Với việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với tiềm năng thu hút khách du lịch, Việt Nam đang có tiềm năng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chữa bệnh, một loại hình du lịch đang trở thành xu hướng.
Lợi thế phát triển du lịch y tế
Theo nhận định của VietNam Briefing, một trong những ấn phẩm kinh doanh của Asia Briefing, Việt Nam đang được thế giới công nhận là điểm đến ưu thích của nhiều du khách kết hợp du lịch và chữa bệnh. Trong đó các dịch vụ liên quan đến chăm sóc răng miệng được đánh giá có chất lượng tốt và chi phí hợp lý. Mức chi phí này so với Mỹ rẻ hơn đáng kể, trong khi đó tiêu chuẩn chăm sóc vẫn rất cao.
Tại Việt Nam, hầu hết các thành phố lớn đều có các phòng khám nha khoa quốc tế, với nha sĩ thành thạo tiếng Anh, giúp đáp ứng được dịch vụ cho khách nước ngoài như Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu. Các khách du lịch này bên cạnh việc tận hưởng những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực thì việc tiết kiệm chi phí chữa bệnh cũng là một lý do chính khiến họ chọn Việt Nam làm điểm đến.
Với chi phí chăm sóc răng hợp lý, nhiều người nước ngoài đã chọn Việt Nam làm địa điểm du lịch y tế.
Với những khách du lịch y tế, thời gian lưu trú của họ sẽ lâu hơn so với khách du lịch thông thường. Do đó mức chi tiêu của những khách hàng này cũng lớn hơn, giúp tăng doanh thu cho ngành du lịch trong nước đáng kể. Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê vào năm 2022, ước tính rằng chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch cho việc điều trị chăm sóc sức khỏe lên tới 156,58 USD.
Triển vọng phát triển du lịch y tế của Việt Nam cũng được Martin Koerner, Giám đốc Thương mại của Tập đoàn điều hành khu nghỉ dưỡng cao cấp The Anam nhắc đến trong các bài đăng của mình trên LinkedIn – một trang mạng xã hội lớn của Mỹ.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ y tế giá cả phải chăng với mức giá thấp hơn khoảng 10% so với ở Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế đáng kể so với các điểm đến du lịch y tế khác như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Ví dụ, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000-15.000 USD trong khi ở Thái Lan chi phí từ 25.000-30.000 USD.
Ngoài ra, việc tận hưởng du lịch với khí hậu nhiệt đới ấm áp và trải nghiệm các khu du lịch với suối nước nóng cũng là một cách để chăm sóc sức khỏe tốt.
Vẫn cần quảng bá hình ảnh ra thế giới
Theo ông Koerner, mặc dù có nhiều mặt tích cực trong việc cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh, nhưng vẫn có một số thách thức cản trở sự phát triển của ngành. Đầu tiên đó là Việt Nam chưa được biết đến nhiều với vai trò là một điểm đến du lịch chữa bệnh. Cũng vì thế mà chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam chưa được các quốc gia có nguồn khách du lịch chữa bệnh quan trọng quan tâm.
Do đó mà hiện tại, nhiều du khách có nhu cầu chăm sóc sức khỏe còn e ngại về vấn đề an toàn, vệ sinh, rào cản ngôn ngữ hoặc các khía cạnh pháp lý khi chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch y tế.
Vietnam Briefing cũng đánh giá Việt Nam cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với du lịch y tế, hướng đến kết nối các bên liên quan chính như chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức y tế, công ty du lịch và khách sạn để phát triển du lịch y tế mạnh mẽ hơn, xứng với tiềm năng hiện có.
Du lịch y tế vẫn là một “mỏ vàng” tiềm năng Việt Nam có thể khai thác trong tương lai.
Ấn phẩm này cũng dẫn một báo cáo chính thức do Sở Du lịch TP HCM cung cấp, cho thấy đã có sự gia tăng nhất quán và đáng chú ý về số lượng khách du lịch tìm kiếm các dịch vụ y tế. Theo đó, Việt Nam hiện thu hút trung bình 300.000 du khách nước ngoài đến khám và điều trị mỗi năm mang đến doanh thu lên tới 2 tỷ USD/năm. Trong đó TP HCM là điểm đến ưa thích của 40% số khách này.
Trong tháng 6 vừa qua, Sở Du lịch TPHCM cũng đã tổ chức lễ công bố chương trình, sản phẩm du lịch y tế TP HCM năm 2023. Du lịch y tế cũng đã được đưa vào dự thảo chiến lược phát triển du lịch của thành phố. Trong giai đoạn trước mắt, nhiều hoạt động, giải pháp để khai thác tiềm năng của loại hình du lịch này nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố đã phối hợp với các đơn vị y tế để xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế trong năm 2023. Điểm chung của các sản phẩm du lịch y tế được công bố dịp này là sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện uy tín, chất lượng, trải nghiệm dịch vụ cao cấp; ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của thành phố.
Để quảng bá sản phẩm du lịch y tế này, ngành du lịch cũng tiến hành hiệu chỉnh Cẩm nang Du lịch Y tế năm 2018, với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả, thêm nhiều ngôn ngữ (Anh, Thái, Campuchia, Lào, Hoa) để du khách trong nước và quốc tế có thể nghiên cứu, tham gia các chương trình tour, trải nghiệm thực tế.
Đồng thời, TP HCM cũng sẽ tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan.
An Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/viet-nam-dang-co-nhieu-loi-the-de-phat-trien-du-lich-y-te-post258567.html