Hướng tới bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng các vùng miền

10:25 | 06/04/2019

Cùng với các tộc người thiểu số tại Việt Nam, cồng chiêng được hầu hết các dân tộc tại khu vực Đông Nam Á sử dụng, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Philippines… Như vậy cồng chiêng được sử dụng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Tuy cách thức sử dụng cồng chiêng của từng dân tộc có khác nhau, nhưng nhìn chung từ thanh âm, hình dáng đến cách thức diễn tấu của cồng chiêng đều có những nét tương đồng. Có thể kết luận rằng cồng chiêng là sản phẩm của các dân tộc có nền văn minh Đông Nam Á.


Không gian văn hóa cồng chiêng

Ở Việt Nam, có nhiều không gian văn hóa cồng chiêng, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng người Mường vùng Tây Bắc trải dài suốt nhiều tỉnh, từ Phú Thọ, Hòa Bình đến Thanh Hóa, Ninh Bình. Chủ nhân của loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian đặc sắc này là cư dân tộc người Mường.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian đặc sắc này là cư dân các tộc người thiểu số Tây Nguyên: Ba na, Xê đăng, M’ nông, Cơ ho, Rơ măm, Êđê, J’rai….

Không gian văn hóa cồng chiêng Trường Sơn trải dài các địa phương từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị…; chủ nhân của loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian đặc sắc này là cư dân các tộc người: Chăm, Raglay, Chăm Hroi, Hơ rê, Cơ tu, Ca dong, Cor, T’ riêng, Bru Vân Kiều, Tà Ôi…

Điểm tương đồng và khác biệt

So sánh cồng chiêng của các tộc người thiểu số Tây nguyên – Trường Sơn và Người Mường Tây Bắc, chúng ta thấy có những tương đồng và khác biệt về cách diễn tấu cũng như ý nghĩa – vai trò cồng chiêng trong đời sống tinh thần của các tộc người tiêu biểu tại 3 vùng đất này:

+ Điểm tương đồng về cấu tạo và khác biệt về cách thức diễn tấu:

Cồng và chiêng, được làm bằng hợp kim đồng, có khi pha đồng đen, theo cách gọi ngày nay, có thể phân biệt cồng là loại có núm để gõ ở chính giữa; còn chiêng là loại không có núm.

Người đánh cồng chiêng của tộc người thiểu số khu vực Tây Nguyên – Trường Sơn chủ yếu là nam giới, nhưng ở tộc người Mường Tây Bắc tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình lại là nữ giới. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Một bộ cồng chiêng của người Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ gồm: Chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé 12 chiếc biểu hiện cho 12 tháng trong năm, với thang 3 âm “pinh, pòng, pinh” vang vọng nhẹ nhàng tạo không khí rộn ràng, vui tươi.

Cồng chiêng Tây nguyên –  có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc diễn tấu theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

Các dàn cồng chiêng Tây Nguyên – lấy thang âm bằng bồi âm tự nhiên làm cơ sở để cấu tạo thang âm của mỗi tộc người. Trong đó, mỗi biên chế của từng tộc người đều cấu tạo bởi thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm cơ bản. Song, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh những âm cơ bản thông thường cũng ngân vang thêm một vài âm phụ khác. Do đó, trên thực tế, một dàn 6 chiêng sẽ vang lên tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều đó lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe thật dày và có chiều sâu.

Cách đánh cồng chiêng của người Mường rất độc đáo với cả dàn chiêng do nữ giới diễn tấu, tay cầm chiêng, tư thế thẳng lưng, nhóm nữ đứng cạnh nhau thành hàng, cùng hòa nhịp đong đưa nhẹ nhàng, không chỉ khác với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên – Trường Sơn mà còn khác với các dân tộc thuộc các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Nét khác biệt khá độc đáo chỉ có nữ giới diễn tấu đã tạo ấn tượng kỳ lạ nên rất lôi cuốn người xem trong các liên hoan cồng chiêng tại Việt Nam. Ngoài ra, cách diễn tấu cồng chiêng của người Mường cũng khác biệt, vì ngược lại ở Tây Nguyên – Trường Sơn nhạc công là nam giới cầm chiêng trong tư thế nghiêng cong người về phía chiêng, dùng nắm tay đánh vào mặt hay núm chiêng hoặc dùng dùi để gõ; dùi thì có dùi cứng và dùi mềm.

