Luôn có một nơi để về

10:07 | 13/06/2020

Con người chúng ta dường như luôn vướng một sự thường rằng: khi ngay ở gần cạnh thì cảm thấy tẻ nhạt, nhàm chán nhưng khi xa cách mới hóa quý trọng, nhớ thương da diết.

***

Mười tám tuổi, tôi xách ba lô lên và đi. Hành trang là một phong thái đầy tự tin, một niềm kiêu hãnh ngút ngàn, một niềm tin vào một viễn cảnh tươi sáng nơi phố thị phồn hoa, phát triển vượt trội. Nơi đó tôi sẽ phơi bày và chứng minh, vươn tới ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ.

Hai mươi hai tuổi, tôi lầm lũi và vội vàng khăn áo tức tốc về quê khi chẳng kịp tham dự buổi lễ tốt nghiệp duy nhất trong đời, mọi thứ trên thế gian này đang một mực quay lưng và chống lại tôi.

Cuộc sống là chuỗi rất nhiều điều không thể lường trước được. Tôi đánh mất mười cân thịt, chân tay run rẩy, loạng choạng chẳng thể đứng vững khi phải gắng bám chặt đôi bàn chân tưởng chừng không vững trên nền đất màu đỏ nâu thân thuộc. Khi tôi chỉ còn một phần mười sức lực, ốm yếu và hom hem, thì tôi đã trở về. Và tôi nghĩ bụng, giờ sẽ được sống rồi.

Đất mẹ thân thương cùng gia đình vẫn yên vị nơi đó, mộc mạc, ấm ấp và đang dang rộng vòng tay đón một hình hài nhỏ bé yếu ớt trở về.

Với tôi thời khắc ấy, ở đó, có những người thương mình nhất, là chỗ dựa vững chắc nhất.

Gia đình.

Lạ thay cũng là lựa chọn sau cùng và duy nhất khi con người ta không may gãy cánh, đã rã rời khi tung hoành bay lượn đến khi bị thế giới ngoài kia làm cho nhào lộn, chao đảo, kiệt sức.

Mới chạm mặt tôi chừng một giây, mẹ bật khóc, bố đứng im như tượng. Những ngày tháng ở nhà, cảm giác đầu tiên là thoải mái và an toàn. Tôi chẳng phải gồng mình để trông ra vẻ thật ổn. Mệt thì sẽ nói mệt, muốn nghỉ ngơi sẽ thoải mái nằm yên. Mình nói đau thì gia đình sẽ xót xa, mình nói khát sẽ có ngay nước uống, mình nói không đi nổi sẽ có người sẵn sàng cõng. Mẹ thức thâu đêm chăm bẳm, cứ thở dài thườn thượt mỗi khi nhìn thấy đứa con, bố lắng lo thường trực qua ánh nhìn, trên vết nhăn càng rõ rệt thêm trong từng nếp suy nghĩ. Những người thân thiết cũng thấy xót xa và động viên an ủi.

Mình tin tưởng và được tin tưởng. Một niềm tin không bị nghi hoặc và không phải tự vấn, e dè hay cực nhọc ở người kế bên. Những điều này, đủ để tâm hồn và cơ thể đang yếu ớt được an yên dưỡng sức mà không bị bóp nghẹt cho đến khi tưởng như tắt thở.

Là tình thân, nặng trĩu như chùm khế ngọt, không xa hoa và đắt đỏ, đủ bình dị ngọt bùi và chân thành. Là tất cả thảy những điều chân chất nồng đượm, thật thà và hiền lành như cây cỏ, có tiền cũng chẳng thể nào đổi lấy.

Tôi thấy mình thở được trong trời đông lạnh giá ngay cả khi bụng cồn cào đói meo, khi tay chân run bần bật không ăn nổi một miếng cơm. Quê nhà vẫn hết thảy bao dung, không trách móc, không giận dữ một sinh linh nhỏ bé vốn đã từng một mực muốn bỏ đi thật xa. Ngày và đêm vẫn quay vòng, nắng và mưa, những cơn gió vuốt ve nhẹ đưa thưa thớt vào các tán lá cây xa tít tắp đan truyền nhau từ xa xăm dẫn vào tai tôi nghe âm thanh lắng đọng, tiếng chim rừng hoang dại vẫn hót đôi ba câu khi trời hửng nắng và trong cả bóng mát râm ran. Tôi cảm nhận như là lời hát ru của đất mẹ, cảm nhận rằng mình thực sự được chào đón trở về. Tâm hồn tôi như được cứu dỗi, chăm sóc đặc biệt mỗi ngày.

