Tự hào khi xòe Thái được tôn vinh

9:24 | 24/09/2022

Xòe Thái là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) nói riêng và Tây Bắc nói chung


Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và diễn viên quần chúng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Vì vậy, khi “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng bào Thái và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái càng thêm tự hào, phấn khởi, xác định sẽ cùng nhau gìn giữ, phát huy hơn nữa nghệ thuật xòe Thái trong đời sống đương đại.

Những ngày này, Mường Lò – Nghĩa Lộ rực rỡ cờ hoa, đâu đâu cũng thấy những lời ca, tiếng hát, những điệu xòe uyển chuyển, duyên dáng. Các nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái, cùng những diễn viên chuyên và không chuyên đang một lần nữa làm “sống dậy” những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.

Bà Xa Thị Lò, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) phấn khởi nói: “Nghệ Thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân tộc Thái nói chung và người dân Nghĩa Lộ nói riêng. Tôi rất mong chờ đến giờ phút vinh danh nghệ thật Xòe Thái vào ngày mai. Cảm xúc của tôi rất đặc biệt bởi mình là người vinh dự được tham gia màn diễu diễn đường phố trước Lễ đón nhận Bằng và khai mạc Lễ hội”.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng gìn giữ, truyền bá, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nay nghệ thuật xòe Thái được vinh danh, có lẽ Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến – bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ có cảm xúc đặc biệt hơn cả. Dành cả cuộc đời để nghiên cứu, tìm hiểu, lưu giữ văn hóa Thái mà đặc biệt là phục dựng 6 điệu xòe cổ – nền tảng của nghệ thuật xòe Thái Tây Bắc, giờ đây khi xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì với ông, đó là sự mãn nguyện lớn nhất.

Dù đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe có phần yếu hơn, nhưng ông Biến vẫn nhiệt tình tư vấn cho đơn vị tổ chức để đảm bảo các chi tiết trong vở đại nhạc kịch dân vũ “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” đúng chuẩn của văn hóa Thái.

Ông Lò Văn Biến chia sẻ: “Những năm qua, tôi đã đem hết sức lực và tâm huyết để truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với xòe. Khi nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tôi cảm thấy vui mừng và tự hào vì công sức mình bỏ ra lưu giữ, truyền dạy xòe Thái đã có được kết quả. Tôi mong muốn, sau sự kiện này nghệ thuật xòe Thái sẽ tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn và phát triển hơn nữa”.

Nghệ nhân Lò Văn Biến hết mình truyền dạy xòe Thái cho các thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN phát

Mường Lò – Nghĩa Lộ nơi sinh tụ của cộng đồng người Thái. Nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái; gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái nơi đây.

Đồng bào Thái không chỉ múa xòe trong những dịp lễ Tết, mà còn múa trong những lễ hội của các bản làng như Xên bản, Xên mường, trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ hay trong những ngày vui của dòng họ, gia đình, hoặc đơn giản là khi nhà đón khách quý… Chính vì vậy, xòe đã trở thành một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của đồng bào Thái vùng Tây Bắc nói chung, đồng bào Thái ở Yên Bái nói riêng.
Người Thái quan niệm: “Không xòe thì hoa không nở, không xòe thì người không vui, không xòe thì trai gái không thành đôi, không xòe thì lúa, ngô không thành bắp”…

Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Đây là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên). Nghệ thuật xòe được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành vũ điệu kết đoàn, gắn bó các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc. Có nhiều loại xòe như: xòe vòng, xòe nghi lễ, xòe trình diễn… tuy nhiên trong đó, xòe vòng là phổ biến nhất. Điệu xòe giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, để rồi sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn.

Ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các tiểu ban của Ban Chỉ đạo Lễ hội đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội. Nghệ thuật xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự rất lớn của cả dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Thái nói riêng. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, trong những năm qua, thị xã đã đưa vào dạy trong trường học, phát huy hơn nữa vai trò các nghệ nhân trong công tác truyền dạy thế hệ trẻ, phát huy vai trò của các đội văn nghệ thôn bản, tổ dân phố. Tới đây tỉnh, thị xã sẽ có những kế hoạch cụ thể, chi tiết để bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe Thái.

Theo Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái: Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 – “thương hiệu” du lịch của tỉnh Yên Bái năm nay càng được mong chờ, bởi sự kiện “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội sẽ tạo điểm nhấn quan trọng để quảng bá du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Yên Bái – miền quê thân thiện, an toàn, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng.

Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của người dân Việt Nam. Điều này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này nói riêng và đối với những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác. Đồng thời, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân về một loại hình nghệ thuật mang đậm tính cộng đồng và giàu giá trị văn hóa dân tộc.

Tuấn Anh (TTXVN)

Nguồn Báo tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/tu-hao-khi-xoe-thai-duoc-ton-vinh-20220923180313074.htm

Cùng chuyên mục

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo