Ngày 31.7, Báo Lao Động đăng tải thông tin cụ thể việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng là cán bộ Hội đồng thi THPT Quốc gia tại Sơn La để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi tỉnh này có dấu hiệu bị sửa điểm.
Trước đó, 2 cán bộ thuộc Hội đồng thi THPT tại Hà Giang cũng bị cơ quan công an bắt tạm giam về hành vi này.
Video Lao Động đã quay cận cảnh khi chiếc còng số 8 được nữ cán bộ an ninh tra vào tay bà Nguyễn Thị Hồng Nga – chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Sơn La, uỷ viên tổ chấm thi trắc nghiệm. Tiếng “tạch! tạch! tạch! tạch! tạch!” của chiếc còng vang lên khi siết vào tay nữ cán bộ ngành giáo dục nghe mà nhói lòng!
Trước khi làm cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, hầu hết họ đều từng là giáo viên, từng đứng trên bục giảng với bao tâm huyết, say mê. Từ xưa đến nay, nghề giáo không phải nghề giàu có về tiền bạc nhưng chính họ lại là những người giàu có về nhân cách, về giá trị làm người. Khi đứng trên bục giảng, những người thầy chân chính sẽ cảm nhận được sự vinh hạnh và ý nghĩa cao cả của nghề, dù vất vả gian truân nhưng không gì có thể dễ dàng đánh đổi. Vì vậy, dù bất kỳ thời đại nào, người thầy, nghề làm thầy luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng.
Vậy nhưng, thật xót xa khi những ngày qua, một loạt cán bộ giáo dục phải tra tay vào còng. Bản thân họ và gia đình xót xa! Học trò xót xa và xã hội cũng rất xót xa!
Điều gì đã đẩy những người thầy vào hoàn cảnh đó? Phải chăng họ quá nghèo để phải làm liều? Sự thật thì đa số những người có hành vi vi phạm pháp luật này đều có cuộc sống vật chất tương đối khá giả. Những cám dỗ vật chất và quyền uy thời nào cũng là những thứ axit bào mòn phẩm giá con người. Nhưng chưa bao giờ nhiều thầy cô lại “gục ngã” như thế.
Cả nước hiện có hàng triệu giáo viên từng ngày tận tuỵ, say mê với sự nghiệp trồng người. Rất nhiều giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa không quản khó khăn gian khổ cõng con chữ lên non với đồng bào. Ngoài ý thức của một công việc mưu sinh còn là lý tưởng, là sự hy sinh cao cả mà bản thân nghề này mang lại. Điều này như viên ngọc sáng làm động lực thúc đẩy hành động và là giá trị làm nên sự thiêng liêng của nghề dạy học.
Những người từng được gọi là thầy, cô giáo ở Hà Giang và Sơn La đã làm hoen ố đi viên ngọc sáng đó. Những người này sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật và dư luận xã hội.
Bất lương trong nghề nào cũng đáng bị nguyền rủa nhưng bất lương trong nghề dạy học đáng nguyền rủa hàng trăm lần. Họ không chỉ vứt bỏ niềm tin của chính mình mà còn là những kẻ ăn cắp niềm tin của bao người khác.
Nhưng họ chỉ là những cá thể, một bộ phận nhỏ hư hỏng. Còn hàng triệu giáo viên vẫn hàng ngày chăm chút cho viên ngọc đó sáng mãi lên.
Chúng ta buồn, xót xa nhưng vẫn hy vọng và tin tưởng rằng, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và ý nghĩa thiêng liêng của nghề thầy giáo sẽ vẫn đủ sức mạnh phản kháng lại những cám dỗ.
Nhưng dù sao, những tiếng “tạch! tạch! tạch!…” lạnh lùng của chiếc còng số 8 vẫn rất ám ảnh, xót xa…
Theo Laodong