Từng luồng không khí trong vắt trong veo không thể nhìn thấu nhưng có thể cảm nhận thấy đang dồi dào trong lồng ngực, nơi đầu mũi, cuống họng và lá phổi non. Tiếng những sinh vật nhỏ bé kêu râm ran không mệt mỏi từ khi trời mới chập choạng tối đến xuyên cả màn đêm tạo thành bản đồng ca quen thuộc đến mê hoặc. Những chú đom đóm vẫn thong thả bay lượn trong đêm tối bung tỏa ánh sáng xanh non mờ ảo dạo quanh khắp trốn, mặc cho cả khi ánh đèn đường đủ sáng có thể làm chúng mờ nhạt đi. Chúng từng đã là những tia sáng nhất trên bầu trời đêm không có trăng sao, không có cả ánh đèn điện để soi đường cho lũ trẻ con chúng tôi chơi đùa hoặc đang mò mẫm đường đi nơi khóc tối.

Mọi thứ vẫn y nguyên, là quê tôi vẫn nguyên vẹn như vậy. Tôi được sạc lại cho đầy năng lượng với sự tận tâm, chăm sóc của gia đình, với hương vị bát ngát của đất trời. Bình yên đến lạ. Trong tất cả những điều thiêng liêng ấy, tôi thấy mình được hồi sinh. Có chăng, chỉ có con người là thay đổi và tôi cũng đã như vậy. Trước kia tôi chán trường quê nhà cỡ nào, tôi đã muốn đi đến xứ người để tìm kiếm tương lai thì giờ đổi lại tôi lại khát khao được nhiều lần hít hà không gian của đất trời thân thương ấy, được yên tĩnh lắng nghe những âm thanh đang tồn tại mà tôi đã từng bỏ lơ, từng thấy chán ngán.

Ngày cuối của tháng hai xanh trời mới đây, tôi lại đáp chuyến bay về thăm nhà, không ngắn cũng chẳng dài ngày. Về quê thì bao nhiêu cho đủ. Chẳng bao giờ đủ cả. Cứ đi xa rồi lại nhớ nhung. Như là chuyện yêu xa của đôi uyên ương vậy. Tôi chẳng lỉnh khỉnh đồ đạc, tôi chỉ háo hức như đứa trẻ. Khi con người ta đã chọn cho mình một vận mệnh tha hương để mưu sinh và có một lý do là phát triển bản thân và sự nghiệp thì mọi thứ với tôi mà nói, ngoại trừ quê hương ra mọi thứ đều trở nên mong manh và khó lòng chắc chắn. Đến những lần về thăm cũng là lời hứa không thể chắc nịch như đinh đóng cột và đếm được vẻn vẹn trên dưới mươi lần.

Thời gian cũng dần hẹp hòi khi phải tranh thủ để lắng nghe tiếng tĩnh mịch của đất trời. Vốn dĩ nơi đây, dòng sông, bến nước, con đò và cả thiên nhiên bao la vẫn bình dị và êm ả, chỉ có con người là nhân tố gây ra mọi sự hỉ nộ ái ố trên đời, yêu thương hay phẫn nộ đều do “nhân” mà ra cả, cớ sao cứ hay than trời trách đất. Chỉ có người dời khỏi đất, vì người có đôi chân biết đi, vì những nơi này chỉ cày lên sỏi đá, vì miếng cơm manh áo dễ kiếm hơn trên đất lạ, vì muôn vàn lý do để rời xa.

