Những gì đang diễn ra với tuyển Việt Nam hôm nay có nhiều nét phảng phất với điều đã có ở bóng đá Thái Lan năm 2017.
Thái Lan ngày đó là vua Đông Nam Á, chơi ấn tượng hơn tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup. Họ cũng tới vòng loại ba với kỳ vọng lớn trước khi thảm bại. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Worawi Makudi khi đó từng nói: “Vô địch Đông Nam Á rồi thua 0-3, 0-4 ở châu Á? Các người có thể hài lòng với điều đó không?”.
Sau đó không lâu, Kiatisuk Senamuang bị sa thải.
Phần còn lại chúng ta đều đã biết. Những thay đổi liên tục trên băng ghế huấn luyện không chặn được đà đi xuống của tuyển Thái. Họ tiếp tục thất bại ở vòng loại World Cup 2018, thua tiếp tại vòng loại 2022 và còn lâu mới trở lại với vị thế của năm 2017.
Viễn cảnh ấy hoàn toàn có thể đến với chính tuyển Việt Nam trong tương lai nếu chúng ta không có cái nhìn tỉnh táo hơn.
Bài học Thái Lan
Giống hệt Thái Lan của năm 2017, tuyển Việt Nam đang là vua Đông Nam Á. Thầy trò ông Park cũng nhận thất bại sau những chiến công liên tiếp, cũng chịu chỉ trích từ nhân vật quyền lực, cũng có HLV trưởng lần đầu cảm nhận áp lực trên ghế nóng.
Vế đầu tiên của bóng đá Việt Nam đang giống hệt người Thái. Câu hỏi là chúng ta có muốn mình cũng giống họ ở vế phía sau?
Các chiến thắng liên tiếp của Kiatisuk trong quá khứ và HLV Park Hang-seo ở hiện tại tạo nên những ảo tưởng. Không chỉ người hâm mộ, giới chuyên môn và những nhà lãnh đạo cũng kỳ vọng và đặt nhiều áp lực hơn lên đội tuyển. Họ tin chiến thắng sẽ đẻ ra chiến thắng, tin những năm rực rỡ vừa qua là đủ để hai đội tuyển ngồi chung mâm với nhóm tinh tú của châu lục.
Nhưng vòng loại thứ ba World Cup không phải thử thách dễ dàng như vậy. Nó khốc liệt hơn mọi giải trẻ, dữ dội vượt xa cả Asian Cup.
Là gạch nối cuối cùng đến với Cúp thế giới, vòng loại thứ ba World Cup không có chỗ cho sự thiếu nghiêm túc. Đây là nơi 12 đội tuyển hàng đầu châu lục mang tới lực lượng mạnh nhất, thi đấu với quyết tâm cao nhất. Vòng loại World Cup thuộc lịch chính thức của FIFA, nên không CLB nào trên thế giới được phép từ chối nhả người, và mọi ngôi sao châu Á ở trời Âu đều có thể trở về. Tuyển Việt Nam hiểu rõ điều đó vì chúng ta vừa liên tiếp chạm mặt họ ở các trận với Australia và Trung Quốc.
Những ai chỉ trích lối chơi của tuyển Việt Nam hẳn đã quên Thái Lan từng đá đẹp, chơi cống hiến thế nào tại vòng loại World Cup 4 năm trước. Kết quả là những thất bại. Nếu đội Thái Lan ở đỉnh cao ấy còn bại trận, liệu còn lựa chọn nào hợp lý hơn cách chơi hiện tại của tuyển Việt Nam?
Chúng ta hay có thói quen phân định rạch ròi mọi thứ thành hai nửa: Không là đen thì phải là trắng, không phải thắng thì nhất định sẽ thua. Cách nghĩ ấy khiến chúng ta dễ lạc bước giữa hai thái cực, hoặc tung hô, hoặc chỉ trích quá đà. Cách nghĩ ấy ngăn chúng ta nhìn thấy quá trình tiến bộ, ngăn ta nhận ra những đổi thay thường chậm chạp và đôi khi đầy đau đớn như trong môn thể thao vua này.
