Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Quốc hội Nhật Bản

13:41 | 30/11/2023

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN.

Konnichiwa

Kính thưa Ngài Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro

Kính thưa Ngài Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa

Thưa các vị Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản,

Tôi trân trọng cảm ơn Quý vị đã dành cho tôi vinh dự được phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản – cơ quan lập pháp lâu đời nhất ở châu Á, nơi đề ra nhiều quyết sách lập pháp quan trọng cho tiến trình phát triển của Nhật Bản trong 135 năm qua. Đây là một tình cảm đặc biệt mà Quý vị đã dành cho nhân dân Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam mà tôi là người đại diện vào thời điểm rất có ý nghĩa – kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) giữa hai nước chúng ta.

Thay mặt Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các vị Nghị sĩ Quốc hội và Nhân dân Nhật Bản lời chào trân trọng và nồng nhiệt nhất. Xin chân thành cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị, thân tình dành cho tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Từ khi còn trẻ, tôi đã có cơ hội đến thăm Quý quốc trong chương trình giao lưu, gặp gỡ thanh niên Việt Nam – Nhật Bản. Những chuyến thăm ấy, được gặp gỡ các bạn trẻ Nhật Bản, được sống cùng gia đình Nhật Bản đã để lại trong tôi những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về con người Nhật Bản mến khách và thân tình; đất nước Nhật Bản đẹp như những bông hoa anh đào, tâm hồn Nhật Bản thanh bình, sâu lắng như những vần thơ Haiku, tinh thần Nhật Bản kiên cường, cao thượng như những chiến binh Samurai, ý chí Nhật Bản kiên định, vững vàng như núi Phú Sĩ.

Cho đến hôm nay, trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, dù trên cương vị mới, song trong tôi vẫn giữ nguyên những kỷ niệm tốt đẹp của gần 30 năm trước khi tới thăm Nhật Bản. Đồng thời, cảm nhận sâu sắc hơn về đất nước Mặt Trời mọc phát triển giàu mạnh, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế; Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy, người bạn thân thiết, luôn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Trong buổi gặp mặt ý nghĩa hôm nay, tôi xin chia sẻ với Quý vị một số nội dung cơ bản về mối quan hệ giữa hai nước chúng ta; tầm nhìn về tương lai và vị trí của mối quan hệ đó đối với hai dân tộc, cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Thưa Quý vị,

1- Mối lương duyên giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản.

Hai nước, hai dân tộc chúng ta có mối quan hệ lịch sử lâu đời từ hơn 1.000 năm trước. Khởi đầu là giao lưu nhân dân, đến hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế. Theo các sử liệu nghiên cứu, từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Việt Nam đã tới tỉnh Nara tham dự pháp hội khai nhãn đại tượng Phật, mở đầu lịch sử giao lưu về Phật giáo và Nhã nhạc Cung đình giữa hai nước. Đến thế kỷ 16, những Châu ấn thuyền của Nhật Bản đã qua Việt Nam buôn bán, làm ăn, lập nên những con phố, cây cầu mang đậm kiến trúc Nhật Bản, nay vẫn được gìn giữ ở Hội An. Đó là mối lương duyên giữa Công chúa Ngọc Hoa và Thương nhân Araki Sotaro; là tình bạn cao đẹp giữa Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với Bác sỹ Asaba Sakitaro…

Việt Nam và Nhật Bản có cùng nền văn minh lúa nước, cùng phải vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh tàn phá. Chính từ đó đã tôi luyện nên những con người có đức tính kiên cường, bất khuất, cần cù, năng động, sáng tạo, coi trọng giá trị hoà hợp cộng đồng và gia đình, chung thuỷ, tình nghĩa trước sau, tôn kính tổ tiên, hiếu thuận với cha mẹ, luôn hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ để hoàn thiện nhân cách.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam đã nhận định Việt Nam – Nhật Bản là hai nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. Tuy không gần nhau về địa lý nhưng hai nước có nhiều sự tương đồng, gắn kết về văn hóa, lịch sử, con người. Sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua đã là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: “Lương duyên trời định”.

Thưa Quý vị,

2. Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Đất nước chúng tôi đã phải trải qua những năm tháng dài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để gìn giữ vẹn toàn non sông, giành lấy quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi gian khó để dựng nước và giữ nước, chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị và tôn trọng các dân tộc khác.

Trong một thế giới có nhiều biến động, từ truyền thống và triết lý của dân tộc mình, từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong quá trình đó, chúng tôi xác định, quan hệ với các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu, quan hệ với các nước lớn và các đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa chiến lược, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, một số đối tác khác có ý nghĩa rất quan trọng và coi trọng quan hệ với các đối tác truyền thống. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đường lối quốc phòng “4 không” là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Nếu trước kia, Việt Nam được biết đến là đất nước có chiến tranh, kém phát triển, thì ngày nay, qua gần 40 năm Đổi mới – Việt Nam đã trở thành đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chúng tôi đứng thứ 35 thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 20 trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trao đổi thương mại, Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Liên hợp quốc giảm từ trên 50% (năm 1986) xuống còn 4,3% (năm 2022). Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 30 nước; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu.

Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để mục tiêu đó trở thành hiện thực, chúng tôi coi trọng vai trò của người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai. Đồng thời, phải cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục cho được những khó khăn, hạn chế đang cản trở quá trình phát triển đất nước.
Việt Nam khâm phục chính sách cải cách và phát triển kinh tế-xã hội đã giúp Nhật Bản trở thành một cường quốc về kinh tế, có vai trò, vị thế quốc tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Những thành tựu của đất nước Mặt Trời mọc là nguồn cổ vũ lớn lao, là kinh nghiệm hữu ích, là động lực to lớn đối với Việt Nam.

