Xòe Thái vừa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là tin vui, nhưng đằng sau niềm vui là trách nhiệm. Làm thế nào để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, “sử dụng” như một sản phẩm văn hóa mới?
Việc Xoè Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái nói riêng mà còn của người dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đằng sau những niềm vui là trách nhiệm, thách thức của cộng đồng, các cơ quan quản lý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
5 năm một hành trình
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phê duyệt Quyết định số 3692 về việc xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia được giao chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”.
Cộng đồng các bản người Thái ở vùng núi Tây Bắc, từ các đội Xòe cấp cơ sở thôn, bản, xã, phường đến đội Xòe chuyên nghiệp cấp huyện, tỉnh; từ nghệ nhân múa không chuyên hay nghệ nhân dân gian đều nỗ lực, đóng góp thời gian và công sức để trình diễn, thực hành, sáng tạo di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”, phục vụ hữu ích trong quá trình lập hồ sơ như ghi hình, chụp ảnh và cung cấp thông tin phiếu kiểm kê, phỏng vấn…
Đặc biệt, việc thành lập các Câu lạc bộ Xòe Thái trong những năm qua cũng phát triển mạnh. Tính đến nay, tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội, tỉnh Điện Biên có 1.273 đội, tỉnh Lai Châu có hơn 100 đội, và tỉnh Sơn La có khoảng 1.700 đội. Các thành viên của những đội văn nghệ này là lực lượng nòng cốt trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt Xòe Thái.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ, sự ghi danh càng làm tăng thêm lòng nhiệt tình của thành viên cộng đồng và người ngoài cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ, gìn giữ và thực hành các điệu Xòe. Việc ghi danh cũng là cơ hội để Xòe ở các bản Mường Tây Bắc được mọi người trên khắp Việt Nam và quốc tế biết đến; nâng cao sự tôn trọng đối với sáng tạo của nhân loại trong việc thể hiện niềm khát vọng chung của con người về một cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc.
Đây là một sự khẳng định, công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật Xòe Thái được công nhận càng thể hiện quyết tâm trong việc thực hành, trình diễn và trao truyền Nghệ thuật Xòe Thái trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.
Còn theo Nghệ nhân ưu tú Lường Thị Đại – nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tỉnh Điện Biên nhìn nhận, việc ghi danh cho Xoè Thái đang tạo ra mảnh đất màu mỡ để nghệ thuật múa dân gian Thái từ chỗ không chuyên trở thành chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghệ thuật Xòe Thái sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nhiều loại hình di sản liên quan như: Trang phục truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đồng thời phát huy được vai trò của chủ thể văn hóa trong cộng đồng cũng như khả năng sáng tạo của cộng đồng trong quá trình thực hành di sản.
Điều cần quan tâm sau danh hiệu
Đằng sau việc ghi danh cho Xoè Thái là những trăn trở, thách thức. Bởi trước đó, Xoè Thái cũng đã từng bị sử dụng sai mục đích như cuộc diễn huy động đến 5 nghìn người để lập kỷ lục Guinness cũng như việc tách Xòe ra khỏi cộng đồng đều đi ngược với Công ước của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Hay việc gắn kết Xoè Thái với phát triển du lịch cũng đang đặt ra những băn khoăn.
TS Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho rằng, du lịch có thể đóng góp vào việc làm sống lại các nghệ thuật biểu diễn truyền thống và mang lại “giá trị kinh tế” cho Xoè Thái, tuy nhiên nó cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực làm méo mó di sản khi biến chúng thành các tiết mục biểu diễn nhằm đáp ứng thị hiếu của du khách.
Thực tế hiện nay, các hình thức nghệ thuật truyền thống thường bị biến thành các sản phẩm giải trí và bị mất đi những hình thức biểu đạt quan trọng đối với cộng đồng.
Cũng theo TS Lê Thị Minh Lý, Xoè Thái cần được nghiên cứu, vừa bảo tồn vừa tái sáng tạo để tạo ra những giá trị mới gia tăng. Câu hỏi đặt ra là làm thể nào để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, “sử dụng” như một sản phẩm văn hóa mới nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi tạo thành bản sắc của Xòe Thái?
Việc tích hợp nghệ thuật này với hoạt động của các khu du lịch vùng Tây Bắc là một tiềm năng cho sự phát triển. Điều đó đã rõ. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ sáng tạo văn hóa của các cộng đồng chủ thể.
Làm thế nào để có sức sống mới, công chúng mới và giá trị mới? Nhà quản lý, nhà nghiên cứu và cộng đồng trong mối quan hệ hợp tác đồng thuận, tôn trọng và bền vững sẽ trả lời các câu hỏi trên.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần hiểu đúng mục đích của việc ghi danh của Công ước 2003 là nhằm nâng cao nhận thức về giá trị cũng như góp phần vào bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, đảm bảo sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc và góp phần tăng thêm sự đối thoại giữa cá nhân, nhóm người, cộng đồng.
Việc ghi danh của UNESCO không bao hàm sự phân biệt cao thấp cũng như biến một di sản Xòe trở thành di sản thế giới theo nghĩa vẫn được nhiều người hiểu nhầm hiện nay.
“Dù có được ghi danh, Xòe mãi mãi vẫn là của người Thái và do người Thái sáng tạo, lưu truyền, thực hành và gìn giữ” – PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.
Theo Daidoanket