Quan Vũ tuy sở hữu sức mạnh vô song, được mệnh danh là “Vạn Nhân Địch”, tuy nhiên trong chiến trận, ông đã từng để thua một viên tướng được coi là “dưới cơ” hơn nhiều.
Trong Tam Quốc để nhắc đến 2 chữ “Chiến Thần” chỉ có vài nhân vật xứng đáng như Lữ Bố, Quan Vũ, Mã Siêu. Nếu Lữ Bố và Mã Siêu nổi tiếng là “hữu dũng vô mưu” thì Quan Vũ ngoài sức mạnh kinh người còn có tài cầm quân đáng nể. Rất nhiều chiến công của ông trong lịch sử không đến từ màn “solo” thường thấy mà còn bao gồm cả những trận đánh đậm tính chiến thuật trong nghệ thuật dụng binh. Thế nhưng trong rất nhiều cuộc chiến ấy, Quan Vũ đã phải chịu một lần thất bại hiếm hoi ở Phàn Thành trước một vị tướng nhà Ngụy. Đó chính là Từ Hoảng.
Trở lại với bối cảnh lịch sử năm 219, Lưu Bị đem quân đánh phá Đông Xuyên, cướp Hán Trung trên tay Tào Tháo. Cùng thời điểm đó, Quan Vũ đang trấn thủ ở Kinh Châu cũng điểm binh tiến lên mặt bắc trợ chiến, đánh Tào. Quan Vũ tiến quân rất nhanh, thu được nhiều thắng lợi và mau chóng vây khốn Tương Dương, Phàn Thành. Về phía quân Tào, Tào Nhân trấn thủ Phàn Thành và Lã Thường đóng ở Tương Dương. Trước sức tấn công vũ bão của Quan Vũ, Tương Dương, Phàn Thành vô cùng nguy ngập. Tào Nhân chỉ biết đóng cửa, thành cao hào sâu ngồi giữ Phàn Thành, không dám ra ứng chiến.
Từ Hứa Xương nghe tin dữ, Tào Tháo kíp sai Vu Cấm và Bàng Đức mang 7 đạo quân chi viện cho Tương Dương, Phàn Thành. Dù vậy, đạo quân tiếp viện này đã mau chóng bị Quan Vũ diệt gọn với kế đắp đập, khơi dòng sông Hán Thủy nhấn chìm quân Tào. Tào Tháo càng thêm sốt ruột. Nếu Tương Dương, Phàn Thành vỡ, kinh đô Hứa Xương chắc chắn nguy trong sớm tối. Lần này, Từ Hoảng được lệnh ra trận. Ông có cuộc chạm trán đáng nhớ với Quan Vân Trường.
Trước đây, khi về hàng Tào Tháo (trên danh nghĩa hàng vua Hán), Quan Vũ chỉ chơi thân với 2 người là Từ Hoảng và Trương Liêu. Cả 3 người đều quê ở Sơn Tây và từng phục vụ trong đội kỵ binh Tinh Châu nổi tiếng tinh nhuệ. Ngoài ra, họ cũng đều là hàng tướng dưới trướng Tào Tháo nên tâm sự có nhiều điểm tương đồng. Bản thân Quan Vũ cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối đầu với Từ Hoảng. Ông cho “đào hào đắp lũy, nghiêm phòng tử thủ, nhiều lần dụ địch xâm nhập nhằm thừa thế công hạ Phàn Thành”.
Quan Vũ không ngờ, Từ Hoảng cho quân đi đường nhỏ, toàn quân Tào Ngụy áp lưng tấn công trận địa phòng ngự của Thục Hán “thế như chẻ tre”, phá vỡ phòng tuyến của Quan Vân Trường từ bên trong, buộc ông phải rút quân. Kết thúc chiến dịch, Tào Tháo thị sát phòng tuyến của quân Kinh Châu đã bàng hoàng trước độ vững chắc của chiến tuyến Thục Hán, điều này càng khiến ông cảm thán trước chiến công khó tin của Từ Hoảng.
Dưới trướng Tào Tháo, Từ Hoảng luôn là “tướng yêu”, hết sức được trọng dụng. Sau này, khi Tào Phi nối nghiệp cha, rồi xưng đế, Từ Hoảng cũng vẫn là đại thần rường cột của nước nhà. Ông được phong tới tước hầu, ăn thực ấp hơn 3000 hộ. Năm 227 Từ Hoảng mất, hưởng thọ 58 tuổi.
Theo Wikipedia