Ung thư có thể tái phát bởi vì ngay cả sau đợt trị liệu rất hiệu quả, trong cơ thể vẫn tồn tại các tế bào ung thư trong trạng thái “ngủ đông” sẵn sàng thức dậy bất cứ lúc nào.
“Các tế bào ung thư đang ngủ là những tế bào tách ra khỏi khối u chính, lọt được vào trong máu và ở lại trong một số cơ quan dưới dạng vi tế bào ung thư di căn. Chúng không phân chia và không có biểu hiện nào. Phương pháp hóa trị không thể tiêu diệt chúng, hệ thống miễn dịch cũng không thấy chúng. Nhiều năm sau đợt điều trị, những tế bào này đột nhiên thức dậy và gây ra ung thư di căn” – Giám đốc Hiệp hội Ung thư học Á-Âu, Trưởng Khoa Ung bướu của Glav UPDK thuộc Bộ Ngoại giao Nga, bác sĩ phẫu thuật Somasundaram Subramanian nói với Sputnik.
Đây không phải là một khối u nguyên phát mới, mà là hậu quả của việc các tế bào ung thư lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các bộ phận khác của cơ thể. Vẫn chưa rõ cơ chế đánh thức các tế bào khối u.
Theo bác sĩ Subramanian, các tế bào khối u đang ngủ có thể xuất hiện trong cơ thể người rất lâu trước khi ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư.
Vấn đề là ở chỗ, hệ miễn dịch của con người có thể nhận ra và tiêu diệt các tế bào ác tính. Nhưng, khả năng của nó cũng có giới hạn, vì thế hệ thống miễn dịch có thể giữ một số tế bào ác tính trong trạng thái “ngủ đông”. Rốt cuộc, đối với một số người, khối u tái phát có thể xuất hiện sau 1-2 năm, hoặc sau 5-7 năm, và đối với một số người khác – không bao giờ.
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, các mạch máu có thể đánh thức vi tế bào di căn đang ngủ và nó bắt đầu phân chia. Kết quả là những bệnh nhân đã chữa khỏi nhiều năm trước đột nhiên bị tái phát di căn.
Một yếu tố khác làm đánh thức các tế bào khối u đang ngủ là căng thẳng tâm lý, làm suy yếu hệ miễn dịch. Do đó, các bệnh nhân ung thư đã được điều trị thành công cần phải củng cố hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, các nhà sinh học của Mỹ và Anh đã phát hiện ra rằng, đôi khi hệ miễn dịch quá mạnh, hay đúng hơn là phản ứng của nó đối với chứng viêm, có thể đánh thức các tế bào ung thư đang ngủ.
Bạch cầu trung tính tham gia tích cực nhất trong phản ứng viêm đối với tổn thương. Thông thường, các tế bào này trong hệ miễn dịch bắt giữ và tiêu hóa các vi khuẩn. Trong một số trường hợp đặc biệt nguy hiểm, bạch cầu trung tính hoạt động như kamikaze – khi chết, chúng để lại một mạng nhện ADN được bao phủ bởi chất độc hại. Mầm bệnh mắc vào tấm mạng như vậy bị phá hủy, nhưng, đối với một tế bào ung thư đang ngủ, cái bẫy này trở thành nguồn lực để thức dậy.
Vấn đề là ở chỗ: các phân tử diệt khuẩn gắn vào mạng ADN tác động đến protein laminin trong chất nội bào. Và protein laminin đánh thức tế bào khối u đang ngủ, và nó bắt đầu phân chia nhanh chóng.
Enzym Tyrosine Kinase SYK (spleen tyrosine kinase) có liên quan đến phản ứng của cơ thể đối với tình trạng viêm và tăng trưởng mạch máu. Trong các tế bào ung thư đang ngủ cũng có SYK. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Purdue (Mỹ) phát hiện ra rằng, Fostamatinib có thể ức chế SYK – đây là thành phần hoạt chất trong thuốc chống viêm khớp dạng thấp và giảm tiểu cầu miễn dịch – các thứ bệnh tự miễn được đặc trưng bởi viêm nội bộ. Các thí nghiệm trên chuột bị ung thư vú đã mang lại kết quả tích cực.
“Có rất nhiều cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa viêm và ung thư. Nhưng, cần phải tiếp tục nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Theo tôi, đây là một lĩnh vực rất hứa hẹn. Không loại trừ khả năng một số loại thuốc chống viêm sẽ được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư. Thuốc giảm đau aspirin giúp ngăn ngừa các cơn đau tim. Tôi cho rằng, rất có thể một số loại thuốc hiện có cũng có thể bảo vệ khỏi ung thư “, – bác sĩ Subramanian kết luận với Sputnik.
Theo Laodong