Nếu tuyển Việt Nam hay Thái Lan là nửa ly nước, người Thái đã chọn nhìn vào phần đánh mất, đồng nghĩa với thất bại, cay đắng, vỡ mộng. Lựa chọn quyết định hành động. Họ đã quên nhìn vào nửa cốc còn lại, quên vinh quang đã có, quên nền tảng vững chắc được Kiatisuk gây dựng, quên đi những vấn đề nội tại, quên cả việc HLV không thể một mình mang về chiến thắng cho đội tuyển.
Thành tựu vừa qua của Kiatisuk ở HAGL càng chứng tỏ ông tài năng cỡ nào còn bóng đá Thái Lan đã sai lầm ra sao trong giai đoạn ấy. Không hề vô lý khi Kiatisuk được nhắc tới như là ứng viên sáng giá để dẫn dắt tuyển Thái một lần nữa. Chỉ có điều, bóng đá Thái Lan đã trả giá quá đắt để nhận ra sai lầm.
Còn tuyển Việt Nam, chúng ta chọn nhìn vào nửa đầy hay nửa vơi?
Tiến bộ của tuyển Việt Nam
Nếu tin vào những điều tốt đẹp, nhìn vào nửa đầy, chúng ta sẽ thấy tuyển Việt Nam đã tiến bộ không ngừng cả trong những thất bại vừa qua.
Và đó không hề là nhận định xã giao.
Ba trận đầu vòng loại thứ ba World Cup, tuyển Việt Nam lần lượt thất bại với tỷ số 1-3, 0-1 và 2-3. Từ chỗ thua cách biệt Saudi Arabia, thầy trò ông Park thua sát nút Australia trước khi cầm chân Trung Quốc sau phút 90+4. Từ chỗ không ghi bàn, Quang Hải và đồng đội hai lần phá lưới đối thủ. Tỷ lệ kiểm soát bóng của tuyển Việt Nam tăng tiến liên tục sau ba trận, lần lượt là 28%, 30% và 51%.
Quan trọng nhất, từ chỗ bị áp đảo toàn diện, tuyển Việt Nam đã từng bước chơi ngang ngửa đối thủ, có thời điểm bừng sáng hy vọng giành điểm như trước Australia hay Trung Quốc.
Theo đúng đà tăng tiến đó, tuyển Việt Nam có nên kỳ vọng vào kết quả khả quan hơn trước Oman, đối thủ sở hữu trình độ vừa phải nhất với chúng ta từ đầu vòng loại?
Nhưng chưa tính tới trận gặp Oman, tuyển Việt Nam cũng đã tiến bộ hơn trên bình diện khu vực.
So với Thái Lan năm 2017, nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam cả ở cấp độ đội tuyển và CLB, tuyển Việt Nam đang có thành tích tốt hơn tại vòng loại ba World Cup. Thái Lan khi đó tham dự lần thứ hai nhưng vẫn thua 3 trận đầu, hiệu số bàn thắng bại là 1-6. Tuyển Việt Nam cũng có kết quả tương tự, nhưng thông số 3-7 ấn tượng hơn.
Những tiến bộ ấy dường như rất nhỏ bé, thậm chí không đáng kể nếu so sánh với những ông lớn mà tuyển Việt Nam đang phải đối đầu ở vòng loại thứ ba World Cup. Nhưng bước về phía trước dù bé nhỏ tới đâu vẫn là sự tiến bộ. Giống như câu chuyện cốc nước đã nói ở trên, điều quan trọng là ta chọn nhìn vào nửa đầy hay nửa vơi.
Là cốc nước vơi thì có sao không? Không sao, vì còn vơi là còn trống, còn thiếu sót là còn cơ may tiến bộ.
Sự tiến bộ đó có thể được thể hiện một lần nữa ngay tối nay trước Oman.
– HLV Park Hang-seo (Việt Nam): “Tình hình của tuyển Việt Nam là khá khó khăn để lấy điểm trước Oman. Có nhiều luồng phê phán chúng tôi sau trận thua trước Trung Quốc. Tôi sẵn sàng đón nhận những phê phán đó”.
– HLV Branko Ivankovic (Oman): “Thật tiếc khi họ không giành được điểm nào dù rất xứng đáng. Tuyển Việt Nam đã chơi tốt trước các đối thủ mạnh”.
Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Oman sẽ diễn ra lúc 23h ngày 12/10 trên sân Sultan Qaboos Sports Complex.
Theo Zing