết được giá tiền của nó, chứ đừng bán nó đi”.

Trong chợ, có hai người muốn mua viên đá này. Người trước thì trả giá 10 đồng, muốn mua về làm quả cân, còn người sau trả giá 20 đồng, muốn mua về làm nghiên mực.

Chàng trai mang viên đá trở về, nói lại với sư phụ: “Thưa sư phụ, viên đá này có người trả giá 20 đồng”.

Lão thiền sư lại bảo anh mang viên đá này đến tiệm đá quý, chỉ cần biết được giá tiền của nó thôi, chứ đừng bán nó đi. Ở tiệm đá quý, có người trả giá 50 nghìn đồng, bởi hòn đá này nhìn vào thì đúng thật là vật hiếm.

Lão thiền sư: “Tốt lắm! Bây giờ con hãy mang viên đá ra tiệm kim cương, nhớ kỹ là chỉ cần biết giá trị của nó, chứ đừng bán nó đi”.

Một lúc sau, chàng trai mừng rỡ như điên chạy về nói với sư phụ: “Sư phụ ơi! Nghe mọi người trong tiệm đá quý nói rằng đây là viên kim cương hoàn mỹ nhất, có người trả giá 50 triệu lận!”

Lão thiền sư điềm tĩnh nói: “Không sai! Đây là viên kim cương hoàn mỹ nhất, nhưng có điều phải dùng đến đôi mắt kim cương mới có thể nhìn ra được giá trị của nó. Hàng ngày con đều không ngừng hỏi ta rằng chân tướng của đời người là gì. Đôi mắt khác nhau thì nhìn thấy được chân tướng khác nhau, rốt cuộc con muốn dùng con mắt gì để liễu giải cuộc đời này đây? Trước hết, con cần luyện cho mình có được đôi mắt kim cương, chứ không phải vặn hỏi không thôi!”.

Chàng trai trẻ nghe xong, lòng chợt bừng tỉnh và vui vẻ rời đi.

Phần lớn những người chúng ta dùng hết cả một đời để theo đuổi, mong sao tìm được thứ có giá trị nhất của cuộc đời, nhưng rất ít người hiểu được rằng, con mắt của chúng ta mới là thứ có giá trị nhất.

Dùng con mắt có giá trị mà nhìn núi, thì sẽ thấy núi có giá trị của núi.

Dùng con mắt có giá trị mà nhìn biển cả, thì sẽ thấy biển cả có giá trị của biển cả.

Dùng con mắt có giá trị nhìn ánh mặt trời, thì sẽ thấy được giá trị của ánh mặt trời. Vậy nên, có vị thiền sư từng nói: “Mỗi một góc mặt trời chiếu rọi đều là quốc bảo cả”.

Mỗi một góc mà mặt trời chiếu rọi, đều trân quý giống như bảo vật quốc gia, loại kiến giải sâu sắc này, chỉ có những người có con mắt tinh tường mới có thể ngộ được mà thôi!

Theo Soundofhope

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”