Bên cạnh việc đánh hay gõ vào chiêng tạo nên âm thanh thì tùy từng bài chiêng hay từng phong cách của mỗi tộc người, dùng tay hãm âm thanh cồng chiêng phát ra, tạo nên hiện tượng bồi âm, gần giống âm trì tục, một sắc thái âm thanh độc đáo, mạnh mẽ chỉ có ở diễn xướng cồng chiêng vùng Tây Nguyên – Trường Sơn nước ta.

Về hoà tấu cồng chiêng người Mường phía Bắc, có hai loại hòa tấu: Dàn chiêng sắc bùa gồm từ 6 đến 12 chiếc chiêng to và dàn nhạc cò ke ống sáo. Hoà tấu chiêng thường vào các dịp tết, ngày hội của làng, dòng tộc, gia đình.

+ Điểm tương đồng về ý nghĩa – vai trò cồng chiêng:

Văn hóa cồng chiêng các tộc thiểu số Tây Nguyên – Trường Sơn và người Mường phía Bắc chứa đựng những giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử sâu sắc.

Đây là loại nhạc cụ độc đáo, đặc sắc và đa dạng. được xem là linh khí vùng cao. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được tấu lên trong các Lễ hội tiêu biểu của cộng đồng và dòng tộc, gia đình; biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp, thông quan với thần linh, với thế giới siêu nhiên qua các lễ mừng cơm mới, đâm trâu, thổi tai, bỏ mả v.v.., nghĩa là vẫn thuần chức năng phục vụ đời sống con người. Trong khi ở các vùng Đông Nam Á khác, cồng chiêng đã phát triển và được tôn vinh đến mức trở thành phương tiện biểu diễn cung đình, mang chức năng giải trí.

Người Mường Tây Bắc xem chiêng là vật gia bảo, là sự giàu có phồn vinh. Phần lớn nhà nào cũng có chiêng, nhà nghèo thì có một chiếc, còn các gia đình khá giả hơn có từ 2 – 3 chiếc chiêng, đặc biệt có những gia đình giữ lại được cả bộ 12 chiếc. Người Mường nhìn nhận vũ trụ thông qua lịch mặt trăng với 12 tháng âm lịch. Họ quan niệm một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết, bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc cồng chiêng mang âm hưởng của 12 tháng Vì vậy, một bộ cồng chiêng đầy đủ là 12 chiếc, nhưng nếu không đầy đủ vẫn có thể ít nhất phải có từ 4 – 5 chiếc trở lên.

Chiêng luôn được treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Việc bảo quản, sử dụng cồng chiêng được thực hiện rất cẩn thận, trang trọng. Người Mường Bi không bao giờ úp chiêng lên nền nhà, nền đất vì sợ bị “lùn chiêng” (hàm ý chiêng mất tiếng, tiếng không còn hay).

Hệ thống lễ hội của Người Mường – Tây Bắc nhiều hơn các tộc người vùng Tây nguyên – Trường Sơn. Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: Lễ mừng nhà mới, đám cưới, lễ hội khai hạ (lễ hội xuống đồng)…

Trong khi đó các tộc người vùng Tây nguyên – Trường Sơn đều sử dụng cồng chiêng trong các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu…hay trong một buổi nghe kể khan, sử thi… đều phải vang lên tiếng cồng chiêng như là vật thiêng để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Mường và người Tây Nguyên – Trường Sơn, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt thường ngày của họ trên vùng cao nguyên đại ngàn.

Các tộc người Tây Nguyên quan niệm rằng: phía sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn tích một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền uy và sự giàu có. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng thanh âm núi rừng hoang dã, tạo cho núi rừng Tây Nguyên, Trường Sơn một không gian trữ tình và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa đại ngàn Tây Nguyên – Trường Sơn vừa huyền bí, vừa hùng tráng. Một bộ cồng chiêng của các tộc người thiểu số vùng này ít nhất có 6 chiếc

Văn hoá cồng chiêng của người Mường Tây Bắc và Các tộc người Tây Nguyên – Trường Sơn có thể cùng chung một nguồn gốc phát tích, bởi các tộc người này có rất nhiều điểm tương đồng về đời sống vật chất và tinh thần từ khi hình thành cho đến nay. Đặc biệt, ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình đến nay vẫn còn lưu giữ một phong tục rất đặc sắc đó là vào thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình sống trên vùng đất này đều đánh lên ba hồi chiêng để mời và chào đón tổ tiên về nhà ăn tết cùng con cháu.

