Sau 5 tháng cả nước “căng mình” chống dịch Covid-19, vận dụng linh hoạt chiến lược xét nghiệm nhanh, rộng, đi tắt đón đầu. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Sáng 14/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia y tế đã có buổi trả lời phỏng vấn, giải đáp trực tuyến những thắc mắc của người dân khi nhìn lại 5 tháng chống đại dịch Covid-19.
Chống dịch ở TP.HCM là thời gian căng thẳng nhất
Những ca mắc đầu tiên trong đợt này bắt đầu từ ngày 27-4, nhanh chóng lan rộng trên địa bàn cả nước. Từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến cuối tháng 5 tại TP.HCM.
“Nhìn lại, mọi người đều biết đợt dịch thứ tư do chủng virus mới Delta, chủng có nhiều đặc tính nguy hiểm hơn so với biến chủng trước đây. Chu kỳ lây lan nhanh hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2-3 ngày có một chu kỳ mới. Trong thời gian ngắn, một người có thể lây cho 9-10 người” – Thứ trưởng Sơn nhắc lại.
Theo Thứ trưởng Sơn, khi dịch bùng ở Hải Dương, sau đó đến Bắc Giang, Bắc Ninh, mọi thứ hết sức khó khăn vì chủng virus này không chỉ lan rộng trong cộng đồng mà còn tại các phân xưởng, nhà máy, nhà trọ đông công nhân. Số lượng người mắc tăng lên chóng mặt.
Bộ phận thường trực đặc biệt với vai trò hỗ trợ chống dịch cũng đã thực hiện các biện pháp khuyến cáo, đề xuất chính sách, cách ly, xây dựng bệnh viện hồi sức trong thời gian rất ngắn. Sau một tháng thì tình hình dịch ở Bắc Giang tương đối ổn.
Nhưng khi dịch lan đến TP.HCM thì phải nói đây mới là thời gian hết sức căng thẳng đối với bộ phận thường trực. Dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh khởi phát chủ yếu từ các cơ sở công nghiệp, còn TP.HCM khởi phát từ hội nhóm truyền giáo. Những người tham gia tổ chức này đã đi đến nhiều địa bàn trên cả nước. Khi phát hiện thì dịch đã thấm sâu trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, dịch cũng lan đến các khu chợ như chợ đầu mối Bình Điền, rồi các khu công nghiệp, khu dân cư, xóm trọ đông đúc… TP.HCM có địa bàn rộng, mật độ dân cư đông…
“Chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục ngàn, tỉ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn. Bộ phận thường trực làm việc không kể ngày đêm, những cuộc họp kéo dài đến 2, 3 giờ sáng, có những đêm tôi thức trắng tìm hướng ra tốt nhất. Có những bữa cơm, nhiều anh em bộ phận thường trực mắt đỏ hoe vì nhiều thứ chưa đáp ứng được người dân” – Thứ trưởng Sơn kể lại.
Hai chiến lược quan trọng vượt qua đại dịch
Có thể nói mọi thứ được gỡ rối từ thời điểm ngày 25-8, Ban chỉ đạo quốc gia được kiện toàn, Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo chống dịch, lúc đó chiến lược xét nghiệm nhanh, rộng, đi tắt đón đầu là hết sức cần thiết.
“Bởi vì chúng ta đi vào trận mà không biết địch ở đâu thì không thể đánh. Hệ thống y tế của chúng ta có một thời gian hết sức bất ngờ trước số lượng người nhiễm đông như vậy. Thứ hai là việc phủ vaccine chưa bao phủ toàn thể theo tinh thần của Nghị quyết 21, vì vậy số lượng người mắc tăng lên rất lớn” – Thứ trưởng Sơn nói.
Nhấn mạnh về hai chiến lược góp phần đưa TP.HCM trở về bình thường mới từ ngày 1-10, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đó là chỉ đạo của Thủ tướng “phường, xã là pháo đài, người dân là chiến sĩ” và thành quả chống dịch đó là thành quả của nhân dân. Tất cả trường hợp F0 khi được cách ly tại nhà được hỗ trợ gói thuốc, y tế, các gói an sinh xã hội kịp thời. Vì vậy, chúng ta đã giúp cho người dân đảm bảo tính mạng an toàn khi theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thứ hai là chiến lược xét nghiệm diện rộng, đón đầu dịch ở các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 48 giờ một lần xét nghiệm. Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 23 đến 30-9, ở TP.HCM tỉ lệ ca nhiễm giảm xuống rất nhiều, từ 3,7% vào đầu tháng 9 đến ngày 30-9 còn khoảng 0,1%, đây là số lượng rất ấn tượng. Các trường hợp trở nặng, tử vong trong bệnh viện giảm xuống dưới hai con số.
“Nhờ những quyết sách này, chúng ta đã chiến thắng bước đầu, về mặt y tế chúng tôi thấy cơ bản đã vượt qua thời gian đen tối” – ông Sơn nói.
Nhắc lại năm tháng ròng chống dịch, Thứ trưởng Sơn lại dâng trào cảm xúc khi nhớ lại thời gian ký các quyết định điều động đồng nghiệp từ các tỉnh, thành vào TP.HCM cùng lực lượng công an, quân đội để chống dịch.
“Tôi cảm thấy khâm phục tấm lòng hy sinh của anh em, đã cố gắng hết sức lực có thể. Điều kiện ban đầu về ăn ở, sinh hoạt, đi lại khó khăn nhưng không một ai than vãn, ai cũng quyết tâm ở lại, dịch ở thành phố ổn mới trở về” – ông Sơn nói.
Thêm nữa, sự chăm sóc của chính quyền, người dân TP.HCM cũng là động lực giúp nhân viên y tế quyết tâm hơn khi tham gia chi viện.
“Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, tôi mong muốn tất cả người dân nỗ lực, nhận thức đầy đủ. Chúng ta tránh để bình thường mới thành điểm bùng phát dịch. Đây là điểm hết sức lo lắng, tôi mong muốn từ cấp lãnh đạo địa phương đến người dân hãy tập trung thực hiện chỉ đạo về thời kỳ bình thường mới của Chính phủ” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.
Bộ Y tế ngày 14-10 cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Theo Văn bản 8688, vaccine sử dụng là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt dùng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng hai liều và tiêm cùng loại vaccine. Cha mẹ, người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng. Trẻ được khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện” – Bộ Y tế yêu cầu. Sở Y tế địa phương phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học, chính quyền địa phương lập danh sách.
Việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm cho trẻ 12-17 tuổi cho các tỉnh, thành.
T/h