Họ là những y sĩ, người sửa xe mô tô, thanh niên tập hợp thành Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo…
Việc làm của họ còn truyền cảm hứng cho người dân về tinh thần tương thân, tương ái.
Chỉ cần “alo” lập tức có mặt
Đội trưởng A Chải tâm sự: Năm 2014, Huyện đoàn Đắk Glei và xã Đắk Man thành lập Đội Thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo gồm 10 người. Trong 5 năm thành lập, Đội đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn, từ tài xế xe tải, xe khách, xe máy, đến những anh Tây “ba lô” chạy xe máy bị nạn trên đèo. Theo anh A Chải, Đội duy trì người trực cứu nạn trên đèo cả ngày lẫn đêm. Khi CSGT trực chốt trên đèo Lò Xo báo có TNGT, người trực của Đội cứu nạn thông tin hết cho các thành viên và đi đến ngay hiện trường hỗ trợ.
Điển hình như vụ TNGT trên đèo Lò Xo xảy ra vào rạng sáng 1/3/2018. Nhờ có kinh nghiệm, nên dù giữa đêm tối, vực sâu đến gần 100m, nhưng chỉ 2 giờ đồng hồ, Đội cùng người dân đã phá cửa xe khách giường nằm, sơ cứu, đưa 19 người đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei.
Ngoài những vụ TNGT xe khách, hàng năm, trên đèo Lò Xo cũng có vài vụ xe tải bị mất thắng tông vào taluy dương, cả tài xế, chủ xe bị kẹt trong cabin cũng được những thành viên của Đội hỗ trợ cứu hộ cứu nạn. Đơn cử, đêm 21/1/2018, xe tải BKS 92C-089.78 có 4 người trên xe bị mất thắng, tông vào ta luy dương, cả 4 người bị kẹt trong xe. Đội có mặt giữa đêm giá lạnh, kịp thời cứu 3 người thoát chết, còn một người do va đập quá mạnh nên tử vong. Hay vụ TNGT tháng 11/2016, một xe tải bị lật trên đèo Lò Xo, từ 23h30 – 5h giờ sáng hôm sau mới đưa được 3 người ra khỏi xe, 2 người tử vong. Nếu đến trễ nữa thì chắc cả 3 đều chết.
A Chải giới thiệu chúng tôi gặp anh Đinh Văn Hoàng là người sửa xe trên đèo Lò Xo. Dù mưa hay nắng, đêm hay ngày, hàng chục năm nay, hễ cứ nghe thấy TNGT trên đèo Lò Xo là Hoàng và các thành viên lại tất bật, vội vàng đến hiện trường cứu người bị nạn. Khi chúng tôi hỏi Hoàng có nhớ đã tham gia cứu bao nhiêu người, Hoàng chỉ cười và lắc đầu, chỉ biết cứ có TNGT ở đèo Lò Xo là đều có mặt anh. Theo A Chải, chính những việc làm nhân ái tham gia cứu nạn của Hoàng và một số anh em trên đèo Lò Xo, Huyện đoàn đã quyết định thành lập Đội cứu hộ, cứu nạn từ năm 2014.
Chuyển biến nhận thức đồng bào trên đỉnh Lò Xo
Trên một chuyến xe, chúng tôi được anh Mai Văn Phương, phụ xe khách lật đèo Lò Xo ngày 23/6/2015 kể lại: “Tôi đã theo nghề mấy chục năm, cũng mấy lần gặp TNGT, xe hỏng nằm đường nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy người dân ở đâu tốt vậy. Khi đó, xe lật xuống đèo, tiếng la, tiếng khóc ỉ ôi. Tôi ngồi dậy, thấy mình còn sống. Bò ra khỏi xe, nhìn lên trên đường cao thấy 2 người đàn ông đang bò xuống.
Họ hỏi tôi có sao không, rồi một anh cầm điện thoại gọi, nói giọng dân tộc thiểu số. Một lúc sau, nhiều người dân tới cứu chúng tôi. Rồi Công an cũng tới, hỗ trợ đưa từng người bị thương lên mặt đường. Khi cứu người xong họ lại chuyển hành lý lên hết mặt đường, bàn giao lại cho công an quản lý.
Hơn 40 người không ai bị mất hành lý tư trang. Một trong 2 anh đầu tiên đã cõng 4 người bị thương lên mặt đường. Tôi có ngụ ý thay mặt chủ xe bồi dưỡng tiền công cho người dân ở đó, nhưng anh ấy dứt khoát không nhận. Lúc đó, tôi mới hỏi tên mới biết anh ấy là A Chải và người bạn đồng hành là anh Hoàng.
Trước đây, bà con Giẻ Triêng thường tránh xa các vụ TNGT có người chết, sợ “ma xấu” không muốn tham gia cứu giúp. Thế nhưng chứng kiến những việc làm của anh em Đội ứng cứu nhanh TNGT Đắk Man (thành viên có cả những thanh niên người Giẻ Triêng), bà con đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động.
Theo A Chải, cái vượt qua lớn nhất của anh em chính là hủ tục. Nhớ vụ tai nạn ngày 21/5/2005, xe ô tô chở 31 cựu chiến binh từ phía Bắc về thăm chiến trường xưa lao xuống vực sâu tại đèo Lò Xo, thiệt mạng 29 người. Khi ấy, chỉ có CSGT, công an, bộ đội và đội ngũ y tế tham gia cứu nạn. Còn người đồng bào Giẻ Triêng chỉ đứng xa xem, không ai dám lại gần đưa những người xấu số ra khỏi hiện trường.
Đội phó Đội cứu nạn, anh Lê Huy Thanh lên công tác Trạm Y tế xã Đắk Man từ năm 2001 nên anh biết nhiều phong tục ở đây. “Cây cuốc, cái xẻng, cây rựa, con dao… đồng bào cho mượn để đào, khiêng, chặt cây cứu các vụ TNGT, bà con đều vứt hết, không dùng nữa. Lý do là vì dụng cụ dính máu người chết nên họ đều coi là ma xấu, sợ ma rừng bắt tội”, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk Man cho biết.
Còn A Chải kể: Năm đầu tham gia cứu nạn TNGT, một số thành viên khi cử đi đã “gãi đầu, gãi tai” vì ngại. “Tôi đi cứu hộ về cũng tuyên truyền luôn cho gia đình mình. Và khi thấy cuộc sống bình yên, không có ma rừng nào hại, gia đình tôi từ đó quên hẳn quan niệm xưa cũ. Giờ bà con nơi đây cũng đã dần bỏ, không còn quan niệm lạc hậu xưa cũ nữa. Vụ TNGT nào có sự huy động của Đội cứu nạn, tất cả người dân đều tham gia tích cực cứu người gặp nạn trên đèo Lò Xo”, A Chải nói.
Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum cho biết: “Đầu tháng 3/2018, sau khi Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh TNGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Đắk Man tích cực tham gia cứu người trong vụ xe khách lao xuống vực trên đèo Lò Xo làm 1 người chết và 19 người bị thương, Ban ATGT tỉnh Kon Tum đã có tờ trình đề nghị và Ủy ban ATGT Quốc gia đã khen thưởng cho Đội và một số cá nhân khác”.
Theo ATGT