Đi cho đủ xa, năm tháng tách rời, khi thấy ngột thở là khi đó tôi lại thèm được hít hà thật sâu, thật lâu mùi quê hương đạm bạc mà ngà ngà nồng nàn như kẻ say tình. Chỉ cần mường tượng đến lúc được đặt chân trên mảnh đất quê, để gió và không gian ùa vây, xoay tròn xung quanh gột sạch đi hết những bám bụi và lạ lẫm ở tận đẩu tận đâu trên con người, chỉ còn lại là con người bé nhỏ, là xương thịt được nuôi dưỡng thuở xưa, tôi lại trở về là mình của thời bé bỏng, như là trẻ thơ. Quê hương vẫn yên vị nơi ấy, bao la, che trở như người mẹ hiền vĩ đại. Về mái ấm thân thương để mọi sự ồn ã bão giông tạm khép lại, rời nơi đô thị quay cuồng, tấp nập và hoa lệ về với chốn thôn quê dân dã. Mọi sự hơn thua, chấp niệm đều như là rác, buông bỏ đi như là rác cảm thấy thật nhẹ nhàng và an yên. Với những đám mây bàng bạc hờ hững che đi cảnh núi non trùng điệp. Nơi muốn chạy tới cho xem rõ sắc nước hương trời, màu xanh xanh trầm trầm bí ẩn.

Về thăm quê thăm những căn nhà đơn sơ đã thôi hẳn lụp sụp, nhấp nhô san sát những mái ngói gạch nung đang dần xưa cũ đi bám đầy rêu và trở nên phong trần bởi sức mạnh của thời gian.

Khói rơm đượm mùi thơm nồng nàn cùng cỏ cây khô héo, gió đưa phảng phất sự nghi ngút bay tít hoà tan đến tận trời cao. Về với cây đa, giếng nước, con đò lơ đãng mãi chẳng người qua. Về với rặng tre già nua từng chiều vươn mình đung đưa trước gió. Những nẻo đường quanh co, vòng vèo mà rõ đến từng chân tơ kẻ tóc. Mặt trời như thiếu nữ e thẹn lặn dần sau rặng tre, ánh nắng hãy còn vàng nhạt với dáng hình người nông dân cùng con trâu, cái cày ngã bóng lảng bảng xiêu vẹo dưới chiều buông.

Về với tuổi trơ đang chìm nghỉm dưới dòng sông hiền hoà, với những cánh đồng dài bất tận thẳng cánh cò bay, với cung trăng khi tỏ khi mờ, gió mát trời mênh mang giọng hát ru hời. Những cơn mưa ngâu dai dẳng, thuỷ chung bám chặt mùa đông lạnh giá đến lấm len bùn lầy, độ khi Xuân sang ngỡ ngàng thì chuyển mình nhanh chóng thành những hạt long lanh, bé tí như những chấm pha lê, thong dong tự tại cùng gió và không gian, cứ phun nhẹ nhàng đùa nghịch với trần thế.

Nơi ấy nhẹ nhàng và bình dị mỗi khi bình minh khẽ thức sau một đêm dài chìm sâu trong giấc ngủ. Nơi ấy ánh mặt trời san sát và to rộng trải dài ánh nắng lấp lánh trên mặt sông dài xanh mướt. Nơi ấy không khí trong lành thơm tho, hít thở thì thật đã.

Con người chúng ta dường như luôn vướng một sự thường rằng: khi ngay ở gần cạnh thì cảm thấy tẻ nhạt, nhàm chán nhưng khi xa cách mới hóa quý trọng, nhớ thương da diết.

Sau tất cả, tôi nhận ra rằng: chẳng may gục ngã, bơ vơ giữa quãng đường đời còn rất nhiều chông gai, quê hương và gia đình là hai tiếng thiêng liêng mà trong tâm khảm ta gọi tên thật nhiều. Nơi ấy, tôi thật tiếc khi thương tích đầy mình trở về và cũng thật diễm phúc vì có nơi để về, được trọn vẹn trong từng hơi thở, ở nụ cười bình dị trên môi, là chính mình, thậm chí là cả hồi sinh sau những lần lay lắt héo mòn. Tôi luôn thầm cúi đầu biết ơn vì điều thiêng liêng quý giá này. Trong thâm tâm luôn tâm niệm rằng: luôn có một nơi để về, nơi đó là gia đình, là quê hương. Nơi đó luôn nhắn nhủ tôi rằng: mệt rồi thì về nhà đi con.

Mến mến thương thương.

Trân trân quý quý.

© Dilys – blogradio.vn

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”