Sáng 27/6, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ sáu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu khai mạc. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam được bầu làm Chủ tịch, điều hành Kỳ họp lần thứ sáu Đại hội đồng GEF.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc trong gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Quỹ GEF dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các đại biểu GEF việc Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Quỹ Môi trường toàn cầu và các quốc gia thành viên GEF, các đối tác phát triển, Thủ tướng mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tư vấn, hợp tác, hỗ trợ nguồn lực quý báu của các bạn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:
“Việt Nam là địa điểm thuận lợi để Quỹ Môi trường toàn cầu thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học…”
Để góp phần vào thảo luận của Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng GEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 3 nội dung quan trọng để các đại biểu thảo luận:
Một là, cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.
Hai là, cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
Ba là, cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng…
Đứng đầu Quỹ Môi trường toàn cầu, bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành cảm ơn Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vì đã chủ trì tổ chức Đại Hội đồng GEF, tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc.
Bà Naoki Ishii rất ấn tượng tới kết quả của công cuộc Đổi Mới của Việt Nam từ năm 1986: “Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy, 5,5% trong gần ba thập niên và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Hơn nữa, Việt Nam đã làm được điều này với sự ổn định và chất lượng; tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 3% và người dân Việt Nam giờ đây có sức khỏe và một nền giáo dục tốt hơn so với nhiều nước ở ngưỡng trên mức thu nhập trung bình. Đó là một thành tựu to lớn của Việt Nam”.
Và trong quá trình phát triển này, Việt Nam cũng đã phải chịu đựng sự suy thoái đất và rừng, ô nhiễm không khí và nguồn nước; đồng thời nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường; về sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng như khuyến khích năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, vì các đại dương xanh và khỏe mạnh.
Nhấn mạnh tới vai trò của Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt 25 năm qua đồng hành trong việ giải quyết các vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, bà Naoki Ishii thừa nhận rằng thành công trong quá khứ này là không đủ và chúng ta phải thay đổi.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 sẽ diễn ra trong 02 ngày 27 – 28/6/2018, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các Văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về Khoa học và Kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành Quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF. Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các Phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như: Phát triển kinh tế xanh lam; Quản lý đất đai; Hóa chất, chất thải và thủy ngân; Thành phố bền vững; Động vật hoang dã…; và thông qua Văn kiện hợp tác GEF.
Sau khi nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng GEF6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thế giới đang phải đổi mặt với những thách thức do suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng, để giải quyết những thách thức này, cần phải thực hiện sự chuyển đổi trong các nền kinh tế, trong xã hội và lối sống, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
TTS/VHVN