Thưa Quý vị,

3. Nhìn lại chặng đường 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

50 năm qua, Việt Nam-Nhật Bản đã cùng nhau tiến từng bước vững chắc trong xây dựng một quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) đến quan hệ “Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2014), đến hôm nay, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được mở rộng, góp phần nâng tầm khuôn khổ, nội hàm quan hệ, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng phát triển thực chất, đi vào chiều sâu. Hiện có khoảng 520.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản; khoảng 22.000 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam; có gần 100 cặp địa phương đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác. Đây chính là cầu nối quan trọng để tăng cường quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Chúng tôi đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chúng tôi không thể nào quên, trong thời điểm Việt Nam khó khăn nhất, Nhật Bản đã là một trong những nước phát triển đầu tiên bình thường hoá quan hệ và quyết định nối lại ODA cho Việt Nam. Và cho đến nay, ODA của Nhật Bản vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, mối quan hệ sâu đậm giữa Lãnh đạo hai nước, được dày công xây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ đã là tài sản quý báu trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Ngay tại Quốc hội Nhật Bản, 1/3 số nghị sĩ là thành viên Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam. Các vị chính là cầu nối quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tôi đã có may mắn được gặp gỡ và kết giao với nhiều vị trên những vị trí công tác khác nhau. Đặc biệt, chuyến thăm của 1.000 đại biểu do ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam dẫn đầu thăm Việt Nam năm 2020, là sự kiện hiếm có trong lịch sử ngoại giao hai nước.

Có thể khẳng định những thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tự tin cùng nhau đi tới tương lai.

Thưa Quý vị,

4. Tương lai quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Việt Nam – Nhật Bản có nhiều lợi thế và lợi ích chiến lược để bổ sung cho nhau. Chúng ta có những nét tương đồng chiều sâu về văn hóa, con người. Chúng ta đã tạo dựng những thành quả phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư thực chất, hiệu quả. Chúng ta có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và mong muốn chung của Nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hai ngày trước, tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio đã cùng ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Khuôn khổ quan hệ mới cho phép chúng ta nâng tầm và mở rộng không gian hợp tác, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu; không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn ở những lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, chuyển đổi số, FDI xanh, tài chính xanh, ODA thế hệ mới, đúng với tinh thần Việt – Nhật đồng hành, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới.

Trên cơ sở những thành tựu đáng tự hào đạt được, hướng tới tương lai với nhiều cơ hội và những thách thức đan xen, chúng ta cần triển khai khuôn khổ quan hệ mới với những tư duy mới, định hướng mới, cách làm mới. Theo tôi có 06 tăng cường sau:
Một là, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực bao gồm trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu giữa các nghị sĩ và đại biểu Quốc hội hai nước.

Hai là, tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, xác định hợp tác kinh tế là trụ cột trọng tâm. Chúng tôi kỳ vọng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chúng tôi cam kết Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của Nhật Bản.

Ba là, tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo. Trong đó, chú trọng hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, chia sẻ thông tin, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; mở rộng hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Bốn là, tăng cường hơn nữa hợp tác địa phương, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và giao lưu nhân dân. Tạo điều kiện để công dân hai nước hòa nhập sâu hơn vào đời sống xã hội của nhau. Đây chính là những yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy hiểu biết, tin cậy giữa Nhân dân hai nước.

Năm là, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới. Chúng tôi kỳ vọng Nhật Bản sẽ trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mong Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam các dự án hợp tác cụ thể theo Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), Sáng kiến Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).

Sáu là, tăng cường hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Tương lai của Việt Nam và Nhật Bản gắn liền với hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh khu vực và thế giới xảy ra nhiều xung đột, chiến tranh cục bộ, chúng ta càng thấy giá trị thiêng liêng của hòa bình. Hai nước chúng ta đều có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, ngăn ngừa xung đột, ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò quan trọng và tích cực hơn nữa trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới nói chung, tại châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng. Chúng tôi tin tưởng hai nước sẽ cùng nhau góp phần xây dựng cấu trúc khu vực bền vững, bao trùm với ASEAN đóng vai trò trung tâm, phát huy hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các thành tựu phát triển của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững, xanh và bao trùm.

Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”.

Thưa Quý vị,

5. Hai nước chúng ta đã phải trải qua biết bao biến động của lịch sử, nhưng đã kiên cường cùng nhau vượt qua những thăng trầm, cùng nhau chia sẻ ở những thời điểm khó khăn, ngày càng trở nên thân tình, gần gũi và đang nỗ lực vươn lên vì một tương lai tốt đẹp hơn của hai dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Nhà Vua Minh Trị có câu: “Chỉ suy nghĩ có lợi cho dân mới mãi trường tồn trong xã hội của chúng ta”. Bởi vậy, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện chính là đáp ứng nguyện vọng và phục vụ cho những lợi ích thiết thực, cụ thể cho hơn 200 triệu người dân của hai nước chúng ta.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội và nhân dân Nhật Bản, đã luôn quan tâm, ủng hộ Việt Nam trong những năm tháng qua. Mong rằng Quốc hội Nhật Bản, trên nền tảng của một đất nước hùng mạnh, một dân tộc kiên cường sẽ tiếp tục đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng khởi sắc và phát triển bền vững.
Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng, với sự ủng hộ nhiệt thành của Nhà Vua và Hoàng hậu, với những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Kishida Fumio – Nhân dân Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được những thành công to lớn hơn nữa, xứng đáng là cường quốc ở châu Á và trên thế giới.

Chúc Nhân dân và đất nước Nhật Bản phồn vinh, hạnh phúc.

Chúc cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản và Quốc hội hai nước phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và trên thế giới.

Xin chúc Quý vị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Arigato gozaimashita./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN

Cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024