Theo đồng bào người Mường ở đây, nếu gia đình nào không đánh chiêng thì tổ tiên sẽ không về vì không được mời mọc, chào đón, tổ tiên sẽ rất buồn. Có lẽ vì lý do này mà người dân Phú Vinh nhất quyết không bán cồng chiêng của mình và giữ gìn, lưu truyền từ này qua đời khác. Tiếng cồng chiêng cũng là một công cụ kết nối giữa ông bà, tổ tiên người Mường với con cháu nên được coi là linh khí vùng cao.

Trong dàn cồng chiêng các dân tộc miền núi Tây Nguyên – Trường Sơn quy định giới tính, thứ bậc cồng chiêng, tư thế diễn tấu, các kỹ xảo dùng tay đấm, xoa, dùng dùi, kỹ thuật tạo âm thanh trì tục, kỹ thuật hòa âm theo các bài chiêng cơ bản… Điều đó chứng tỏ văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên – Trường Sơn đã đạt tới kỹ thuật và trình độ thẩm âm cao.

Ngoài lĩnh vực âm nhạc học, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Trường Sơn còn chứa đựng các giá trị văn hóa, giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng nói thiêng, là ngôn ngữ riêng biệt, là tâm linh giúp con người hòa đồng với thiên nhiên, thông quan với thế giới thần linh và góp phần hệ trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ cộng đồng các tộc người cộng cư ở miền cao Trường Sơn – Tây Nguyên. Tùy theo nhịp điệu của cồng chiêng, trong lễ hội thì tưng bừng âm vang rộn rã, còn tiếng cồng chiêng trong thường ngày thì khoan thai chậm rãi hơn, thê thiết hơn thì dân làng có thể nhận biết tin vui hay buồn, nhà nào có lễ lạt nhỏ hay tang ma.

Chúng ta thấy rằng du lịch văn hóa ngày càng phát triển trên khắp thế giới, ngành văn hóa có thể kết hợp với nghành du lịch giới thiệu loại hình nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Mường và miền cao Trường Sơn – Tây Nguyên với du khách trong và ngoàì nước. Bên cạnh việc bảo tồn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, cần có kế hoạch bảo tồn một số nghệ thuật dân gian khác của các tộc người thiểu số làm cho hoạt động nghệ thuật truyền thống thêm đa dạng, phong phú để phát triển du lịch.

Nếu được các cấp, các ngành liên quan đầu tư hỗ trợ thì các đội nghệ thuật địa phương các vùng cao nước ta có thể tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật cồng chiêng, chắc chắn các đội nghệ thuật sẽ tạo được nguồn lợi kinh tế như các nhóm hát ca Huế trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhóm hát Quan họ ở Bắc Ninh, các câu lạc bộ hát dân ca Bài chòi ở Hội An, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, các nhóm trình diễn đàn ca tài tử ở miền Nam.

Từ đó có thể bảo đảm cho đời sống nghệ nhân và diễn viên để họ yên tâm hoạt động nghệ thuật. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ngay trong chính cộng đồng cư dân. Thay vì nêu ra những cảnh báo chung chung về các nguy cơ, chúng ta cần chủ động phát huy các giá trị di sản văn hóa cụ thể hơn, lôì kéo nhiều hơn nữa công chúng trẻ tuổi đến với sinh hoạt âm nhạc cồng chiêng, chủ động chọn hình thức dễ bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa trong cơ chế thị trường, tranh thủ các ưu thế của thị trường đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sán.

Vấn đề quan trọng của việc bảo tồn là phải làm cho cồng chiêng sống được trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là tồn tại cứng nhắc trong các bảo tàng. Để loại hình nghệ thuật cồng chiêng không phải tiếp tục chờ kế hoạch bảo tồn – phát triển, trong khi các đường cao tốc ngày càng tiến sát vào các bản làng… vốn xinh đẹp hiền hòa của vùng cao nước Việt.

Hy vọng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, các nghệ nhân, sự tham gia tích cực của người dân, di sản văn hóa cồng chiêng của vùng cao Trường Sơn và Tây Bắc sẽ mãi mãi là những giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa các tộc người thiểu số và xứng đáng được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và sau đó là của nhân loại như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên./.

 

Văn Thu Bích/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024