Liên cứ đứng đó thẫn thờ. Liên thực vẫn không thể tin mẹ cô lại từ giã cõi trần trong xót xa tới vậy. Liên lần tìm, cầm thật chặt đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương của mẹ. Nhìn sâu vào đôi mắt nhăn nheo trĩu nặng thời gian, Liên chợt thấy cả một biển sầu thăm thẳm. Chợt Liên òa khóc.”Mẹ ơi, bà đang ở trên kia phải không mẹ…
Ngước mắt nhìn theo cáпh tay nhỏ bé của con trai, Liên chỉ thấy nhạt nhòa không biết là mây hay là khói… Cả cuộc đời, bà Tú – mẹ của Liên đã hi sinh tất cả để cô ăn học thành người.
Ra đi khi đứa con còn chưa đầy hai tháng tuổi, người chồng đã để lại cho bà bao khó khăn trong ngôi nhà tre xiêu vẹo, cứ bão to lại nơm nớp lo đổ.
Thời gian thấm thoắt trôi, Liên giờ đã là Giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài tại Hà Nội, chồng con đề huề, gia đình hạnh phúc.
Dù vậy, bà Tú chưa khi nào có ý định rời Hà Nam ra Hà Nội sống, nếu không phải do Liên nằng nặc thuyết phục. Lúc chuẩn bị lên xe, Liên thấy mẹ mình cứ đứng tần ngần trước ngõ.
Liên biết mẹ nhớ nơi này lắm, chẳng thế mà bà cứ ngoái nhìn mãi từng khóm cây, lối ngõ như muốn khắc họa tất cả vào bức tranh trí nhớ của mình. Hít thật sâu rồi thở dài cái thượt, bà Tú giục Liên nhanh lên xe, chắc vì lo mình sẽ thay đổi quyết định. Đó là một ngày Chủ nhật mùa hè đầy nắng…
Dẫu đã ngoài bảy mươi, bà Tú nhìn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Gian truân, vất vả không thể lấy nét duyên dáng trời cho trên gương mặt bà. Bạn bè, họ hàng tới nhà Liên chơi đều đoán bà Tú chắc chỉ hơn sáu mươi.
Nhìn mẹ, Liên thực rất mãn nguyện. Cả mười năm nay thuyết phục, cuối cùng mẹ cũng chịu để cô đưa ra Hà Nội. Liên muốn chăm sóc mẹ thật tốt để mẹ được nở mặt nở mày với các cụ ở quê. Trên hết, cô lo mẹ ở xa, lại một mình, nếu có bất trắc đêm hôm thì không kịp xoay xở.
Dù nhớ lắm cái hiên nhà rợp bóng cây chay, chiều nào cụ Tốn, cụ Đón hàng xóm cũng sang ngồi têm trầu, rồi tỏm tẻm với câu chuyện thời xưa thời nay, nhưng nghĩ đi nghĩ lại là được ở gần con cháu, bà Tú cũng thấy nguôi ngoai hơn.
Ấy thế mà đã mấy tháng nay, bà Tú đêm nào cũng trằn trọc khó ngủ. Bà buồn lắm. Con cháu đi làm từ sáng tới tối, để bà ở nhà một mình. Ăn xong định nói chuyện đôi câu chúng cũng khất lần, kêu bận, rồi mở điện thoại nói chuyện xì xà xì xồ với ai ở tận đâu, ở ngoài nghe mà nhức hết cả đầu.
Lúc bà còn ở quê, hầu như tối nào Liên cũng gọi điện về hỏi thăm xem mẹ có khỏe không, tối nay ăn gì? Chỉ mươi, mười lăm phút thôi nhưng theo như bà Tú đếm thì nhiều hơn hẳn bây giờ.
Thứ gì ở đây với bà cũng rất phức tạp đến xa lạ. Động vào đồ gì bà Tú cũng sợ hỏng. Hôm trước quay cơm thế nào mà bà làm hỏng cái lò vi sóng, Liên cằn nhằn mẹ suốt mấy tiếng đồng hồ.
Nghĩ con xót của hơn xót mẹ, bà Tú giận lắm. Từ hôm ấy trưa nào bà cũng ăn cơm nguội, ăn thế cũng chẳng chết được. Sống ở quê bao năm, cảnh xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau đã ăn vào мáu của những người như bà Tú.
Ở nhà, hàng xóm sang chơi lúc nào cũng được, có khi khách vào giữa sân mới ơi ới gọi. Giờ Liên đưa bà lên đây, tiếng là sống trong biệt thự chứ với bà Tú chả khác nào chim sẻ bị nhốt ℓồпg. Bà muốn sang nhà bên chơi nhưng xung quanh nhà nào nhà ấy kín cổng cao tường hết cả.
Bà càng không dám tự tiện mở cửa vì sợ. Ti vi đưa suốt mấy vụ cướp của, giếᴛ người, nghĩ đến thôi cũng đủ làm bà rùng mình. Nột bất xuất, ngoại bất nhập, lắm khi bà khó chịu, chân tay phát cuồng. Ở quê, bà chỉ nhớ con. Từ ngày ra đây, bà Tú thấy nhớ cả quê, nhớ cả con.
Đòi về quê thì Liên nhất quyết không cho. Liên nói cô bận tới mức chẳng có lúc nào để thở, không thể để mẹ về rồi tuần nào cũng đi đi lại lại. Biết thế nên có lần bà Tú đã ngỏ ý để Liên đưa vào viện dưỡng lão.
Liên cáu ầm nhà, nghĩ mẹ không thông cảm trách móc con cái nên mới làm thế. Bà Tú còn vô tình nghe được câu chuyện Liên nói với chồng: “Mẹ dạo này có tuổi nên lẩn thẩn quá. Con cái bận thì phải hiểu cho con, đằng này lại đòi vào viện dưỡng lão. Anh xem, em có để mẹ thiếu thứ gì đâu”.
Thương con cũng có, nhưng nghe mấy lời ấy bà Tú xót xa nhiều hơn. Bà tủi thân vì ngay đứa con duy nhất cũng không hiểu bà, bảo bà lẩn thẩn. Đã tới tuổi thất thập, trải qua bao thăng trầm, bà đâu thiết tha gì vật chất.
Điều bà mong mỏi chỉ đơn giản là có người bầu bạn, có con cháu quây quần. Người có tuổi sợ nhất lúc già lủi thủi một mình. Bà Tú thấy mình thật như người thừa, như gánh nặng của con gái.
Ngày xưa khó khăn bà còn nuôi được Liên, giờ một mình sao bà lại không thể nuôi nổi chính mình? Suốt mấy tháng mùa đông sau đó, sự đìu hiu khiến lòng bà Tú thêm se sắt.
Bà nhốt mình ở lì trong phòng từ sáng tới tối, việc gì cần lắm bà mới ra. Bọn trẻ nhìn quyển lịch dày cồm cộp mấy tháng, không thấy bà chúng xé lịch rồi đếm số ngày đã lên ở với con như trước.
Liên bận quá nên chỉ cười qua quýt “chắc bà quên rồi”. Thôi thì bà ở trong phòng nghe đài, xem ti vi, lúc nằm lúc ngồi, lúc thức lúc ngủ cho quen và quên đi. Rầu rĩ cả ngày, bà Tú chẳng thiết ăn. Bữa sáng bà cũng bỏ dần, tới bữa tối, bà khều khều vài hạt cơm cho con cháu vui rồi buông bát ra ghế ngồi.
Bà bảo ở nhà ăn vặt nhiều không đói, thật ra là do bà nuốt chẳng nổi. Chán nản, mệt mỏi, mất ngủ, bà Tú dần lâm vào tình trạng suy nhược trầm trọng. Biết mình ốm nhưng bà giấu nhẹm không nói cho Liên, bà nghĩ cứ thế này, tới lúc ốm nặng thế nào Liên cũng phải chịu đưa bà về quê.
Qua mùa đông, phải tới tận mùa hè, khi bà Tú không còn vận lên mình mấy lớp áo len, áo khoác, Liên mới chợt bàng hoàng nhận ra tình trạng sức khỏe của mẹ.
Nhưng lúc này, bà Tú đã gầy gò, ҳác xơ lắm rồi. Liên lần tìm, cầm thật chặt đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương của mẹ. Nhìn sâu vào đôi mắt nhăn nheo trĩu nặng thời gian, Liên chợt thấy cả một biển sầu thăm thẳm. Chợt Liên òa khóc.
Bác sĩ nói tình trạng mẹ Liên không tốt, bà yếu lắm rồi. Bà yếu không phải vì ăn uống không đầy đủ, mà là nguyên nhân chính do suy nhược thần kinh. Liên đưa mẹ về quê ngay sau khi mẹ cô xuất viện.
Thời gian ấy, bà không ăn được, chỉ uống nước cháo loãng. Hàng xóm sang chơi, ai nói gì bà cũng im lặng, nhưng người ta thấy bà rơm rớm nước mắt, hình như vui lắm. Chừng hai tuần sau, bà Tú lặng lẽ ra đi trong mê mê tỉnh tỉnh. Ngày về với tổ tiên, đôi bàn tay bà Tú nắm chặt tay Liên, đôi mắt không khép như muốn mang theo cả hình ảnh quê hương.
Liên cứ đứng đó thẫn thờ. Liên thực vẫn không thể tin mẹ cô lại từ giã cõi trần trong xót xa tới vậy.
– Sau này mẹ già, nhất định con phải quan tâm tới mẹ nhé… – Liên bỗng thì thầm với cậu con trai nhỏ.
– Vâng, lúc ấy con sẽ mua thật nhiều rô bốt và ô tô để mẹ chơi.
– Con yêu, mẹ chỉ cần con đừng để mẹ cô đơn…
– Vâng, con yêu mẹ nhất mà. Nhưng, sao mẹ nói giống y bà ngoại? Hồi trước bà cũng bảo con như thế.
Rời khỏi nghĩa trang, Liên nắm tay con trai thật chặt rồi cứ thế lững thững bước đi. Hôm nay, con đường phía trước sao ướt át, nhạt nhòa?. Bên tai, Liên không còn nghe thấy âm thanh ồn ã của hiện tại, chỉ thấy lời ru ấm áp của mẹ vọng về.
Sưu tầm.